Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chăm sóc khách hàng qua điện thoại – nghề “hot” của nhiều sinh viên mới ra trường

Ly Anh| 26/01/2010 09:31

Một sinh viên mới tốt nghiệp đại học hoặc một trường trung cấp nào đó, chưa chắc đã tìm được một công việc thích hợp cho mình, bởi với rất nhiều tiêu chí cần có mà các công ty, doanh nghiệp đặt ra hiện nay, sinh viên rất khó có cơ hội tìm kiếm việc làm khi mà họ rất thiếu vốn  kinh nghiệm và khả năng ứng dụng vào thực tế chưa nhiều.

Một sinh viên mới tốt nghiệp đại học hoặc một trường trung cấp nào đó, chưa chắc đã tìm được một công việc thích hợp cho mình, bởi với rất nhiều tiêu chí cần có mà các công ty, doanh nghiệp đặt ra hiện nay, sinh viên rất khó có cơ hội tìm kiếm việc làm khi mà họ rất thiếu vốn kinh nghiệm và khả năng ứng dụng vào thực tế chưa nhiều.



Trong tình hình ấy, nhiều sinh viên đã may mắn tiếp cận được với các nguồn thông tin tuyển lao động hết sức hữu ích từ các Công ty chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng qua điện thoại như Công ty Cổ phần Hoa Sao, (có địa chỉ ở 70 Vương Thừa Vũ, Thanh Xuân, Hà Nội, website: hoasao.com.vn). Ban đầu, nhiều sinh viên cho rằng, họ chỉ coi công việc này là bước đệm trong quá trình tìm việc làm nhưng sau một quá trình công tác, nhiều người đã thấy thích thú và thực sự gắn bó với nghề nghiệp. Thậm chí, trên một số diễn đàn, sinh viên còn coi đây là một nghề “hot”.

Chuyện vui từ “bệnh nghề nghiệp”

Khi tiếp xúc với một số sinh viên mới ra trường, đang làm điện thoại viên ở Trung tâm chăm sóc khách hàng của Công ty Cổ phần Hoa Sao, tôi mới hiểu tại sao họ lại thích thú với công việc này đến vậy. Ngoài việc được trang bị các kiến thức về các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử trong những tình huống đặc biệt, giúp tự tin hơn rất nhiều trong cuộc sống, họ còn tìm thấy niềm vui trong công việc của mình. Câu cửa miệng quen thuộc của mỗi điện thoại viên là: “Alô. 106… xin nghe” đã ăn vào… máu, vào trong từng giấc ngủ và trong bất cứ cuộc trò chuyện nào với bạn bè, với người thân, thậm chí với cả người yêu. Có lần giữa đêm, nghe tiếng chuông điện thoại, bạn M.T (nhân viên Trung tâm chăm sóc khách hàng Công ty Cổ phần Hoa Sao) bật dậy và theo thói quen nghề nghiệp, M.T nhấc máy nói luôn: “Alô. 189… xin nghe”, khiến anh người yêu ở bên kia đầu dây ôm bụng cười nghiêng ngả.

Nhưng cái “được” lớn nhất mà M.T cũng như nhiều bạn khác nhận được đó là họ đã được rèn luyện đức tính kiên trì, nhẫn nại, thậm chí rất dịu dàng, đức tính mà nhiều cô gái thời nay đã vô tình đánh mất. Nhiều nhân viên ở đây kể rằng, lúc đầu mới vào làm việc, họ rất sợ gặp những khách hàng khó tính, đặc biệt là những người vừa nhấc điện thoại lên đã mắng xa xả, không cần biết người bên kia là ai, những người này thường không cầnnghe câu trình bày, giải thích từ điện thoại viên, khi đã hả giận họ buông máy đánh “cạch”. Tuy nhiên, khi đã gắn bó với công việc một thời gian nhất định, nhiều nhân viên call center (điện thoại viên chăm sóc khách hàng), lại rất hào hứng khi gặp những khách hàng khó tính, đối với họ, mỗi lần trợ giúp cho những vị khách này là một lần giải được bài toán khó, điều đó đem lại niềm hứng khởi vô bờ bến mà không phải công việc nào cũng có thể mang lại.

