(HNMO) – Thông tin trên đã được ông Nguyễn Quốc Tuấn – Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết trong buổi giao ban báo chí Thành ủy chiều 26-4. Việc chỉnh trang đồng bộ các tuyến đường phố nhằm phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
(HNMO) – Thông tin trên đã được ông Nguyễn Quốc Tuấn – Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết trong buổi giao ban báo chí Thành ủy chiều 26-4. Việc chỉnh trang đồng bộ các tuyến đường phố nhằm phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Theo đó, UBND TP Hà Nội đã giao cho 8 đơn vị làm chủ tư thực hiện 29 dự án hạ ngầm các đường dây đi nổi kết hợp với chỉnh trang đồng bộ hạ tầng kỹ thuật. Sở Xây dựng, thực hiện 6 danh mục dự án. Đến nay, Sở Xây dựng đã thi công hoàn thành 3 dự án là phố Hai Bà Trưng; xung quanh hồ Hoàn Kiếm (phố Đinh Tiên Hoàng – Lê Thái Tổ) và phố Điện Biên Phủ. Sở đang triển khai thi công 2 dự án là tuyến phố Văn Cao – Liễu Giai – Nguyễn Chí Thanh – Trần Duy Hưng; tuyến Kim Mã- Nguyễn Thái Học. Hai tuyến này đã thi công xong phần hạ ngầm cáp điện lực và cải tạo hệ thống chiếu sáng; phần cống bể cáp thông tin đang thực hiện đạt khoảng 70% khối lượng công việc theo thiết kế được duyệt và dự kiến xong trước ngày 30/6/2010. Tuyến Vạn Phúc – Vạn Bảo, đang được Sở Xây dựng bắt đầu thi công chỉnh trang đồng bộ hè đường kết hợp với hạ ngầm các đường dây, cáp đi nổi, dự kiến xong trước ngày 30/6/2010.
Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải thi công trên 5 tuyến đường phố là: Tôn Đức Thắng – Nguyễn Lương Bằng – Tây Sơn; Nguyễn Trãi – Trần Phú; Phạm Văn Đồng – Phạm Hùng – Khuất Duy Tiến, Lý Thường Kiệt; Nghi Tàm – Âu Cơ… UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện 3 tuyến phố: Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi – Điện Biên Phủ; Trần Hưng Đạo; Tuyến Lý Thái Tổ…
Theo đánh giá của Sở Xây dựng, nhìn chung công tác hạ ngầm các đường dây đi nổi và chỉnh trang các tuyến phố phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến. Các dự án đã bắt đầu được triển khai đồng bộ, một số tuyến đã hoàn thành (Hai Bà Trưng, Đinh Tiên Hoàng – Lê Thái Tổ, Điện Biên Phủ, Nghi Tàm – Âu Cơ) đã góp phần tạo diện mạo mới cho đô thị Hà Nội. Đường phố đã phong quang, sạch đẹp, đặt biệt là đảm bảo được kiến trúc, cảnh quan đô thị.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng có một số hạn chế và đã được UBND TP chỉ đạo khắc phục, đó là: việc phối hợp giữa các chủ đầu tư, đơn vị thi công công trong việc triển khai thi công hạ ngầm, đường hè còn chưa đồng bộ. Việc cấp phép đào đường, hè còn chưa đáp ứng được tiến độ thực hiện dự án hạ ngầm. Đối với các dự án hạ ngầm, việc thi công theo tuyến kéo dài với mặt bằng chật hẹp theo giấy phép phải thi công vào ban đêm (từ 22 giờ đêm đến 5 giờ sáng hôm sau) và vẫn phải đảm bảo sinh hoạt, buôn bán, đi lại của người dân trên đường phố. Vì vậy, các ban quản lý, chủ đầu tư đã yêu cầu các nhà thầu lập tiến độ, biện pháp thi công để phê duyệt trước khi triển khai nhằm đảm bảo án toàn giao thông và sinh hoạt, đi lại của người dân. Về việc này, UBND TP đã chỉ đạo các chủ đầu tư, UBND các quận, đơn vị thi công và các đơn vị quản lý đường phối hợp thực hiện đảm bảo yêu cầu chung của dự án.
