(HNM) - Sáng 16-12, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề
XHH y tế là chủ trương đúng đắn mang lại lợi ích cho người bệnh trong điều kiện nguồn vốn nhà nước còn hạn chế. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều hạn chế tồn tại trong công tác này khiến dư luận chưa hài lòng, đó là việc lợi dụng chính sách XHH y tế để trục lợi; lạm dụng mua các phương tiện, trang thiết bị y tế; lạm dụng chỉ định xét nghiệm…
Bằng nguồn vốn xã hội hóa, Bệnh viện Đa khoa Bắc Thăng Long (Hà Nội) đã đầu tư mua sắm nhiều thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị. Ảnh: Hữu Oai |
Nơi thiếu, nơi "đắp chiếu" thiết bị y tế
Từ năm 2007, sau khi chủ trương XHH của Bộ Y tế đi vào thực tế, nhiều bệnh viện (BV) đã liên doanh, liên kết với doanh nghiệp để mua trang thiết bị y tế hiện đại, chia lợi nhuận theo tỷ lệ (BV 60%, doanh nghiệp 40%; hoặc BV 70%, doanh nghiệp 30%). Do giá các dịch vụ y tế chưa tính đến chi phí đầu tư, khấu hao trang thiết bị y tế nên giá dịch vụ của các thiết bị XHH thường cao hơn giá do Bộ Y tế quy định. Chính vì vậy, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc khuất tất của ngành y có liên quan đến máy móc trong diện XHH này. Ví như một BV cần cả triệu USD để mua thiết bị chẩn đoán hoặc máy điều trị. Để thực hiện được điều đó, BV phải huy động nguồn vốn. Nếu nguồn vốn đó là do chính bác sĩ xét nghiệm huy động hoặc vốn từ các doanh nghiệp ngoài BV đầu tư thì chắc chắn rằng người ta sẽ làm tất cả để có thể thu hồi vốn nhanh nhất, dẫn đến tình trạng bác sĩ lạm dụng xét nghiệm.
Trước câu hỏi: "Vì sao nhiều BV, trang thiết bị công thì "đắp chiếu" trong khi đó trang thiết bị XHH lại sử dụng hết công suất?", Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn thẳng thắn thừa nhận: Đúng là có chuyện đó! Ông lý giải, nguyên nhân do "cái khó bó cái khôn". Thực tế, khi máy móc hỏng, cần sửa chữa liên quan đến rất nhiều thứ, khó nhất là kinh phí duy tu, bảo dưỡng thì nhiều đơn vị chưa sẵn sàng. Bộ Y tế đã có chỉ đạo về vấn đề này, nhưng chưa đáp ứng được mong đợi của các BV. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, nhiều máy móc của BV hỏng, quy trình sửa mất nhiều thời gian trong khi đó máy XHH hỏng hôm trước, hôm sau đã sửa xong. Đó là một trong những lý do dẫn đến tình trạng máy XHH thì "cháy hàng" trong khi máy Nhà nước thì "đắp chiếu".
Tuy nhiên, nhìn một cách toàn diện, nếu không có trang thiết bị XHH thì bệnh nhân không thể tiếp cận được dịch vụ kỹ thuật cao. Đề cập đến lợi ích của XHH y tế, Giám đốc BV Hữu nghị Việt - Đức Nguyễn Tiến Quyết khẳng định, trong những năm qua, từ nguồn XHH, BV Việt - Đức được trang bị thêm nhiều thiết bị hiện đại và đã thực hiện được những kỹ thuật khó như ghép tạng. "Không ai khác, chính bệnh nhân là người thụ hưởng trực tiếp từ các trang thiết bị XHH. Nếu không có thì đến bao giờ người dân mới được hưởng chất lượng dịch vụ y tế cao như vậy?!", ông Nguyễn Tiến Quyết nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến cho rằng, để nâng cao tính hiệu quả trong công tác XHH y tế điều quan trọng nhất là tăng cường vai trò công tác quản lý, giám sát. Chia sẻ kinh nghiệm quản lý hoạt động XHH tại BV Việt - Đức, ông Nguyễn Tiến Quyết cho rằng, nếu quản lý, giám sát không tốt, chắc chắn sẽ xảy ra sai sót, thậm chí dễ dẫn đến lạm dụng chỉ định các dịch vụ XHH. Còn theo ông Nguyễn Văn Tiên, tham gia giám sát XHH cần có nhiều lực lượng. Nếu hội đồng quản lý chỉ bao gồm người sở tại thì rất khó minh bạch.
Học 6 năm chưa đủ thành bác sĩ
Đề cập đến giải pháp khắc phục những mặt hạn chế trong công tác XHH y tế, nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề cốt lõi vẫn là yếu tố con người. Do vậy, tất cả các trường y, dược trên cả nước cần phải tăng cường giáo dục y đức. Công tác này phải được làm bài bản và liên tục, nhắc đi nhắc lại nhiều lần ở nhiều lớp học, lớp thực hành… Mặt khác, đội ngũ y, bác sĩ không chỉ cần "lượng" mà còn phải được nâng cao hơn nữa cả về… "chất".
Đưa ra giải pháp cho vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo bác sĩ, Giám đốc BV Hữu nghị Việt - Đức Nguyễn Tiến Quyết cho rằng, với những người học ngành y, nếu chỉ đào tạo 6 năm trên ghế nhà trường thì chưa đủ. Ở nhiều nước, một sinh viên học hết 6 năm sau đó đi thực tập, rồi tiếp tục học chuyên khoa, 13-14 năm mới trở thành những bác sĩ phẫu thuật. Đào tạo ngành y, quan trọng nhất là 50% phải đào tạo thực hành. Nếu chúng ta chỉ đào tạo 6 năm, không có thực tập thì không thể có bác sĩ giỏi. Ông Nguyễn Tiến Quyết đề nghị 6 năm sau khi ra trường, sinh viên được "vào vai" bác sĩ trợ giúp và phải được hưởng lương. Sau đó, họ sẽ học thêm 3-6 năm nữa, lúc đó mới trở thành bác sĩ chính.
Từ những lợi ích do công tác XHH mang lại, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên, chúng ta nên tiếp tục huy động các nguồn lực XHH để phát triển kỹ thuật, dịch vụ y tế. Với những ý kiến lo ngại tiêu cực trong XHH y tế, ông Nguyễn Văn Tiên cho rằng, không vì một vài trường hợp cá biệt có tiêu cực mà ảnh hưởng đến lợi ích chung của việc XHH. Tuy nhiên, tới đây ngành y tế cần đánh giá vấn đề này một cách khoa học, hệ thống để rút kinh nghiệm, sửa chữa và giám sát chặt việc đầu tư, góp vốn XHH y tế. Bộ Y tế cùng với sở y tế các tỉnh, thành phố cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện sai phạm và phải nhanh chóng xử lý nghiêm túc, công khai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.