(HNMO) - Tính từ tháng 7-2020 đến hết tháng 5-2021, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động đã chặn hơn 40 triệu cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo và 164.000 thuê bao phát tán cuộc gọi rác. Thông tin trên vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết chiều nay (15-7).
Trong số 40 triệu cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo mà các nhà mạng chặn trong 11 tháng kể trên, riêng 5 tháng đầu năm nay, các nhà mạng đã chặn hơn 19,68 triệu cuộc gọi.
Việc ngăn chặn thuê bao có dấu hiệu lừa đảo và thuê bao phát tán cuộc gọi rác góp phần giúp bảo đảm an toàn, an ninh và trật tự xã hội. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục yêu cầu các nhà mạng nghiêm túc triển khai các giải pháp truyền thông và kỹ thuật để ngăn chặn cuộc gọi giả mạo số điện thoại và ngăn chặn cuộc gọi rác quấy rối người tiêu dùng, Cùng với đó, các nhà mạng đẩy mạnh công tác xử lý "rác" viễn thông (sim rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác); ngăn chặn cuộc gọi giả mạo số điện thoại, ngăn chặn tình trạng mua bán sim kích hoạt sẵn.
Cũng theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm 2021, Thanh tra Bộ đã thực hiện 4 đoàn thanh tra, trong đó đã ban hành 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông với số tiền 55 triệu đồng.
Trước đó, từ ngày 1-7-2020, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phối hợp cùng các nhà mạng Viettel, VNPT/VinaPhone, MobiFone triển khai giải pháp kỹ thuật để chặn các cuộc gọi rác quấy rối người tiêu dùng. Theo đó, các nhà mạng ứng dụng công nghệ tiên tiến như Big Data (dữ liệu lớn) và Machine Learning (học máy) để nhận diện thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác. Quá trình chặn cuộc gọi rác được thực hiện theo 4 bước: Xác định các thuê bao nghi phát tán cuộc gọi rác; xác thực lại xem đó có phải là cuộc gọi rác hay không; ngăn chặn; chăm sóc khách hàng, xử lý khiếu nại...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.