Với tính chất công việc chăm sóc khách hàng qua điện thoại, vì vậy, số lượng nhân viên nữ chiếm phần lớn. Một môi trường nhiều nữ như vậy nhưng chúng tôi thực sự ngạc nhiên vì tác phong chuyên nghiệp của họ. Thực ra, sự chuyên nghiệp ấy đã được Ban giám đốc quán triệt từ bộ phận Đào tạo, Kỹ thuật, Trưởng ca, Giám sát... đến toàn bộ nhân viên call center ngay từ khi bước chân vào Hoa Sao. Vì thế, có thể nhận thấy rõ tinh thần hăng hái, nhiệt tình lao động của các nhân viên nơi đây. Với một sinh viên mới ra trường, được đào tạo và rèn luyện ở những môi trường hữu ích như vậy, hẳn là một điều rất may mắn.

Những niềm vui nhặt được từ nghề call center

Một buổi chiều, sau khi tan ca, cô gái có cái tên rất đẹp N.T.M.D (nhân viên Công ty Hoa Sao) vừa bước chân ra cổng công ty thì bỗng có một chàng trai còn khá trẻ, tay ôm một bó hoa rất đẹp. Chàng trai cười tươi, đến trước mặt M.D và nói chỉ gọn lỏn hai từ: “Tặng em!”, trước sự ngạc nhiên và bối rối của M.D. Từ đó đến nay đã gần 2 năm trôi qua, bắt đầu là tình bạn, và đến bây giờ là tình yêu của họ nảy nở từ một buổi chiều đáng nhớ ấy. M.D kể lại rằng, hôm ấy, cô đã trợ giúp cho khách hàng của mình (cũng chính là anh chàng đã đợi cô ở cổng để tặng hoa) một tình huống rất khó khăn (mà cô nói xin được giữ bí mật), nhưng tôi đoán có thể tình huống ấy nằm ngoài những nghiệp vụ chuyên môn của một call center, và người yêu của cô sau này đã rất cảm kích trước tấm chân tình của cô gái trẻ mà anh chưa hề được gặp mặt. Cũng không hiểu bằng cách nào mà anh nhận ra cô giữa hàng trăm cô gái trẻ đang hối hả tan ca ấy. M.D chỉ biết cảm ơn nghề nghiệp đã giúp cô tìm được người đàn ông của đời mình. Tiếp xúc với nhiều call center nơi đây, tôi thấy vui lây với niềm vui của họ, bởi sau mỗi ngày làm việc, họ lại có thêm những người bạn mới. Và những mối quan hệ mới này đã tiếp thêm cho họ năng lực để thực hiện công tác chăm sóc khách hàng được tốt hơn.

Một cô gái còn rất trẻ và khá xinh - N.T.T tâm sự, cô mới vào làm việc ở Hoa Sao khoảng 1 năm, nhưng T đã cảm thấy Hoa Sao ấm áp như chính ngôi nhà của mình. T nói rằng, công việc chăm sóc khách hàng qua điện thoại giúp cho cô rèn luyện kỹ năng sống, tự tin hơn khi giao tiếp với bạn bè và những chỗ đông người. Dù sau này, giả sử cô có chọn được một ngành nghề khác, phù hợp với chuyên môn mà cô đã được học thì cô vẫn muốn nói một lời cảm ơn Hoa Sao, bởi chính nơi đây cô đã được rèn luyện rất nhiều. Rất nhiều người có quan niệm, khi đã về tới nhà là gác lại, thậm chí quên hết mọi chuyện ở công ty cho đầu óc thảnh thơi. Thế nhưng, với không chỉ N.T.T, mà còn rất nhiều điện thoại viên khác của Hoa Sao, hôm nào được nghỉ ở nhà là lại... nhớ khách hàng.

Có người ví von, nghề chăm sóc khách hàng qua điện thoại là nghề “làm dâu trăm họ”, ngẫm ra thật đúng. Có khách hàng bỗng lên cơn “buôn dưa lê” khi phải ở nhà một mình, không biết trò chuyện với ai, nên đã nhấc máy điện cho tổng đài… nói chuyện với điện thoại viên cho… đỡ buồn. Lại có ông khách từ TP Hồ Chí Minh ra, chưa thạo đường phố Hà Nội cũng bấm máy và hỏi bất kỳ điện thoại viên nào mà họ gặp. Thế nên, nói đây là nghề “làm dâu trăm họ” quả không ngoa. Trợ giúp cho tất cả các khách hàng đều cảm thấy hài lòng bằng một thái độ lịch sự, nhã nhặn, đó chính là dấu ấn ghi nhận sự thành công của mỗi call center.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chăm sóc khách hàng qua điện thoại – nghề “hot” của nhiều sinh viên mới ra trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.