Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chăn nuôi ở Hà Nội: Nhỏ lẻ, thiếu bền vững

Quỳnh Dung| 27/02/2010 07:30

(HNM) - Những năm qua, ngành chăn nuôi Hà Nội đã đạt được những kết quả cao, là một trong những địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất cả nước, tuy nhiên vẫn bộc lộ hạn chế như phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, hoạt động sản xuất - thu mua - giết mổ - chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi vẫn chưa thực sự gắn bó chặt chẽ nên hiệu quả thấp.

Chăm sóc đàn lợn tại một hộ gia đình ở xã Cổ Đông, Sơn Tây. Ảnh: Bá Hoạt


Chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, tổng đàn lợn trên địa bàn thành phố là 1,7 triệu con, đàn bò 215.000 con, đàn trâu 28.000 con, đàn gia cầm 16 triệu con. Như vậy, lượng chất thải từ chăn nuôi thải ra bình quân hằng ngày là 3.000-4.000 tấn. Trong khi đó, bên cạnh số ít trang trại chăn nuôi tập trung với quy mô lớn còn hơn 80% vẫn là hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ tại gia đình, trong khu dân cư. Do quy mô nhỏ, khó áp dụng khoa học kỹ thuật xử lý ô nhiễm môi trường. Nhiều năm qua trên địa bàn thành phố vẫn xảy ra dịch bệnh ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Trên địa bàn huyện Thanh Oai có gần 200 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó có 40 trang trại quy mô lớn. Tuy nhiên, hầu hết các trang trại khi xây dựng đều không có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Bên cạnh đó, còn nhiều hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ nằm xen lẫn trong khu vực dân cư với mật độ cao, thiếu hệ thống xử lý chất thải. Đồng thời, hiện nay chăn nuôi trên địa bàn huyện chủ yếu vẫn là phát triển tự phát.

Mặc dù, thời gian qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã quy hoạch khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư ở nhiều huyện ngoại thành. Tuy nhiên, quá trình xây dựng mô hình trang trại, đưa chăn nuôi ra khỏi khu dân cư đang gặp nhiều khó khăn. Bà Bùi Thị Uyên, Phó phòng Kinh tế huyện Thanh Trì cho biết: Để thực hiện mô hình trang trại, các hộ nông dân phải đầu tư để xây dựng chuồng trại, đào ao thả cá trong khoảng 2-3 năm, kinh doanh có lãi phải từ 5 năm trở lên nhưng người chăn nuôi lại chỉ được thuê đất trong thời hạn 5 năm, vì vậy khó đạt hiệu quả kinh tế lâu dài và bền vững. Bên cạnh đó, trước đây đất ruộng thường được chia theo kiểu xé lẻ, manh mún, muốn chăn nuôi tập trung trang trại, phải dồn điền, đổi thửa mất rất nhiều thời gian. Ngoài ra, đất đã chuyển đổi vào khu chăn nuôi tập trung, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không được thế chấp, vay vốn ngân hàng. Ngoài ra, những khó khăn về vốn, giống, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật cũng chưa được giải quyết kịp thời để giúp nông dân phát triển chăn nuôi ra ngoài khu dân cư.

Mặt khác, trong chăn nuôi, chất lượng con giống chưa được cải thiện, việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong chăn nuôi chưa áp dụng rộng rãi… dẫn đến năng suất và chất lượng sản phẩm không cao, chưa đáp ứng yêu cầu thị trường. Thậm chí, nhiều năm qua, trong phát triển chăn nuôi vẫn thiếu sự quản lý chặt chẽ (nhất là công tác thú y) đã làm cho dịch bệnh xuất hiện và lây lan. Không chỉ người chăn nuôi bị thiệt hại nặng, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng, môi trường sống cũng bị ô nhiễm nặng...

Phát triển chăn nuôi tập trung
Ông Trần Xuân Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội khẳng định: Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, hiệu quả cao, cần hình thành các khu chăn nuôi theo hướng trang trại riêng biệt, mang tính công nghiệp, cách xa dân cư; mỗi khu chăn nuôi tập trung chỉ nên nuôi một loại gia súc hoặc gia cầm. Từ đó mới có điều kiện kiểm soát, khống chế dịch bệnh, thực hiện sản xuất hàng hóa, phục vụ chế biến và xử lý được môi trường. Có khu chăn nuôi tập trung thì mới khuyến khích các nhà đầu tư tham gia phát triển chăn nuôi theo dự án với mức đầu tư, số lượng lớn. Song song với quy hoạch đất, cần quy hoạch nhà máy chế biến, giết mổ gia súc và gia cầm tập trung... Quy hoạch này sẽ bảo đảm cho ngành NN&PTNT có khả năng chủ động kiểm soát và khống chế được các dịch bệnh nguy hiểm, nhất là cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng… khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển và kinh doanh gia súc, gia cầm.

Ông Bùi Văn An, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thanh Oai cho rằng: Nhà nước nên quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mạng lưới thú y, an toàn dịch bệnh. Việc chuyển chăn nuôi ra ngoài khu dân cư là một chủ trương đúng, biện pháp hữu hiệu để cải thiện môi trường. Qua đó tạo cơ sở phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp khép kín từ sản xuất, đến chế biến, thực hiện quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chăn nuôi ở Hà Nội: Nhỏ lẻ, thiếu bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.