Tối 22/7, Ủy ban tổng tuyển cử (GEC) của Indonesia đã chính thức công bố kết quả kiểm phiếu cuối cùng của cuộc bầu cử Tổng thống ngày 9/7, theo đó Thống đốc Jakarta Joko Widodo đã đánh bại Chủ tịch đảng Phong trào Indonesia vĩ đại (Gerindra) Prabowo Subianto.
Hình ảnh gần gũi này của ông Jokowi hoàn toàn đối lập với đối thủ của mình, ông Prabowo Subianto. Hơn thế nữa, trên thực tế, ông Jokowi cũng là một người đàn ông trưởng thành từ trong hoàn cảnh khó khăn.
Thành công nhờ gần dân
Sau khi tốt nghiệp bằng kỹ sư tại trường Đại học Gadjah Mada vào năm 1995, ông Jokowi đã rất thành công trong lĩnh vực bán lẽ đồ gỗ và xuất nhập khẩu.
Phải 10 năm sau, năm 2005, ông Jokowi mới tham gia vào chính trường Indonesia và đã 2 lần được bầu làm Thị trưởng thành phố Solo. Trong lần bầu cử thứ 2, ông đã có chiến thắng vang dội với tỷ lệ phiếu bầu lên đến 90%.
Ông Jokowi trong chiếc áo sơ mi trắng giản dị khi đi tiếp xúc cử tri (Ảnh Reuters) |
Kể cả khi làm Thống đốc Jakarta, ông Jokowi cũng nhanh chóng trở thành một trong những Thống đốc được người dân yêu mến nhất và luôn giữ được danh tiếng là người có công cải thiện nền hành chính công cũng như xóa bỏ tình trạng quan liêu đã tồn tại rất lâu ở thủ đô.
Khác với hầu hết chính trị gia tại Indonesia, ông Jokowi thường có những chuyến thăm bất chợt đến nhiều khu vực của Jakarta chỉ để kiểm tra tiến độ các dự án của Chính phủ và trực tiếp lắng nghe những nguyện vọng của nhân dân cũng như những mối lo ngại của họ về tình trạng lũ lụt, ách tắc giao thông hay nhà ở cho người nghèo.
Những chuyến vi hành như vậy đã khiến ông Jokowi rất nổi tiếng trên truyền hình và càng nêu bật hơn nữa một trong những thành tựu đáng kể của ông, đó là tạo ra niềm hy vọng rằng mọi thứ sẽ sớm được cải thiện đối với người dân nghèo.
Những người ủng hộ ông Jokowi củng nói rằng họ yêu mến ông bởi “ông rất giống với chúng tôi” và còn bởi ông sẽ là Tổng thống đầu tiên không có xuất thân từ tầng lớp thượng lưu hay có những mối liên hệ trực tiếp hay gián tiếp với quân đội Indonesia.
Có cương lĩnh tranh cử rõ ràng
Trong cương lĩnh tranh cử của ông Jokowi có rất nhiều chính sách kinh tế và ngoại giao rất đáng chú ý.
Trong tuần cuối cùng của cuộc bầu cử, ông Jokowi đã đưa ra một kế hoạch 9 điểm tập trung vào những người nghèo.
Trong đó bao gồm những định hướng cho việc xóa đói giảm nghèo, tái phân chia các nguồn lực kinh tế, bao gồm đất đai, phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng cho nông nghiệp bao gồm cả những khu chợ truyền thống của người Indonesia.
Ông Jokowi cũng rất quan tâm đến việc cải tiến chế độ y tế và giáo dục và coi đó là nền tảng cho sự thịnh vượng trong tương lai của Indonesia.
Ngoài ra, ông Jokowi cũng muốn xóa bỏ tệ nạn tham nhũng và cải cách bộ máy hành chính rất quan liêu tại Indonesia. “Chỉ có làm được như vậy chúng ta mới thu hút thêm nhiều nhà đầu tư vào Indonesia và tạo ra nhiều công ăn việc làm”, ông Jokowi nhấn mạnh.
Dù không bàn nhiều về chính sách đối ngoại nhưng ông Jokowi cũng vạch ra những ưu tiên hàng đầu trong quá trình tranh cử của mình.
Theo đó, ông sẽ tập trung vào việc duy trì vai trò là “quyền lực ở tầm trung” của Indonesia, tích cực tham gia vào các diễn đàn quốc tế cũng như củng cố quan hệ giữa Indonesia và các nước châu Á- Thái Bình Dương.
Kỳ vọng nhưng cũng đầy thách thức
Thử thách đầu tiên ngay sau khi lên nắm quyền đối với ông Jokowi là phải cải thiện được hình ảnh “mờ nhạt” mà người tiền nhiệm của ông, Tổng thống sắp mãn nhiệm Susilo Bambang Yudhoyono đã thể hiện trong suốt nhiệm kỳ thứ 2.
Với cương vị Tổng thống, ông Jokowi sẽ cần phải có nhiều kỹ năng hơn là những ý chí và quyết tâm thay đổi đang bùng cháy trong lòng thì mới có thể vượt qua được rất nhiều những khó khăn mà nền kinh tế lớn thứ 3 tại Đông Nam Á này đang gặp phải do sự lỏng lẻo về luật pháp đang khiến nền kinh tế tại đây bị đình đốn.
Tuy nhiên, rất may là ông Jokowi đang có trong tay rất nhiều quân sư tài năng và yếu tố then chốt đối với ông khi lên nắm quyền sẽ là phải có con mắt xanh để lựa chọn đúng người đúng việc cho Nội các mới của mình.
Để có thể thực sự có một vai trò quan trọng hơn nữa trong khu vực, Indoneisa thực sự cần một nhà lãnh đạo có thể tạo ra một Quốc hội hoạt động hiệu quả hơn nữa, đồng thời phải chấm dứt ngay tệ nạn tham nhũng đã trở thành căn bệnh kinh niên.
Tất cả những thách thức trên sẽ dồn lên đôi vai của ông Jokowi người được kỳ vọng là sẽ khéo léo tránh được việc vướng vào những liên minh đầy rắc rối trong khi vẫn tạo ra được sự đồng thuận chung về ý chí chính trị đối với cả các Đảng phái đối lập./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.