(HNM) - Tình trạng rét đậm, rét hại kèm theo mưa phùn kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe đàn gia súc, gia cầm ở nhiều nơi.
Tổng đàn gia súc, gia cầm của Hà Nội luôn ở nhóm đầu cả nước với 164.200 con trâu, bò; hơn 1,6 triệu con lợn; 29 triệu con gia cầm; 412.751 con chó, mèo. Tỷ trọng chăn nuôi chiếm hơn 55% giá trị GDP trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ đang chiếm hơn 60% tổng đàn vật nuôi và biến động đàn lớn gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Bà Đặng Thị Xinh - hộ chăn nuôi lâu năm tại xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) cho biết: Theo quy luật, sau Tết Nguyên đán, thời tiết ở khu vực phía Bắc khắc nghiệt, nhiều đợt rét đậm, rét hại, mưa phùn, độ ẩm cao. Bên cạnh đó, việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật gia tăng. Hơn nữa, thời điểm này, người dân vui ăn Tết và các lễ hội nên dễ lơ là chăm sóc vật nuôi...
Theo Chi cục Thú y Hà Nội, một số bệnh ở trâu, bò hay gặp tại thời điểm này như: Viêm phổi, tiêu chảy, tụ huyết trùng, lở mồm, long móng, cảm lạnh... Với bò sữa, ngoài các bệnh trên, còn có các bệnh về sinh sản như: Viêm vú, viêm tử cung âm đạo, chậm sinh... Trên đàn lợn, các bệnh thường gặp là: Tai xanh, lở mồm, long móng... Đàn gia cầm có thể xảy ra một số bệnh: Tụ huyết trùng, bệnh cúm. Ở chó, mèo xảy ra các bệnh như: Tiêu chảy, viêm ruột, đặc biệt dễ xảy ra bệnh dại - loại bệnh truyền nhiễm có thể lây sang người và gia súc khác.
Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Hiện, công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y triển khai chưa triệt để; công tác quản lý về an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập... Việc chấp hành các quy định của Nhà nước trong chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh chưa nghiêm túc; thủ đoạn của gian thương ngày càng tinh vi... Tất cả các yếu tố này khiến công tác quản lý dịch bệnh, an toàn thực phẩm gặp nhiều khó khăn; một số địa phương chưa thực sự quan tâm tới công tác thú y, hỗ trợ kinh phí chưa kịp thời, chưa đầy đủ; đồng thời, điều kiện làm việc của cơ quan thú y cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu... nên ảnh hưởng tới việc tổ chức, triển khai, thực hiện phòng, chống dịch bệnh...
Ngoài các yếu tố trên, từ ngày 1-7-2016, Luật Thú y có hiệu lực, trong đó có dừng kiểm dịch nội tỉnh nên công tác kiểm soát, truy xuất nguồn gốc động vật và sản phẩm động vật gặp nhiều khó khăn. Các hộ kinh doanh sản phẩm động vật hầu hết ở quy mô nhỏ lẻ theo phân cấp do xã, phường kiểm tra cấp chứng nhận an toàn thực phẩm. Trong khi đó, lực lượng cán bộ chuyên trách về công tác an toàn thực phẩm còn "mỏng", hạn chế về chuyên môn.
Trước tình trạng này, ngành Nông nghiệp Hà Nội yêu cầu người chăn nuôi chủ động tiêm phòng vắc xin cúm, lở mồm, long móng... theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Đây là biện pháp bắt buộc để tạo miễn dịch chủ động cho con vật. Cùng với đó cần thực hiện tốt kế hoạch vệ sinh chuồng trại, tổng tẩy uế môi trường, che chắn chuồng trại, có kế hoạch chống rét cho đàn vật nuôi. Ngoài ra, người chăn nuôi cần tăng cường dinh dưỡng, chế độ ăn bảo đảm đủ chất và lượng, trong thức ăn hằng ngày nên bổ sung các loại khoáng chất, vitamin... giúp vật nuôi nâng cao sức đề kháng, ngăn chặn mầm bệnh. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, thăm khám sức khỏe vật nuôi để có hướng xử lý kịp thời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.