(HNMCT) - Nhiều người cao tuổi để mình rơi vào tình trạng có bệnh mới tìm đến bác sĩ, khiến việc chữa trị trở nên phức tạp, sức khỏe khó phục hồi hơn. Đây là điều cần thay đổi, quan điểm đúng là phòng bệnh hơn chữa bệnh.
“Sống chung” với các bệnh nền mạn tính
Già hóa dân số là hiện tượng mang tính toàn cầu, đặt ra thách thức mới cho công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
PGS.TS Nguyễn Trung Anh - Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Nước ta đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011. Số người cao tuổi ở Việt Nam liên tục tăng nhanh trong những năm qua.
Theo nghiên cứu trên người cao tuổi tại cộng đồng của Bệnh viện Lão khoa Trung ương, các hội chứng lão khoa thường gặp ở người cao tuổi có ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, gây suy giảm chức năng và khuyết tật, phổ biến nhất là dễ bị tổn thương, sa sút trí tuệ, suy dinh dưỡng, lâm vào tình trạng đa bệnh lý.
Sự suy giảm chức năng ở mỗi người cao tuổi thường không giống nhau. Phần lớn người cao tuổi dễ mắc bệnh khi tuổi càng cao, bệnh mạn tính cũng hay bị tái phát do suy giảm chức năng đề kháng của cơ thể và bệnh tật cũng theo đó mà phát sinh.
Theo quy luật tự nhiên, khi tuổi càng cao, sức khỏe và năng lực nội tại càng suy giảm. Ngoài ra, bệnh thường gặp ở người lớn tuổi như các vấn đề về tim mạch, tăng huyết áp, mất ngủ... ít nhiều sẽ làm suy giảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Đây là các bệnh mạn tính mà người cao tuổi phải "chung sống" suốt phần đời còn lại.
Do đó, để phòng bệnh cũng như “sống chung” với bệnh mạn tính, người cao tuổi cần được tuyên truyền, phổ biến kiến thức về rèn luyện thân thể, tăng cường sức khỏe.
Trong đó, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người cao tuổi, ít nhất là một lần một năm là rất quan trọng. Người cao tuổi cần được theo dõi tình hình sức khỏe và sớm phát hiện bệnh để có phương pháp điều trị kịp thời, điều này vừa giúp người bệnh tiết kiệm chi phí, vừa phòng chống bệnh tốt hơn.
Tinh thần lạc quan chiến thắng bệnh tật
Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều chủ trương, chính sách đã đi vào cuộc sống nhằm giúp người cao tuổi "sống vui, sống khỏe, sống có ích".
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 với mục tiêu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi (người từ đủ 60 tuổi trở lên) bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030.
Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025 có tới 70% số người cao tuổi hoặc người thân trực tiếp chăm sóc người cao tuổi biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi; tỷ lệ này cần đạt mức 85% vào năm 2030.
Một mục tiêu khác là số người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm đạt mức 70%; số người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe đạt 95% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030; người cao tuổi được phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm đạt 70% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030; 100% người cao tuổi không có khả năng tự chăm sóc sẽ được chăm sóc sức khỏe bởi gia đình và cộng đồng từ năm 2025.
Một thái độ sống lạc quan luôn là “thuốc” hữu hiệu giúp chiến thắng bệnh tật. Do đó, người cao tuổi nên chú ý giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan, ăn uống đúng cách, tập luyện thể dục đều đặn và khám sức khỏe định kỳ. Điều này sẽ giúp người cao tuổi kiểm soát tốt tình trạng sức khỏe bản thân, có được sự dẻo dai, minh mẫn để tận hưởng cuộc sống trọn vẹn.
Về chế độ dinh dưỡng, người cao tuổi cần những bữa ăn đa dạng, cân đối, đủ năng lượng, giàu vi chất và các chất chống oxy hóa. Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, người cao tuổi cũng nên chú trọng đến việc vận động sao cho hợp lý.
Đối với người cao tuổi, tập luyện thể thao giúp tăng cường sức mạnh về tinh thần, tăng sự hứng thú trong cuộc sống, giảm sự căng thẳng trong sinh hoạt hằng ngày, kéo dài tuổi thọ, tăng khả năng lao động, phục vụ bản thân và gia đình.
Một điều đặc biệt quan trọng là gia đình cần dành nhiều thời gian quan tâm tới ông bà, cha mẹ mình hơn. Sự thương yêu chăm sóc của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là về sức khỏe và dinh dưỡng, cũng là một yếu tố rất quan trọng giúp người cao tuổi phòng bệnh để luôn khỏe mạnh và tận hưởng cuộc sống hạnh phúc bên con cháu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.