(HNM) - Tình hình cung - cầu, kinh doanh xăng, dầu trong nước đã biến động từ nửa cuối năm 2022; sau đó kéo dài đến dịp Tết Nguyên đán Quý Mão vừa qua với một số hành vi vi phạm. Điều đó gây không ít hệ lụy, nhất là khi nhiều người tiêu dùng mỗi ngày phải đọc dòng chữ “tạm nghỉ” ở cửa hàng xăng, dầu.
Nguyên nhân các chủ cửa hàng xăng, dầu đưa ra rất đa dạng, kiểu như: Thiếu nguồn cung, xe cung ứng xăng về chậm; đang chờ thông tin điều hành giá để niêm yết giá mới, căn chỉnh đồng hồ theo giá mới... Tính chung, cơ quan chức năng đã xử lý nghiêm hàng chục doanh nghiệp, cửa hàng vi phạm ở Hà Nam, Bình Thuận, thành phố Hồ Chí Minh… Bên cạnh đó, cũng tăng cường tuyên truyền quy định, ý thức trách nhiệm đối với chủ cơ sở kinh doanh xăng, dầu. Bộ Công Thương cũng vừa quyết định thu hồi giấy phép hoạt động của 6 doanh nghiệp phân phối xăng, dầu do không đủ điều kiện hoặc có hành vi vi phạm.
Để lập lại trật tự, cơ quan chức năng đang gia tăng hoạt động quản lý nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Trong đó, Bộ Công Thương chỉ đạo tăng tần suất thanh tra, kiểm tra định kỳ kết hợp đột xuất; phối hợp liên ngành trong phát hiện vi phạm. Tổng cục Quản lý thị trường đã thành lập Tổ công tác giám sát tình hình cung ứng xăng dầu ở các tỉnh, thành phố. Các tổ này sẽ bổ sung nhân lực, chủ động bám sát địa bàn và tập trung kiểm tra thủ tục hành chính, đăng ký kinh doanh, đội ngũ nhân viên, việc niêm yết giá và giá bán cụ thể, trang thiết bị, cơ sở vật chất…
Dự báo, năm 2023, thị trường và giá nhiên liệu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Đó là sự bất lợi, gây ảnh hưởng đến cung - cầu xăng dầu, dễ nảy sinh tình trạng trục lợi. Hy vọng, cùng với việc nhanh chóng hoàn thiện quy định, sự vào cuộc đồng bộ, kiên quyết sẽ chấn chỉnh tình trạng "hết xăng", "tạm nghỉ" một cách triệt để.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.