Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chặn “tín dụng đen” đeo bám công nhân

Kim Vũ| 06/09/2022 06:20

(HNM) - Thời gian qua, cơ quan chức năng liên tiếp cảnh báo tình trạng nhiều công nhân sa vào bẫy “tín dụng đen” đã phải chịu cảnh lãi suất cao, cùng những hành vi đòi nợ bằng cách đe dọa, “khủng bố” người vay và người thân của họ. Vậy nhưng, "tín dụng đen" vẫn tiếp tục len lỏi trong các khu công nghiệp - chế xuất Hà Nội, cho thấy cần phải quyết liệt ngăn chặn triệt để.

Cán bộ công an tuyên truyền về tác hại của “tín dụng đen” cho công nhân trên địa bàn huyện Đông Anh. Ảnh: Phan Hoạt

Muôn kiểu đòi nợ “khủng bố”

Tại các khu nhà trọ công nhân ở xã Hải Bối, Kim Chung (huyện Đông Anh); thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ); thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai)..., hàng trăm tờ rơi quảng cáo về việc hỗ trợ cho vay tài chính, cầm đồ lãi suất thấp, vay tiền qua app... được dán khắp nơi.

Là nạn nhân của "tín dụng đen", anh Nguyễn Văn N., công nhân Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) kể, cuối năm 2021, dịch Covid-19 khiến cuộc sống gia đình bấp bênh, bố anh lại bị đột quỵ phải điều trị dài ngày trong bệnh viện, chi phí tốn kém. Lương thưởng bị cắt giảm, số tiền tích lũy cạn kiệt, cực chẳng đã anh đã vay nóng “tín dụng đen” 30 triệu đồng với lãi suất 10 triệu đồng/tháng. Tháng đầu tiên anh N. trả lãi đúng hạn, đến tháng sau mới chậm lãi 2 ngày, anh liên tục bị các đối tượng gọi điện, nhắn tin đe dọa. Anh N. đành phải vay mượn tạm bạn bè trả nợ để được yên thân.

Trên nhóm Facebook Công nhân Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh), tài khoản Thanh Hà, vốn là công nhân làm việc tại Khu công nghiệp vay lãi 20 triệu đồng theo hình thức bốc họ trả theo ngày. Khi chị Hà đã trả nợ được 11 triệu đồng thì vì hoàn cảnh túng quẫn, đành khất chậm trả, nhưng các đối tượng liên tục gọi điện "khủng bố" người nhà, thậm chí đến tận công ty đòi nợ, đồng thời nhắn tin cho phòng nhân sự và kế toán công ty, yêu cầu họ nhắc nhở công nhân trả nợ. Các đối tượng ghép hình người vay đưa lên mạng Facebook khiến chị Hà xấu hổ, phải xin nghỉ việc.

Tương tự, trường hợp chị Đào Thị P., công nhân Công ty TNHH Asti Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh) cũng trớ trêu không kém. Sau khi chồng chị vay tiền của “tín dụng đen” 20 triệu đồng được 3 tháng thì bị tai nạn, phải nằm viện dài ngày, không còn khả năng trả lãi, chỉ có thể trả gốc... Tuy nhiên, các đối tượng liên tục điện thoại, nhắn tin đe dọa. Thậm chí, các đối tượng còn nhắn tin đến điện thoại của 2 cán bộ nhân sự công ty để đe dọa, yêu cầu công ty phải có trách nhiệm.

Bà Vũ Thị Hồng Hạnh, cán bộ nhân sự Công ty TNHH Asti Việt Nam cho biết, đến nay, các đối tượng vẫn nhắn tin đe dọa công ty, nhằm làm giảm uy tín của chị P.

Hướng dẫn công nhân Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam (huyện Gia Lâm) ký hợp đồng vay vốn của Quỹ Trợ vốn công nhân viên chức lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Hải Hà

Gỡ khó cho công nhân

Về vấn đề này, Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội) Tạ Văn Dưỡng phân tích, "tín dụng đen" vẫn đeo bám công nhân là vì dịch Covid-19 kéo dài, thu nhập của người lao động bị giảm sút, tác động tiêu cực đến đời sống hằng ngày. Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn vay chính thống với công nhân gặp nhiều khó khăn do đa số là từ ngoại tỉnh đến thuê trọ, chính quyền địa phương không xác nhận được tình trạng nơi ở ổn định. Về phía ngân hàng chính sách chỉ tiếp nhận các hộ nghèo được vay vốn nếu thu nhập dưới 1,2 triệu đồng/tháng nên công nhân cũng không tiếp cận được. Do đó, việc vay lãi bên ngoài là không tránh khỏi.

Trước thực trạng này, ông Tạ Văn Dưỡng cho biết, Liên đoàn Lao động thành phố yêu cầu Công đoàn các cấp tăng cường triển khai hiệu quả chương trình phúc lợi đoàn viên, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần lao động, có chính sách hỗ trợ đoàn viên, công nhân, lao động nghèo, gặp hoàn cảnh khó khăn…

Đặc biệt, Liên đoàn Lao động thành phố vừa ký kết hợp tác với Ngân hàng SeABank, trong đó, các cấp công đoàn chủ động phối hợp triển khai, hỗ trợ để công nhân lao động được tiếp cận dịch vụ vay vốn phù hợp. Ngoài ra, thời gian tới Liên đoàn sẽ phát triển, nâng cấp Quỹ Trợ vốn công nhân nghèo (vốn dưới 70 tỷ đồng), nâng cấp thành Quỹ CEP - quỹ trợ vốn cho người lao động để huy động các nguồn vốn từ ngân hàng, các tổ chức để hỗ trợ, giúp lao động tiếp cận với nguồn vốn vay dễ dàng hơn.

Về phía chính quyền địa phương, theo Phó Chủ tịch UBND xã Hải Bối (huyện Đông Anh) Trịnh Minh Huân, để công nhân tránh xa "tín dụng đen", lực lượng công an xã, thường xuyên tuyên truyền cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo và cho vay lãi suất cao. Bên cạnh đó, UBND xã cũng sẵn sàng phối hợp với các cấp công đoàn trong khu công nghiệp có giải pháp phòng, chống tội phạm "tín dụng đen", để bảo vệ người lao động khỏi rơi vào bẫy của kẻ xấu.

Thêm một tin vui khác, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo 2 ngân hàng thương mại triển khai gói vay 20.000 tỷ đồng cho lao động tại các khu công nghiệp. Chương trình phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai. Theo đó, mỗi công nhân được vay nhiều nhất 70 triệu đồng, thời hạn 3 tháng đến dưới 3 năm. Lãi suất bằng một 1/2 lãi suất cho vay hiện tại cùng thủ tục đơn giản. Qua đó, sẽ giảm những tác động tiêu cực của "tín dụng đen" đến người lao động.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chặn “tín dụng đen” đeo bám công nhân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.