Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chân lý chỉ có một - không ai, không thế lực nào có thể đổi trắng thay đen!

Hoàng Thu Vân| 04/05/2015 05:54

(HNM) - Phải khẳng định, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, là biểu tượng ngời sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Đề cập sự kiện trọng đại này, trong Diễn văn tại Lễ kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước diễn ra ở TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: "Chúng ta đã hoàn thành được sứ mệnh lịch sử vẻ vang là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của độc lập, thống nhất và cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa - dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Bắt đầu từ thời điểm đó của 40 năm về trước - ngày 30-4-1975, vượt qua những tàn phá, đau thương và cả những di chứng để lại của thời kỳ "hậu chiến tranh", đất nước chúng ta bước vào một giai đoạn mới với những điều kiện cần và đủ để xây dựng một nước Việt Nam "Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" như mong ước cháy bỏng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Ấy cũng chính là điều mong mỏi, nguyện ước của biết bao thế hệ người Việt Nam sẵn sàng xả thân cống hiến, hy sinh xương máu và lợi ích cá nhân để đi tới cái đích cuối cùng là độc lập, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Hành trình tới Ngày Chiến thắng của chúng ta đã thấm đẫm máu và nước mắt của biết bao thế hệ người Việt Nam mà chỉ riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ở khắp mọi miền của Tổ quốc đã có khoảng 3 triệu người nằm xuống.

Chỉ những dân tộc đã trải qua chiến tranh, chịu đựng những mất mát đau thương do chiến tranh gây ra khi bị kẻ thù buộc phải cầm vũ khí đứng lên cứu nước, dù là đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc… mới có thể thấu hiểu giá trị to lớn và khát khao được sống trong hòa bình, độc lập. Chính vì lẽ đó, mỗi người Việt Nam hãy nêu cao tinh thần dân tộc, lòng yêu nước thương nòi, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, không phân biệt quá khứ, vượt lên trên những khác biệt, hòa hợp dân tộc, vun đắp và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, tất cả vì một nước Việt Nam giàu mạnh như mong muốn trong Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Triệu triệu người Việt Nam, dù ở trong nước cũng như ở nước ngoài, đang chung sức, đồng lòng cống hiến, đóng góp vì mục tiêu cao cả đó, tạo nên những thành tựu to lớn đất nước đã đạt được trên con đường phát triển trong chặng đường 40 năm qua. Đây là những điều đã được bạn bè quốc tế và những người có thiện chí thừa nhận, không chỉ là những kết quả khả quan về kinh tế mà vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng ngày càng được đánh giá cao, từng bước khẳng định hình ảnh của một quốc gia thành công trong quá trình đổi mới và phát triển. Ông Alain Fontenas, một người Pháp có mặt tại Việt Nam những ngày qua đã khẳng định: "Sự thay đổi của Việt Nam là điều không ai có thể phủ nhận, điều này thể hiện rõ qua cuộc sống thường nhật của người dân, điều kiện sống, cơ sở hạ tầng… Tôi có thể khẳng định, Việt Nam đang đi đúng hướng". Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới Sandeep Mahajan đánh giá, kinh tế phát triển kéo theo sự thay đổi mọi mặt trong đời sống của người dân Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam được đánh giá cao về những nỗ lực xóa đói giảm nghèo. Khi mới bắt đầu cải cách, gần 60% dân số Việt Nam nghèo, tuy nhiên ngày nay tỉ lệ người nghèo đã giảm xuống dưới 10%. Bà Rahayu Saraswati, một nghị sĩ người Indonesia đến Việt Nam trong những ngày cuối tháng 3 vừa qua để tham dự kỳ họp Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới 132 (IPU-132), không khỏi ngạc nhiên về tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Theo bà Saraswati, Việt Nam đang ngày càng chứng minh được tiềm năng phát triển của mình và trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế...

Ấy vậy mà trong những ngày tháng Tư lịch sử này vẫn còn những quan điểm, ý kiến lạc lõng về Ngày Chiến thắng của dân tộc. Những đối tượng quen thuộc lâu nay vẫn tự xếp mình vào "lề trái" thì "tự xướng", lải nhải trên các trang mạng xã hội về việc có cần giải phóng miền Nam hay không? Rồi thì họ theo đuôi nhóm tàn quân ngụy với cái gọi là nhóm "quốc hận" nói chuyện bên thắng trận và bên thua trận. Lại có người không phải thiếu trình độ học thức, tranh thủ diễn đàn để kể chuyện Đông, Tây, kim cổ. Thậm chí, họ nêu vấn đề một cách kín đáo để hàm ý so sánh cuộc chiến tranh chống xâm lược, giải phóng miền Nam của đất nước ta với cuộc nội chiến giữa hai miền Nam - Bắc nước Mỹ kéo dài trong 5 năm (1861-1865), từ đó đánh đồng vấn đề "hòa hợp dân tộc" của hai quốc gia. Vẫn biết mọi sự so sánh đều khập khiễng, vẫn biết từng cá nhân có những quan điểm riêng trước từng vấn đề, sự kiện; vậy nhưng nêu chuyện mà mắc phải những sai lầm cơ bản về tư duy, kiến thức lịch sử và cố tình đánh đồng bản chất khác nhau nhằm hạ thấp ý nghĩa, giá trị của cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc Việt Nam là không thể nào chấp nhận được.

