Theo thống kê của Viettel, trung bình mỗi tháng nhà mạng này chặn khoảng 20 triệu tin nhắn rác. Với đơn giá hiện tại, điều đó đồng nghĩa với việc Viettel từ bỏ hàng chục tỷ đồng doanh thu từ SMS. Đó là “cái giá” phải trả cho quyết tâm bảo vệ khách hàng của đơn vị này.
Điện thoại di động trở nên phổ biến đồng thời biến thiết bị liên lạc này thành kênh quảng cáo sản phẩm, dịch vụ hữu hiệu. Tuy nhiên, việc lạm dụng hình thức tiếp thị này nhanh chóng biến tướng thành nạn “dội bom” tin nhắn khách hàng, gây phiền toái và ức chế người dùng di động. Bộ TT&TT đã yêu cầu các đơn vị tích cực triển khai Chỉ thị 82 về việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng.
Người dùng “loay hoay” với tin nhắn rác
Khi khó chịu với những tin nhắn vô chủ, bạn chỉ cần gõ cụm từ “phần mềm chặn tin nhắn rác” trên Internet, ngay lập tức hàng triệu kết quả hiện ra. Trong đó, một số thứ miễn phí, nhưng cũng có nhiều phần mềm được rao bán công khai với giá lên tới hàng triệu đồng.
Cũng có nhiều website, chuyên gia, diễn đàn khuyến cáo khách hàng nên “tự cứu” mình bằng các phần mềm hoặc thủ thuật trên điện thoại thông minh. Tính năng chặn sự làm phiền của tin nhắn rác bằng các biện pháp như: Chặn theo đầu số và danh bạ; Chặn theo bộ lọc từ khóa; Cài ứng dụng tự động chặn spam... Tuy nhiên, chưa có một giải pháp nào hữu hiệu toàn diện. Chẳng hạn, chặn đầu số theo danh bạ đôi khi sẽ bị bỏ lỡ những cuộc gọi ngoài danh bạ hoặc từ số điện thoại cố định cũng rất quan trọng đối với người dùng.
Nếu sử dụng phần mềm chặn tin nhắn theo dải đầu số, theo các cụm từ “nhạy cảm” khi quảng cáo, khách hàng sẽ bị chặn cả những bạn bè dùng sim 11 số hoặc để lọt nếu người phát tán tin nhắn rác sử dụng sim 10 số để bắn tin “bẩn”. Cách thức này cũng không hề tiện lợi bởi đối tượng phát tán tin rác “lách” việc chặn spam bằng cách viết sai cú pháp tin nhắn, có thêm dấu cách ở giữa hoặc thiếu dấu... Ngoài ra, khách hàng sử dụng các loại điện thoại cơ bản không cài được phần mềm thì chỉ còn cách “chịu trận” và trông chờ vào nỗ lực của nhà cung cấp dịch vụ.
Chung tay chặn tin nhắn rác
Theo đại diện của Viettel Telecom, giải pháp chặn tin nhắn rác phải là một góc tiếp cận và giải quyết vấn đề hoàn toàn khác. Cuối năm khi 2015, Tổng công ty này đưa vào triển khai hệ thống Viettel-Antispam cho khách hàng trên toàn mạng với bước cải tiến vượt bậc đã chặn được hàng triệu tin nhắn mỗi ngày.
Trong khi nhiều doanh nghiệp rao bán các phần mềm chặn tin nhắn rác, bán các giải pháp chặn tin nhắn thì Viettel tiên phong triển khai miễn phí cho khách hàng của mình (triển khai hệ thống miễn phí, tổng đài tiếp nhận tin nhắn miễn phí...). Vai trò ngăn chặn được chuyển lên cấp độ hệ thống hạ tầng mạng di động, thay cho những giải pháp đơn lẻ trên thiết bị đầu cuối của khách hàng.
Đại diện Viettel giải thích: hệ thống như một bộ lọc trước luồng tin nhắn đến với máy chủ dịch vụ (SMSC). Trên cơ sở phân tích hành vi dựa trên hàng trăm đặc điểm như: nhận dạng nguồn phát, tần suất phát, kịch bản nội dung, v.v…, hệ thống sẽ tự động phân loại đó là tin nhắn thông thường hay tin nhắn rác. Chỉ những tin nhắn “sạch” mới được đưa vào hệ thống SMSC để gửi tới máy nhận. Các đặc điểm và kịch bản tin nhắn rác được nâng cấp tự động liên tục bằng khả năng tự học của hệ thống dựa trên những phản hồi, đóng góp của khách hàng nếu có trường hợp “lọt lưới”.
Cũng vì hệ thống chặn từ nguồn như vậy, nên việc những tin nhắn rác sẽ không đi qua hệ thống gửi tin cũng như hệ thống tính cước phí. Hiện tại, trung bình hệ thống chặn khoảng hơn 20 triệu tin nhắn, đồng nghĩa với việc đơn vị này sẽ thất thu hàng chục tỷ doanh thu/tháng. Tuy nhiên, Viettel vẫn chấp nhận để “nói không” với tin nhắn rác đã thể hiện hành động mạnh mẽ và đi đầu trong việc hạn chế tối đa tin nhắn rác làm phiền khách hàng.
Cùng thời gian, Viettel là nhà mạng đầu tiên đưa vào áp dụng hệ thống kiểm soát dịch vụ dựa trên quản lý cú pháp cung cấp dịch vụ (command code) với tất cả các đầu số ngắn Viettel cung cấp nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng.
Với dịch vụ bảo vệ khách hàng mà Viettel cung cấp trước đây, người dùng được cung cấp 7 tính năng: Quét phần mềm độc hại; Cảnh báo mất an toàn thiết bị; Duyệt web an toàn; Chia sẻ kinh nghiệm; Chống trộm; Khóa ứng dụng và sao lưu danh bạ. Các dịch vụ này được cung cấp miễn phí dưới hình thức ứng dụng cài đặt trên thiết bị di động.
Đại diện Viettel cho biết, khả năng tự học, tự nâng cấp của hệ thống chặn tin rác mới này sẽ ngày càng hoàn thiện nếu khách hàng chung tay với Viettel cung cấp “tri thức” về tin nhắn rác. Theo đó, khi nhận được tin nhắn rác, khách hàng có thể gửi nội dung tin nhắn đến đầu số 9198 (miễn phí).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.