UBND TP cũng yêu cầu đối với các đơn vị sở hữu các đường dây, cáp trên các tuyến hạ ngầm phải chủ động lập sơ đồ báo cáo với chủ đầu tư, thống nhất phương án thiết kế, tiến độ hạ ngầm và tự thực hiện hạ ngầm các đường dây vào hệ thống cống bể đã được xây dựng theo thiết kế được duyệt. Theo tiến độ đã thống nhất, các ban quản lý chủ động thông báo cho các đơn vị quản lý đường dây thực hiện hạ ngầm vào hệ thống cống bể và cắt dây, hạ cột theo tiến độ của dự án.
“Về tổng thể, đến nay, các dự án hạ ngầm các đường dây đi nổi và chỉnh trang tuyến phố đã hoàn thành được 75% khối lượng công việc; phần còn lại sẽ hoàn thành trước 30/6/2010; dự án nào chậm nhất cũng phải triển khai xong trước 30/7/2010” – ông Tuấn cho biết.
Bên cạnh đó, để tổ chức thực hiện chỉnh trang tuyến phố phục vụ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội; Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 7/4/2008 và Quyết định số 5952/QĐ-UBND ngày 13/11/2009 về việc phê duyệt Đề án “Chỉnh trang, sơn vôi, sơn cửa nhà mặt phố trên các tuyến phố trên địa bàn TP Hà Nội phục vụ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội”. Mục đích của đề án nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, công dân trong việc tham gia góp phần giữ gìn cảnh quan đô thị, môi trường của thành phố, tạo ra phong trào xây dựng làm đẹp Thủ đô, mọi người có ý thức về xây dựng Thủ đô truyền thống ngàn năm văn hiện, văn minh và hiện đại. Thông qua việc thực hiện chỉnh trang sẽ tạo ra sự đoàn kết toàn dân, xây dựng đời sống văn hóa, phát huy truyền thống của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, chấp hành pháp luật, ý thức gìn giữ bảo vệ Thủ đô xanh – sạch – đẹp.
Ngày 25/3/2010, UBND TP Hà Nội đã tổ chức lễ phát động thực hiện đề án “ Chỉnh trang, sơn vôi, sơn cửa nhà mặt phố trên các tuyến phố trên địa bàn TP Hà Nội phục vụ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội” . Thành phố đã phát động thi đua, các quận, huyện, Sở Xây dựng, Công ty quản lý nhà Hà Nội đồng loạt triển khai công tác chỉnh trang thành phố từ 1/5/2010 và hoàn thành công việc vào ngày 30/6/2010.
Theo báo cáo của các đơn vị, đến nay các đơn vị đã hoàn thành công tác chuẩn bị để triển khai thi công; rà soát khảo sát khối lượng, chỉ định các đơn vị nhà thầu thi công theo các khu vực, lên phương án tổ chức thi công, tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các hộ dân và cơ quan đóng trên địa bàn tham gia phối hợp thực hiện chỉnh trang công trình, trụ sở…
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc có ý kiến cho rằng việc chỉnh trang, sơn vôi, sơn cửa nhà ở các tuyến phố cổ làm phố cổ hết duyên do mất hết nét rêu phong vốn có…? Ông Tuấn khẳng định, việc chỉnh trang không phá vỡ kiến trúc, kết cấu của nhà cổ, phố cổ, chỉ sơn lại đúng màu vôi của ngôi nhà ở những chỗ đã bong tróc, nên công trình sẽ đẹp lên. Bên cạnh đó, cũng có nhà báo băn khoăn hỏi về kinh phí thực hiện việc chỉnh trang, ông Tuấn cho biết, đây là đề án thực hiện theo phương thức xã hội hóa, huy động từ nhiều nguồn lực, nhà nước chỉ bỏ ra khoảng 17 tỷ đồng để chỉnh trang, sơn vôi những nhà thuộc dạng công – tư xen kẽ, nhà nước đang quản lý để cho thuê.
Có thể thấy, đại lễ 1000 năm Thăng Long đang đến gần, TP Hà Nội đang quyết tâm tạo “bộ mặt” đẹp cho đô thị đón đại lễ và mỗi người dân, mỗi gia đình cũng cần nâng cao trách nhiệm chung tay xây dựng Thủ đô ngày càng xanh – sạch đẹp hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.