Trước hết, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam là một cuộc chiến đấu chống xâm lược. Cụ thể, chúng ta chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai ngụy quyền. Mấy chục năm qua, đã có biết bao nhiêu cuộc hội thảo khoa học trong nước và quốc tế tiếp tục khẳng định điều đó. Đây chính là vấn đề cơ bản - về bản chất hoàn toàn khác với cuộc nội chiến giữa hai miền Nam - Bắc nước Mỹ mà mâu thuẫn cơ bản là phát triển kinh tế công nghiệp (miền Bắc) và phát triển nông nghiệp (miền Nam) với "nút thắt" là việc tồn tại hay xóa bỏ chế độ nô lệ. Bên cạnh đó, trong lịch sử hàng nghìn năm chống giặc xâm lăng của dân tộc ta, những nhân vật như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống… đã được những cuốn sách sử kinh điển như Ðại Việt sử ký toàn thư, hay Hoàng Lê nhất thống chí… phê phán và nêu rõ tội trạng, danh xấu truyền từ đời này sang đời khác, cũng là để hậu thế nhìn vào, biết mà tránh. Và sự thật lịch sử cũng cho thấy, khi Mỹ can thiệp vào Việt Nam đã có một số người lầm lạc, chĩa súng vào đồng bào mình, gây nên nhiều tội ác. Ðiều đó cũng cần ghi vào sử sách như chuyện về Ích Tắc, Chiêu Thống… Chứ không lẽ những con người một thời lầm lạc, nay chúng ta cũng phải tôn vinh như những đồng bào, chiến sĩ cả nước không tiếc xương máu để chiến đấu vì độc lập dân tộc và thống nhất đất nước? Làm sao có thể coi việc chống lại nguyện vọng thống nhất đất nước của cả dân tộc bằng hành động phản nước hại dân, tiếp tay cho xâm lược là... "bảo vệ chính nghĩa theo lý tưởng"? Yêu nước và sự phản trắc, đồng lõa với kẻ thù là hai con đường phân định về ranh giới, đối lập và rõ nét như trắng - đen, tốt - xấu, bạn - thù…

Đề cập một khía cạnh khác, về truyền thống lịch sử hàng nghìn năm qua, Việt Nam là một dân tộc luôn nêu cao khát vọng hòa bình, sống trong độc lập, tự do. Nhưng "chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Bối cảnh lịch sử của từng thời điểm đã buộc chúng ta, bất kỳ là đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân biệt đảng phái, tôn giáo, dân tộc… hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên cứu nước. Nhưng rồi, "súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa", chúng ta sẵn sàng mở lòng để làm bạn cả với những người từng là kẻ thù, sẵn sàng tha thứ cả cho "những đứa con lầm lỗi", như cha ông vẫn nói "đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại". Vòng tay Đất Mẹ luôn mở rộng, chân thành với mọi đứa con, dù là những đứa con lầm lỗi, từng ở bên kia chiến tuyến, để hợp sức, hòa hợp dân tộc, đoàn kết, dựng xây đất nước, hàn gắn vết thương chiến tranh, để hết thảy những người Việt Nam được tắm trong hồn thiêng của dân tộc, thấm sâu cái nghĩa đồng bào, cùng suy nghĩ và hành động vì sự phát triển phồn thịnh của quốc gia.

Chính vì vậy, bản chất "hòa hợp dân tộc" sau chiến thắng mùa Xuân năm 1975 ở Việt Nam không phải là cùng bản chất "hòa hợp dân tộc" sau cuộc nội chiến Nam - Bắc của nước Mỹ. Sự cố tình đánh tráo khái niệm thực chất là phủ nhận chiến thắng vĩ đại của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống xâm lược mà thôi.

Chúng ta luôn mong muốn hòa hợp dân tộc, và với bạn bè quốc tế, "chúng ta nhất quán thực hiện chủ trương khép lại quá khứ, hướng tới tương lai - Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; hợp tác bình đẳng, cùng có lợi; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc; tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới". Vậy nhưng con người đến với con người, quốc gia đến với quốc gia phải đến với nhau bằng sự chân thành, vì lợi ích chung, không mang theo những định kiến thù hận. "Khép lại quá khứ, hướng đến tương lai" không phải là bóp méo sự thật, gạt bỏ đạo lý; vo tròn, đánh đồng, cào bằng mọi giá trị. Chân lý đó, bất cứ ai hay thế lực nào đi nữa cũng không thể "đổi trắng thay đen" dù "kín đáo" hay "khéo léo"ngụy biện.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chân lý chỉ có một - không ai, không thế lực nào có thể đổi trắng thay đen!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.