Giáo dục

Chấn chỉnh sai phạm, bảo đảm quyền lợi cao nhất cho học sinh

Thống Nhất 05/10/2023 - 14:54

Ngày 5-10, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ đầu năm học 2023-2024 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Nội dung trọng tâm là quán triệt các nhiệm vụ năm học, chấn chỉnh các hiện tượng sai phạm vừa qua liên quan đến vấn đề thu chi, dạy liên kết, văn hóa ứng xử… tại một số trường học.

Quyết tâm xử lý nghiêm khắc, ngăn chặn tiêu cực, đặt quyền lợi của học sinh lên cao nhất, đồng thời xây dựng, giữ gìn môi trường học tập an toàn, thân thiện và quyết tâm của toàn ngành.

Trong mọi trường hợp, học sinh luôn được bảo đảm quyền lợi

Năm học 2023-2024, quy mô giáo dục thành phố Hà Nội có hơn 2.800 trường học với hơn 2,2 triệu học sinh, hơn 124.000 giáo viên. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương nhận định, từ đầu năm học tới nay, bên cạnh những việc đã làm được, tại một số trường còn xảy ra vi phạm trong quản lý, tổ chức dạy học gây bức xúc trong dư luận.

Đơn cử như việc giáo viên có lời nói, hành vi thiếu chuẩn mực tại Trường Trung học phổ thông Đa Phúc (huyện Sóc Sơn) và tại Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú - Thạch Thất (huyện Thạch Thất); việc cô giáo bạo hành trẻ tại cơ sở giáo dục mầm non tại huyện Gia Lâm… Các sự việc đều đang được cơ quan công an điều tra, làm rõ. Hội nghị nhằm chỉ đạo, quán triệt một lần nữa những quy định liên quan để chấn chỉnh, ngăn chặn các sai phạm có thể xảy ra.

hnm.1cdn.vn-2023-10-05-_a4-1-.jpg
Quang cảnh hội nghị.

Giải tỏa những bức xúc từ gia đình và dư luận về việc Trường Trung học phổ thông Lạc Long Quân (huyện Sóc Sơn) từ chối giáo dục học sinh trong vài ngày qua, ngay tại hội nghị, ông Trần Thế Cương yêu cầu nhà trường phải bảo đảm quyền lợi học sinh được đến trường, đến lớp học, không vì bất cứ lý do nào mà từ chối giáo dục học sinh. Sở giao Phòng Giáo dục trung học và Phòng Thanh tra xem xét xử lý sự việc, bảo đảm các điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh.

Qua tìm hiểu, sự việc nhà trường từ chối giáo dục học sinh bắt nguồn từ các khoản thu đầu năm. Theo thông báo của nhà trường, ngày 26-8, một phụ huynh lớp 12A3 đã có tin nhắn trên nhóm lớp với nội dung làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường. Nhà trường đã 2 lần mời phụ huynh làm việc, cử giáo viên chủ nhiệm tới nhà đưa giấy mời, nhưng phụ huynh không hợp tác.

Thông tin về việc xử lý cơ sở bạo hành trẻ 15 tháng tuổi ở huyện Gia Lâm, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện khẳng định, nhóm trẻ đã bị đình chỉ theo đúng quy định. Hôm nay (5-10), lực lượng chức năng đang giám sát việc tháo dỡ biển cũng như việc đóng cửa của cơ sở. Toàn bộ trẻ đang theo học tại đây được chuyển sang trường mầm non công lập trên địa bàn.

a2.jpg
Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo phát biểu.

Để ngăn chặn việc các cơ sở mầm non hoạt động “chui”, bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị các phòng giáo dục và đào tạo tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra hoạt động của các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Khi phát hiện cơ sở có sai phạm, hoạt động không có giấy phép, phải kiên quyết xử lý và quan tâm hậu kiểm, tránh trường hợp ra văn bản thông báo đình chỉ rồi nhưng không kiểm tra, để cơ sở vẫn mở cửa đón trẻ. Khi dừng hoạt động, các đơn vị phải quan tâm đến quyền lợi của trẻ em và người lao động. Sở cũng yêu cầu các đơn vị gắn trách nhiệm hiệu trưởng, chủ nhóm lớp trong việc bảo đảm an toàn cho trẻ và nâng cao tự chủ, chịu trách nhiệm giải trình khi có các sự việc xảy ra.

Thành lập đoàn kiểm tra thu chi và dạy thêm

Để kịp thời chấn chỉnh các sai phạm liên quan đến công tác thu chi, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thành lập các đoàn kiểm tra tình hình tổ chức các khoản thu tại các trường trực thuộc. Sở yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo tham mưu UBND quận, huyện, thị xã thành lập các đoàn kiểm tra nội dung này tại các trường học theo phân cấp quản lý.

Tại hội nghị, ông Trần Thế Cương một lần nữa quán triệt các quy định liên quan đến công tác thu chi, dạy thêm học thêm, dạy bổ trợ… và cho biết sẽ thành lập các đoàn kiểm tra thường xuyên, đột xuất việc thực hiện nhiệm vụ năm học, nhất là với các nội dung được dư luận quan tâm, phản ánh.

Để ngăn hiện tượng ép học sinh học thêm, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các nhà trường lưu ý thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm, trong đó lưu ý không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học (trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống).

Các nhà trường cũng cần quán triệt giáo viên tuân thủ quy định không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

Chia sẻ về quan điểm, giải pháp trong việc ngăn ngừa các hành vi sai phạm của nhà giáo thời gian qua, theo ông Trần Thế Cương, dư luận có nêu ý kiến về việc xử lý học sinh phát tán clip trên mạng xã hội, việc này không hoàn toàn đúng. Việc phát tán hay không phát tán clip trên mạng cần căn cứ vào các quy định riêng như Luật An ninh mạng… “Tôi không cổ súy việc học sinh mang điện thoại vào lớp quay clip, nhưng thông qua nội dung ấy chúng ta mới có căn cứ xử lý các hành vi sai phạm”, ông Trần Thế Cương nói. Vì vậy, các nhà trường phải tăng cường duy trì đường dây nóng, hòm thư góp ý để kịp thời tiếp nhận, xử lý những sự việc có thể gây bức xúc, đồng thời cũng cần đẩy mạnh các giải pháp bảo đảm an toàn, xây dựng văn hóa trường học, tránh chỉ tập trung, quan tâm quá mức vào những thông tin phản cảm…

Theo ông Trần Thế Cương, thành phố Hà Nội có số lượng trường học, số học sinh rất lớn, vì vậy có nhiều khó khăn, thách thức trong công tác quản lý, vận hành, ở một số nơi có những tình huống bất thình lình xảy ra. Tuy nhiên, đó chỉ là những sự việc hi hữu, cá biệt. Qua hội nghị, toàn ngành thống nhất chủ trương phải tạo môi trường tốt nhất để học sinh được học tập, rèn luyện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm về thu chi, về đạo đức nhà giáo… Thời gian qua, các nhà trường đã có nhiều cách làm sáng tạo để nâng cao chất lượng giảng dạy, giáo dục học sinh. Toàn ngành cũng đang tích cực hưởng ứng phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” bằng những nội dung cụ thể, thiết thực nhằm quan tâm nhiều hơn đến học sinh khó khăn, hỗ trợ nhiều hơn cho các trường học vùng khó… Đây là cơ sở để toàn ngành tự tin, quyết tâm khắc phục những vướng mắc, tồn tại để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chấn chỉnh sai phạm, bảo đảm quyền lợi cao nhất cho học sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.