(HNM) - Sau hơn hai năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đã tăng ấn tượng.
Còn nhiều trở ngại
Kể từ khi thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) cách đây 25 năm (1992), BHYT đã thể hiện là một trong những trụ cột của chính sách an sinh xã hội, là quyền lợi gắn bó mật thiết với mỗi nhà, mỗi người dân. Đặc biệt, chỉ sau hai năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, mục tiêu BHYT toàn dân đã ở rất gần khi đã có hơn 82% dân số (76,68 triệu người) tham gia. Kết quả này có được là nhờ sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, không thể thiếu các yếu tố liên quan mật thiết tới công tác tổ chức thực hiện. Đó là sự đổi mới mạnh mẽ của ngành Y tế từ tinh thần, thái độ phục vụ, đến các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Đó là sự nỗ lực của ngành BHXH Việt Nam, từ việc tăng cường truyền thông, mở rộng mạng lưới đại lý thu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, đến tăng cường kiểm tra, giám sát sử dụng quỹ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người tham gia BHYT...
Tham gia bảo hiểm y tế giúp giảm gánh nặng chi phí khi vào viện. Ảnh: Thái Hiền |
Theo ông Nguyễn Trí Đại, Trưởng ban Thu BHXH Việt Nam, mặc dù ngành BHYT đã hoàn thành vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao về tỷ lệ bao phủ BHYT, song lộ trình BHYT toàn dân vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, với gần 18% số dân (khoảng 16,6 triệu người) chưa tham gia. Nguyên nhân của tình trạng này, trước hết là do tính tuân thủ pháp luật của chủ sử dụng lao động, người lao động còn hạn chế, chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT còn nhiều bất cập. Một số đối tượng thuộc nhóm ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng có xu hướng giảm tham gia do tác động từ cơ chế chính sách. Căn cứ vào chuẩn nghèo mới, số hộ gia đình cận nghèo năm 2016 giảm hơn 103 nghìn hộ, tương đương khoảng 400 nghìn người so với năm 2015.
Hết quý I-2017, nhóm đối tượng học sinh, sinh viên giảm khoảng 325 nghìn người so với năm 2015, do các cơ sở giáo dục không có biện pháp ràng buộc học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Ngoài ra, tại một số địa phương, ngành BHXH cùng ngành Giáo dục và Đào tạo chưa thực hiện tốt công tác phối hợp trong việc triển khai thu BHYT học sinh, sinh viên. Có cơ sở giáo dục bậc đại học, cao đẳng chỉ liệt kê số tiền đóng BHYT cho học sinh, sinh viên vào các khoản thu đầu năm học, thiếu việc tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về BHYT nên tỷ lệ tham gia chưa cao. Người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng BHYT, nhưng đến nay mới có 3 tỉnh bố trí được ngân sách hỗ trợ, do đó số lượng người tham gia rất nhỏ.
Theo ông Nguyễn Trí Đại, thách thức lớn nhất trên lộ trình BHYT toàn dân là nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình. Tính đến tháng 5-2017, mới có khoảng 40% số người thuộc diện này tham gia BHYT. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của người dân đối với chính sách BHYT còn hạn chế, chỉ khi đau ốm thì mới nghĩ đến việc tham gia BHYT…
Tăng mức hỗ trợ...
Thông tư 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế vừa ban hành đã có tác động nhất định đến tâm lý người dân trong việc tham gia BHYT. Theo đó, kể từ ngày 1-6-2017, các cơ sở y tế công lập chính thức áp dụng giá viện phí mới đối với nhóm đối tượng không có thẻ BHYT và một số dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT. Cụ thể, có 1.916 dịch vụ được điều chỉnh tăng giá với mức tăng chủ yếu ở khoảng 20-30%, một số ít có mức tăng gấp đôi so với mức giá hiện hành. Khoản tiền người khám, chữa bệnh không có thẻ BHYT phải trả thêm so với mức giá hiện hành sẽ là không nhỏ. Trong khi đó, bệnh nhân BHYT được Quỹ BHYT chi trả từ 80% đến 100% chi phí, tùy từng đối tượng thụ hưởng. Nhìn chung, việc điều chỉnh giá viện phí đã tạo công bằng hơn trong việc thực hiện chính sách chung, gây hiệu ứng tích cực để người dân tham gia BHYT một cách ổn định và bền vững.
Sau những kết quả khả quan mà ngành BHYT đã đạt được, Chính phủ tiếp tục điều chỉnh tăng tỷ lệ mục tiêu bao phủ vào năm 2020 lên hơn 90% (tăng 10% so với Nghị quyết 21-NQ/TƯ). Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, BHXH Việt Nam tiếp tục triển khai các nhóm giải pháp như: Tiếp tục quan tâm đầu tư đổi mới, tăng cường truyền thông, hoàn thiện công tác thu và cấp thẻ BHYT. Đặc biệt là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phát huy hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong giám định, quản lý Quỹ BHYT, nâng cao ý thức trách nhiệm và chất lượng phục vụ. Đẩy mạnh thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực trong thu nộp BHYT và các hành vi lợi dụng, trục lợi Quỹ khám, chữa bệnh BHYT; phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan và cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương để triển khai các giải pháp đồng bộ, thực hiện hiệu quả Luật BHYT.
Để tăng cường tính tuân thủ pháp luật, ngành BHXH kiến nghị với Quốc hội tăng cường công tác giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT ít nhất 1 năm/lần đối với các địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT dưới 80%. Đề xuất Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố cân đối ngân sách thực hiện hỗ trợ 100% mức đóng cho đối tượng cận nghèo tham gia BHYT, hỗ trợ tối thiểu 50% với các hộ gia đình nông - lâm - ngư - diêm nghiệp có mức sống trung bình…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.