(HNM) - Báo Hànộimới đã có nhiều bài viết phản ánh tình trạng xe quá tải trọng lưu thông trên đê, gây ra nhiều ảnh hưởng đến đời sống người dân và làm hư hỏng bề mặt nhiều đoạn đê. Vì sao tình trạng này chậm được đẩy lùi và cần giải pháp hữu hiệu nào để ngăn chặn các phương tiện quá tải trọng lưu thông trên đê đang là vấn đề đặt ra với các cơ quan chức năng.
"Oằn lưng" vì xe quá tải trọng
Thời gian gần đây, trên các tuyến đê hữu Hồng, tả Đuống, hữu Đáy, Ngọc Tảo… đoạn chạy qua địa phận các xã: Ninh Sở, Hồng Vân, Vạn Điểm, Thống Nhất (huyện Thường Tín); Hồng Thái, Văn Nhân, thị trấn Phú Minh (huyện Phú Xuyên)… liên tục xuất hiện xe trọng tải lớn lưu thông làm rơi vãi vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống của người dân và làm hư hỏng bề mặt nhiều đoạn đê...
Anh Đỗ Thành Công, người dân ở thị trấn Phú Minh (huyện Phú Xuyên) cho biết: “Các xe tải trọng lớn thường đi với tốc độ cao. Ban đêm, lái xe bật đèn pha, chói mắt không thể nhìn thấy đường. Gặp các xe này, dù ngày hay đêm, muốn bảo đảm tính mạng thì chỉ có cách dừng sát mép đê chờ chúng đi qua…”.
Về thực trạng này, Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội Nguyễn Xuân Hải cho biết: “Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội đã xây dựng 15 mố hạn chế xe quá khổ, quá tải lưu thông trên đê tả Hồng, hữu Hồng, tả Đáy, Ngọc Tảo và cắm biển báo tải trọng phương tiện được phép lưu thông, tối đa là 12 tấn, nhưng nhiều lái xe vẫn ngang nhiên vi phạm. Phát hiện vi phạm này, các hạt quản lý đê đã chụp ảnh gửi chính quyền địa phương và cơ quan công an, thanh tra giao thông vận tải để xử lý… Tuy nhiên, do các đơn vị trên thiếu quyết liệt trong xử lý nên tình trạng xe quá tải trọng lưu thông trên đê vẫn diễn ra phổ biến. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến bề mặt nhiều đoạn đê chạy qua thành phố bị xuống cấp, giảm năng lực chống lũ trong mùa mưa bão, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, gây bức xúc nhân dân...”.
Có rất nhiều lý do để giải thích việc vẫn có phương tiện quá tải trọng lưu thông trên đê như: Địa bàn rộng, lực lượng làm nhiệm vụ chuyên trách còn mỏng; phương tiện phục vụ công tác kiểm tra, xử lý còn thiếu; ý thức chấp hành pháp luật giao thông, đê điều của một số người dân còn hạn chế…
Thượng tá Lê Hồng Chuyên, Phó Trưởng Công an huyện Phú Xuyên cho biết, hằng tháng, công an huyện vẫn nhận được hình ảnh xe quá tải lưu thông trên các tuyến đê do Hạt Quản lý đê Phú Xuyên cung cấp, nhưng rất khó xử lý vì thiếu căn cứ pháp lý. Nói cách khác, muốn xử lý các chủ phương tiện, cơ quan công an phải chứng minh xe vượt tải trọng bao nhiêu phần trăm. Từ đó, căn cứ mức độ vi phạm mới ra quyết định xử lý. Để có căn cứ này, công an huyện phải có cân tải trọng phương tiện, nhưng hiện nay, huyện không có thiết bị này...
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Theo Thượng tá Lê Hồng Chuyên, để chống xe quá tải trọng lưu thông trên đê cần triển khai nhiều giải pháp và cần xác định là nhiệm vụ chung của các cấp, các ngành chứ không chỉ của lực lượng công an, thanh tra giao thông vận tải…
Cụ thể hơn, Thượng tá Lê Hồng Chuyên đề nghị Sở NN&PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội rà soát, tham mưu, đề xuất thành phố bố trí đủ biển báo trên các tuyến đê; giải tỏa dứt điểm các bãi chứa vật liệu xây dựng hoạt động trái phép và xử lý nghiêm chủ các bãi chứa vi phạm cam kết bảo vệ môi trường… Bên cạnh đó, thành phố cần trang bị cho các địa phương thiết bị cân tải trọng phương tiện, camera giám sát… để “phạt nguội” các phương tiện.
Cùng ý kiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vi Thị Bình Anh đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội khảo sát, đề xuất thành phố đầu tư nâng cấp các tuyến đê, xây dựng các tuyến đường hành lang chân đê để vừa phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, vừa phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đồng thời hạn chế được các vi phạm trên đê…
Về vấn đề trên, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, đơn vị đã đề xuất thành phố và Bộ NN&PTNT đầu tư nâng tải trọng một số tuyến đê theo tiêu chuẩn đường giao thông. Trong khi chờ cấp thẩm quyền xem xét, quyết định đầu tư, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị các địa phương có đê tăng cường tuyên truyền pháp luật đê điều, quy định về tải trọng cho phép của xe đi trên đê, nhất là đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động tập kết trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng; đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm…
Sở Giao thông - Vận tải kiên quyết không cấp phép lưu hành những xe thay đổi thùng bệ, thường xuyên kiểm tra các bến thủy nội địa có hoạt động tập kết vật liệu xây dựng… Công an thành phố kiểm tra, xử lý nghiêm các xe có tải trọng vượt phép lưu thông trên đê…
Trong 3 tháng cao điểm (từ tháng 5 đến tháng 8-2019), Công an thành phố Hà Nội đã xử lý hơn 2.000 phương tiện quá tải trọng lưu thông trên đê. Còn từ đầu năm 2019 đến nay, Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã kiểm tra, xử lý hơn 10.000 phương tiện quá khổ, quá tải, xử phạt gần 10 tỷ đồng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.