(HNM) - Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế Hà Nội năm 2014 sẽ không dễ dàng bởi những ảnh hưởng, khó khăn diễn ra từ năm trước và đòi hỏi những nỗ lực lớn ngay từ đầu năm.
Tuy nhiên, diễn biến và kết quả sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong tháng 1 chưa thể hiện được sự kỳ vọng này. Đây là vấn đề cần nhận diện để tìm cách cải thiện trong những tháng tiếp theo…
May áo sơ mi xuất khẩu tại Tổng Công ty May 10. Ảnh: Phương Thanh |
Kết quả hạn chế
Theo thông lệ, hầu hết các DN công nghiệp đều tập trung năng lực sản xuất vào những tháng cuối năm để nâng cao sản lượng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, số ngày sản xuất tháng 1 cũng ít hơn do có một số ngày nghỉ Tết "rơi" vào cuối tháng. Vì vậy, sang tháng 1-2014 sản xuất công nghiệp giảm so với tháng 12-2013. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1-2014 bằng 98,6% so với tháng 12-2013, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả rất hạn chế.
|
Tuy là tháng chuẩn bị vào Tết, nhưng thị trường chưa sôi động như mong muốn, nguyên nhân chủ yếu là do sức mua còn thấp. Phần lớn người lao động có thu nhập hạn chế, mức thưởng thấp hơn so với những năm trước nên vẫn tiếp tục duy trì tâm lý tiết kiệm, hạn chế tiêu dùng. Một số mặt hàng tiêu thụ chậm như quần áo, phương tiện nghe nhìn, đồ nội thất, đồ điện gia dụng... Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ tháng 1 đạt 148.225 tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 13,9% so với cùng kỳ. Mức tiêu thụ hàng hóa chậm có thể tác động tiêu cực, làm chậm lại quá trình giải quyết hàng tồn kho ở từng đơn vị vốn kéo dài trong suốt năm 2013 đến nay.
Tuy nhiên, các DN thuộc lĩnh vực phân phối nhu yếu phẩm, siêu thị có những động thái "rộn ràng" hơn bởi dịp áp Tết là lúc bung ra, thúc đẩy hoạt động bán hàng nhằm tăng nhanh doanh số, bù lại những ngày trầm lắng trong thời gian trước. Qua đó, người tiêu dùng cũng có cơ hội để mua sắm, đặc biệt là đối với những mặt hàng tham gia chương trình bình ổn giá.
Cầu vực dậy niềm tin thị trường
Các chuyên gia nhận định, sở dĩ hoạt động sản xuất và thương mại có phần trầm lắng là do nền kinh tế mới chỉ đang "gượng dậy" để hồi phục từng bước sau hơn 2 năm gặp khó khăn chồng chất. Sức cầu của thị trường còn yếu và nhiều DN cần có thời gian để lấy lại sức mạnh như thời trước khủng hoảng. Ngoài ra, một số lĩnh vực quan trọng, có tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội như bất động sản, chứng khoán vẫn đang "ngủ sâu" bên cạnh các vấn đề lãi suất ngân hàng; mặt bằng cho sản xuất, kinh doanh cũng chưa có diễn biến tích cực để đủ sức tác động mạnh đối với cộng đồng DN.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội cho biết, sức mua xã hội chưa được cải thiện, là kết quả của quá trình tích tụ lại trong thời gian qua, khiến cung thừa - cầu yếu. Tết năm nay, dự báo doanh thu của các siêu thị, trung tâm thương mại cũng chỉ bằng mức doanh thu Tết năm ngoái, khó có thể tăng hơn. Mức thuế VAT đang áp dụng là khá cao so với khả năng chịu đựng của các đối tượng mua hàng hóa, nhất là xét trong bối cảnh thị trường trầm lắng nên càng cần có sự hỗ trợ. Ngoài ra, các DN cũng mong muốn cơ quan quản lý có những biện pháp hữu hiệu để vực dậy niềm tin thị trường, huy động và sử dụng các nguồn lực một cách hợp lý.
Thành phố đang đôn đốc các ngành chức năng theo dõi chặt chẽ diễn biến và kịp thời hỗ trợ DN; nhất là tập trung tháo gỡ khó khăn, tồn tại về thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho DN thực hiện nhanh những yêu cầu liên quan đến cấp phép, đăng ký kinh doanh, thuế, hải quan kết hợp với phòng chống nạn buôn lậu, hàng giả nhằm bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh. Các hiệp hội ngành hàng, từng DN cũng cần tổ chức các đợt xúc tiến thương mại nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời quảng bá thương hiệu hàng Việt...
Với các biện pháp này hy vọng tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thủ đô sớm được cải thiện, hồi phục dần trong những tháng tới để bảo đảm mức tăng trưởng liên tục, lâu dài.
Tháng 1-2014, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội đạt 792 triệu USD, bằng 92,4% so với cùng kỳ, với hầu hết các nhóm hàng đều giảm. Chỉ có 3/11 nhóm hàng xuất khẩu tăng so với cùng kỳ là nhóm hàng may dệt (tăng 2%), than đá (tăng 3,4%), dây điện và dây cáp điện (tăng 5%). Như vậy, nhìn chung hoạt động xuất khẩu đang có biểu hiện mất "phong độ" mặc dù không bị ảnh hưởng bởi tính thời vụ như hoạt động sản xuất để phục vụ nhu cầu trong nước. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.