(HNMCT) - Bệnh thấp tim là bệnh viêm của mô liên kết, xảy ra sau viêm họng do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A, gây tổn thương ở nhiều cơ quan, chủ yếu là tim, khớp, hệ thần kinh, da và mô dưới da..., trong đó tổn thương ở tim là nguy hiểm nhất. Do đó, việc phát hiện sớm, chăm sóc đúng cách để ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm là vô cùng quan trọng.
Ai dễ bị thấp tim?
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cho biết, thấp tim là một trong những nguyên nhân hàng đầu của bệnh tim mắc phải ở trẻ em và người lớn, thường gặp ở nhóm các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Thấp tim thường gặp ở trẻ em, từ 5 - 15 tuổi. Bệnh thường gặp ở vùng có điều kiện sinh hoạt thấp, nhà ở chật chội vệ sinh kém, kinh tế còn khó khăn, có khí hậu lạnh ẩm... Đây là điều kiện khiến trẻ dễ bị viêm họng. Ngoài ra, bệnh cũng có yếu tố di truyền trong gia đình.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, bệnh thấp tim thường bắt nguồn sau một đợt viêm họng, viêm amidan, viêm xoang hoặc viêm da do nhiễm loại vi khuẩn có tên là liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A (streptococus typ A). Đặc biệt, sau nhiều đợt viêm cấp tái phát thì nguy cơ bị thấp tim càng cao. Khoảng 3% số trẻ bị viêm họng do nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A sẽ bị thấp tim. Các biểu hiện thấp tim xuất hiện sau 2 - 4 tuần nhiễm liên cầu. Dấu hiệu ban đầu của thấp tim là trẻ thường sốt từ 38 - 40oC, có thể họng đỏ, vã mồ hôi, chảy máu cam, đái ít, mệt mỏi, kém ăn, sắc mặt nhợt nhạt. Cũng có trường hợp triệu chứng chỉ thoáng qua không gây khó chịu gì đối với trẻ nhưng sau đó khoảng 1 - 5 tuần thì có biểu hiện đau ở khớp.
Bệnh xảy ra ở toàn thân
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia cho biết, biểu hiện lâm sàng bệnh thấp tim thường xảy ra sau 2 - 4 tuần hoặc lâu hơn kể từ khi người bệnh bị nhiễm liên cầu ở họng. Các biểu hiện này có thể xuất hiện độc lập hay phối hợp với nhau. Cụ thể, tại khớp biểu hiện viêm sưng, nóng, đỏ, đau ở nhiều khớp và viêm các khớp lớn, có tính chất di chuyển, khi khỏi không để lại di chứng. Mặt khác, nghe tim có tiếng thổi hoặc tiếng cọ màng tim, tim to, mạch nhanh nhỏ, cùng với đó là rối loạn về thần kinh dẫn đến vận động không tự chủ do tổn thương não. Ngoài ra, còn có các biểu hiện khác như viêm cầu thận, viêm phổi, viêm gan cấp, tổn thương mạch máu...
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước lưu ý thêm, diễn tiến của bệnh thấp tim đa dạng và tiên lượng khó nói trước cần lưu ý bệnh tái phát. Tái phát thường xảy ra sau 5 năm, tính từ đợt cấp đầu tiên. Một bệnh nhân có di chứng van tim hậu thấp có tỷ lệ tái phát gấp 5 lần bệnh nhân không có di chứng van tim. Người bệnh cần tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, người bệnh sẽ có phác đồ điều trị khác nhau, nếu có suy tim phải điều trị suy tim, có các dấu hiệu thần kinh thì điều trị dấu hiệu thần kinh.
Phòng ngừa như thế nào?
Cho đến nay, bệnh thấp tim vẫn là một trong những bệnh phổ biến ở các nước đang phát triển do điều kiện sinh hoạt còn thấp. Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, để phòng ngừa bệnh, mỗi người cần giữ ấm, giữ vệ sinh răng miệng hằng ngày, tránh bị viêm họng. Bên cạnh đó, việc phát hiện sớm các tổn thương do thấp tim gây nên và điều trị dự phòng lâu dài bằng kháng sinh sẽ giúp giảm thiểu tối đa các biến chứng của bệnh. Đặc biệt, đối với những người có biến chứng tim mạch cần phải được theo dõi hằng năm bằng siêu âm tim để đánh giá mức độ tổn thương và có kế hoạch can thiệp sớm. Người dân nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ tại những cơ sở y tế uy tín để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh.
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước cũng đưa ra khuyến cáo, mặc dù bệnh thấp tim rất nguy hiểm nhưng là bệnh có thể phòng ngừa bằng thực hiện lối sống và sinh hoạt như: Giữ môi trường sống sạch sẽ; vệ sinh cơ thể và vùng mũi họng thường xuyên, sạch sẽ; giữ ấm cổ, ngực, mũi họng về mùa đông; ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng. Nếu trẻ bị viêm họng, viêm amidan hoặc viêm xoang cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để điều trị triệt để. Khi thấy trẻ ở lứa tuổi từ 5 - 15 bị viêm họng nhiều lần có đau mỏi, sưng, nóng đỏ ở các khớp, mệt mỏi, tức ngực, khó thở hoặc hồi hộp, đau vùng tim hoặc có biểu hiện bất thường về tâm thần vận động, tay múa vờn không tự chủ thì cần phải cho trẻ đi khám để phát hiện và điều trị phòng bệnh thấp tim ngay. Ngoài ra, cần tuân thủ chế độ tiêm phòng tái phát thấp tim cho trẻ theo sự hướng dẫn của thầy thuốc.
Việc tiêm phòng thấp tim ở trẻ đã bị thấp tim sau khi đã điều trị ổn định là rất cần thiết. Nếu không tiêm phòng, bệnh sẽ dễ dàng tái phát nhiều lần và để lại di chứng ngày càng nặng dẫn đến suy tim không hồi phục rất nguy hiểm đến tính mạng cho trẻ. Cho đến nay, chưa có vắc xin chống liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A. Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị kịp thời các bệnh nhiễm liên cầu khuẩn vẫn là phương pháp hữu hiệu nhất để phòng tránh bệnh thấp tim. Gia đình phải cho trẻ tái khám định kỳ mỗi 4 tuần, 3 hoặc 6 tháng tùy theo hướng dẫn của bác sĩ. Không nên bỏ tái khám vì bệnh sẽ tái phát và nặng lên nhiều.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.