Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chậm phân bổ vốn ngân sách gây lãng phí lớn về nguồn lực

Tiến Thành| 23/05/2022 15:54

(HNMO) - Chiều 23-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình.

Hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021. Tổng số chi ngân sách nhà nước năm 2021 ước đạt 1.854,9 nghìn tỷ đồng, bằng 110% dự toán. Các bộ, ngành, địa phương đã tiết kiệm kinh phí ngân sách nhà nước do thực hiện cơ chế khoán chi, giao quyền tự chủ cho cơ quan, tổ chức là 1,51 nghìn tỷ đồng...

Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư công, lũy kế giải ngân năm 2021 là khoảng 383 nghìn tỷ đồng, đạt 83,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ước thanh toán từ đầu năm 2021 đến hết 31-1-2022 là 431 nghìn tỷ đồng, đạt 93,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Thông qua công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành năm 2020, cơ quan thẩm tra quyết toán đã loại ra khỏi giá trị chủ đầu tư đề nghị quyết toán là 12,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,17% tổng giá trị chủ đầu tư đề nghị quyết toán.

Trong khi đó, công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương tiếp tục chuyển biến, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm. Đến cuối năm 2021, đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 29.625 cơ sở nhà, đất; thực hiện thu hồi 122 cơ sở nhà, đất khi thực hiện sắp xếp lại, chuyển giao về địa phương để quản lý, xử lý đối với 401 cơ sở nhà, đất.

Trong năm 2021, ngành Thanh tra cả nước đã triển khai 6.809 cuộc thanh tra hành chính và 177.245 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 179 nghìn tỷ đồng, 9.258ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 17,8 nghìn tỷ đồng và thu hồi 811ha đất. Bên cạnh đó, đã tiến hành xử lý hành chính đối với 2.341 tập thể và 6.244 cá nhân; ban hành 132.319 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân, với số tiền 3.694 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý theo quy định 437 vụ, 259 đối tượng. Trong năm 2021, Chính phủ đã thu hồi chủ trương đầu tư, thu hồi đất với diện tích 16.000ha, yêu cầu đưa vào sử dụng gần 53.000ha, chấm dứt chủ trương đầu tư 7.700ha.

“Các địa phương cũng đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong cơ quan chuyên môn và tương đương. Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập giảm được 12,35% so với năm 2015. Đến hết năm 2021, biên chế công chức giảm 10,01%, biên chế sự nghiệp giảm 11,67%, số người hoạt động không chuyên trách, thôn, tổ dân phố giảm 46,64% so với năm 2015, hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế 10% mà Bộ Chính trị đề ra”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Nâng cao năng lực lập dự toán ngân sách nhà nước hằng năm

Trình bày báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, công tác lập, chấp hành dự toán còn hạn chế; tình trạng chưa phân bổ chi tiết vốn ngân sách trung ương, chưa phân bổ hết vốn ngân sách địa phương, giải ngân chậm nguồn vốn ODA chưa được khắc phục, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.

“Năm 2021, có 9 bộ và 21 địa phương chưa phân bổ chi tiết vốn ngân sách trung ương cho các dự án với tổng số vốn là 9.027,33 tỷ đồng; 10 địa phương chưa phân bổ hết vốn ngân sách địa phương với tổng số vốn là 13.536,325 tỷ đồng; vốn ODA chưa thực hiện giải ngân bị hủy dự toán ước khoảng 29,1 nghìn tỷ đồng”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nói.

Bên cạnh đó, đấu thầu mua sắm và mua sắm tập trung còn nhiều bất cập. Việc chậm triển khai và phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia gây lãng phí lớn về nguồn lực ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến khả năng giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Việc lập, triển khai kế hoạch đầu tư công còn nhiều bất cập, hạn chế khi nhiều dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, không đủ điều kiện phân bổ vốn, dẫn đến không đạt mục tiêu đề ra; tiến độ thực hiện, khả năng hoàn thành một số dự án trọng điểm, công trình quan trọng quốc gia còn chậm, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.

Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp của nhiều bộ, ngành, địa phương rất chậm. Tình trạng quy hoạch "treo", dự án "treo" và hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, gây lãng phí nguồn lực.

Từ thực tế trên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ giải quyết dứt điểm các tồn tại đã được nêu ra tại các kỳ giám sát của các cơ quan của Quốc hội về tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về định mức, tiêu chuẩn, đơn giá còn thiếu, chưa phù hợp với thực tiễn, nhất là các định mức, đơn giá, tiêu chuẩn kỹ thuật trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông, y tế, giáo dục…

Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm trong mua sắm hàng hóa, trang thiết bị, vật tư như mua sắm vượt quá nhu cầu, định mức, tiêu chuẩn. Nâng cao năng lực phân tích dự báo, đánh giá đúng tình hình, tạo cơ sở vững chắc trong việc lập dự toán ngân sách nhà nước hằng năm.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị không phân bổ vốn cho những dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, không đủ điều kiện phân bổ vốn; kiên quyết điều chuyển vốn của các dự án chậm giải ngân để bổ sung vốn cho những dự án giải ngân tốt, có nhu cầu vốn; xác định trách nhiệm của người đứng đầu trong việc không phân bổ chi tiết vốn ngân sách trung ương hoặc không phân bổ hết vốn ngân sách địa phương, phân bổ, giao kế hoạch vốn không sát với thực tế, chậm giải ngân...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chậm phân bổ vốn ngân sách gây lãng phí lớn về nguồn lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.