(HNM) - Dự thảo cho nghị định quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản đang lấy ý kiến người trong cuộc xem ra xới lại một câu chuyện lâu nay đã cũ.
Nói riêng vấn đề này đối với giới văn nghệ thì nếu coi việc sống được bằng nghề, bằng nhuận bút là một tiêu chí của lao động chuyên nghiệp thì lao động văn chương chuyên nghiệp hay nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp ở ta thật chả được mấy người. Nhuận bút cho thơ dường như chỉ để… vui. Đa số các tập thơ in ra, tác giả đều tự bỏ tiền xin giấy phép, trả công in ấn. Truyện ngắn và tiểu thuyết có nhuận bút cao hơn một chút, song vẫn… "bèo". Nhà văn nào mua thêm tác phẩm của mình để tặng bạn bè thì có khi cũng hết cả nhuận bút.
Dự thảo trên đưa ra khung nhuận bút có tỷ lệ phần trăm để chi trả cho các xuất bản phẩm. Trong đó, văn xuôi được hưởng tỷ lệ 8-18%, thơ được 12-18%. Tỷ lệ ấy đem nhân với giá bán lẻ xuất bản phẩm, nhân với số lượng in để ra số tiền cụ thể cho tác giả. Bên cạnh đó, khi tác phẩm tái bản, tác giả cũng được nhận nhuận bút, rồi người hiệu đính, người sưu tầm… cũng được tính trả thù lao.
Nhìn tổng thể, mức nhuận bút có tăng, có thêm một số quy định chi tiết hơn nên cũng góp phần giảm thiệt thòi cho các thành phần tham gia lĩnh vực xuất bản. Song, theo nhận định của giới làm sách thì tỷ lệ tính nhuận bút này đã được áp dụng trong thực tế, có điều, do số lượng bản in thấp (khoảng 2.000 bản) nên số tiền không cao được. Những trường hợp đặc biệt đạt 1-2 vạn bản in thì đơn vị làm sách cũng thỏa thuận tỷ lệ nhuận bút cao lên 15%...
Như vậy, nếu không tạo được mức tăng đột phá, thì những quy định này sẽ chỉ dừng ở việc văn bản hóa những gì đang diễn ra trong đời sống xuất bản. Nhưng muốn đột phá thì lại phụ thuộc vào tài chính của đơn vị… Chưa kể, nghị định đưa ra rồi cũng còn phải được cụ thể hóa bằng thông tư hướng dẫn. Rồi thì thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ của các đơn vị xuất bản, các đơn vị, cá nhân sử dụng tác phẩm đối với các tác giả.
Không khéo thì loanh quanh lại vẫn phụ thuộc vào thỏa thuận giữa tác giả và đơn vị làm sách mà thôi! Để sống được bằng nhuận bút… thật chẳng phải chuyện chơi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.