(HNMO) - Bị đau chân sau tai nạn tự té xe, bệnh nhân Nguyễn Hòa Thanh Tùng ( ngụ quận 11, TP Hồ Chí Minh) không đi đến bệnh viện mà tìm đến thầy lang để nắn khớp chân. Sau khi được thầy lang can thiệp, chân bệnh nhân tê cứng, không thể cử động và phải nhập viện cấp cứu.
Bệnh nhân Tùng được Bệnh viện Quận 11 phẫu thuật thay chõm xương đùi. |
Bệnh nhân Nguyễn Hòa Thanh Tùng, sinh năm 1976, làm nghề giao hàng bằng xe máy. Trên đường giao hàng tại khu vực quận Tân Phú, anh Thanh Tùng bị tai nạn té xe, chân trái đau khó cử động. Tin lời của một người bán vé số giới thiệu, bệnh nhân Tùng đã tìm đến một thầy lang tại quận Tân Phú để chữa trị. Tại đây, vị thầy lang này đã tiến hành nắn xương chân cho Tùng. Sau một tiếng “rụp”, thì chân của bệnh nhân Tùng tê cứng và không thể cử động. Bệnh nhân liên tục kêu đau, vị thầy lang đã gọi điện cho em trai của bệnh nhân đến để đưa bệnh nhân đi cấp cứu.
Bác sĩ Đào Văn Lộc, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Quận 11 cho biết: “Bệnh nhân Nguyễn Hòa Thanh Tùng nhập viện ngày 14-4-2016 trong tình trạng đùi trái sưng phù. Chúng tôi đã tiến hành chụp X- quang thì phát hiện bị gãy xương đùi trái di lệch, chõm xương bị vỡ 1/3”.
Bệnh viện Quận 11 đã hội chuẩn cùng bác sĩ bệnh viện quận Thủ Đức, thống nhất phương án phẫu thuật để thay chỏm xương cho bệnh nhân. Ca mổ kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ với sự giúp đỡ của 2 bệnh viện quận Thủ Đức. Chỏm xương đùi đã được thay bằng Inox. Việc thay chỏm Inox dĩ nhiên không bằng xương thật, khả năng sau mổ chỉ bằng 90% so với xương thật. Tuy nhiên bệnh nhân có thể vận động, đi lại, lao động như người bình thường.
Vừa hồi phục sau ca phẫu thuật, bệnh nhân Nguyễn Hòa Thanh Tùng cho biết: “Tôi cũng không trách thầy lang vì mình tự tìm đến để nhờ thầy chữa bệnh. Nhưng đây là bài học nhớ đời với tôi”.
Hiện chi phí ca mổ thay chỏm xương tốn khoảng 60 triệu đồng, bệnh nhân Thanh Tùng có thẻ BHYT nên chỉ phải đồng chi trả 15 triệu đồng. Sau mổ, bệnh nhân phải tập vật lý trị liệu một thời gian mới có thể vận động tốt.
Bác sĩ Đào Văn Lộc khuyên: “Bệnh nhân bị tai nạn cần đến bệnh viện để được kiểm tra bằng chụp X- quang để có thể biết tình trạng xương gãy hay không. Không nên tự ý dùng các phương pháp nắn xương, chữa trật khớp có thể để lại hậu quả nghiêm trọng”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.