Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chậm hủy chuyến: Liệu hãng hàng không có dồn chuyến, ghép khách?

Theo VietnamPlus| 28/12/2017 10:23

Khẳng định tỷ lệ chuyến bay đúng giờ năm 2017 là 87,7% (là một con số khá cao so với tỷ lệ của thế giới là 75-79%), nhưng Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho rằng, khi bị chậm, hủy chuyến hành khách rất muốn được biết nguyên nhân dẫn đến việc này do khách quan hay chủ quan.


“Điều cần làm trước tiên phải là thông tin kịp thời về sự chậm trễ đó để nhận được sự chia sẻ từ hành khách. Còn chậm hủy chuyến do nguyên nhân chủ quan liên quan đến khâu tổ chức, điều hành bay, lỗi kỹ thuật không đáng có, bố trí nguồn nhân lực... tất cả những điều này phải kiên quyết khắc phục”, Thứ trưởng Thọ nhấn mạnh.

Hãng hàng không có dám “khai man”?

Tại buổi Tọa đàm “Cách nào giảm chậm hủy chuyến bay trong cao điểm Tết?” chiều 27-12, theo ông Bùi Minh Đăng, Phó Trưởng phòng Vận tải (Cục Hàng không Việt Nam), số liệu thống kê cho thấy hãng hàng không đứng đầu thế giới về chỉ số đúng giờ (OTP) là khoảng 92%. Cục Hàng không đặt mục tiêu chuyến bay đúng giờ là 86-88% và sẽ phấn đấu để duy trì và nâng cao mục tiêu này.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)


“Số liệu thống kê lấy hàng ngày của các hãng hàng không, các cảng vụ hàng không về số chuyến bay đúng giờ hay tỷ lệ chuyến bay chậm, hủy là số đúng, số thực với hiện trạng khai thác của hàng không Việt Nam và được công khai trên website của Cục Hàng không”, ông Đăng cho hay.

Thừa nhận có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm hủy chuyến, ông Đăng chỉ ra một số nguyên nhân chính như về trang thiết bị của cảng hàng không, quản lý điều hành bay, thời tiết và một số nguyên nhân khác.

Đề cập đến lý do tàu bay về muộn gần đây thường xuyên được các hãng đưa ra giải thích cho việc chậm, hủy chuyến, ông Đăng giải thích, chuyến bay về muộn là hệ quả dây chuyền của việc chậm chuyến của các chuyến bay trước.

Theo thống kê của Cục Hàng không, nguyên nhân chậm, hủy chuyến do tàu bay về muộn khoảng 67-68%. Thông thường, nếu chuyến bay đầu ngày bị chậm vì lý do nào đó sẽ kéo theo chậm của 3-4 chuyến sau đó. Do đó, lý do các hãng đưa ra chậm chuyến do tàu bay về muộn phù hợp với sự khai thác, phù hợp với kết quả kiểm tra, kiểm soát.

“Tất cả các cảng hàng không đều có phòng giám sát chất lượng dịch vụ, hoạt động cung cấp dịch vụ của các đơn vị, đặc biệt giám sát được việc thực hiện trách nhiệm và dịch vụ của nhà vận chuyển. Các cảng vụ hàng không căn cứ lịch bay, tình hình khai thác đều có thể xác minh được lý do chậm hủy chuyến của hãng đưa ra có đúng hay không”, vị Phó Trưởng phòng Vận tải Cục Hàng không nói.

Vì an toàn, mong khách chia sẻ

Đưa ra con số tỷ lệ đúng giờ liên tục tăng (năm 2016 là 84% và 2017 tăng lên 89,7%), ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, hàng không phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, chất lượng dịch vụ phải tốt, trong đó quan trọng nhất là máy bay phải đúng giờ, giá cả phải hợp lý.

“Vietnam Airlines phải tính toán lại thời gian bay thực tế của các chuyến bay theo từng múi giờ cao và thấp điểm đồng thời lên sớm kế hoạch bảo dưỡng máy bay, chuẩn bị trang thiết bị mỗi khi vào dịp cao điểm. Hãng cam kết không cắt chuyến, chuyển chuyến vì lý do thương mại. Tất cả các chuyến bay bị chậm, hủy chỉ vì lý do duy nhất là đảm bảo an toàn, an ninh cho chuyến bay, cho hành khách”, ông Thành nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Jetstar Pacific cho biết, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ của Jetstar Pacific trong 11 tháng là 82,5%, thấp hơn mức trung bình của toàn ngành. Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này thuộc về mặt chủ quan liên quan tới kỹ thuật, do đội tàu bay đòi hỏi kỹ thuật bảo dưỡng mất nhiều thời gian, hãng phải đảm bảo điều kiện an toàn tối ưu mới đưa vào khai thác.

Thừa nhận điều kiện khai thác của hãng cũng gặp khó khăn khi số tàu bay ít, khó sử dụng tàu bay linh hoạt để bù trừ, nhưng ông Tuấn Anh khẳng định vấn đề này sẽ thuận lợi hơn trong năm 2018 bởi Jetstar vừa nhận 10 máy bay Airbus mới, nâng tỷ lệ máy bay mới của đội bay lên 2/3; giảm thiểu tình trạng phụ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật gây chậm chuyến. Vì vậy, mục tiêu đặt ra trong năm 2018 là tỷ lệ chuyến bay đúng giờ của Jetstar Pacific tăng lên 86%.

Quả quyết về chính sách bồi thường chậm hủy chuyến được các hãng hàng không thực hiện nghiêm theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, lãnh đạo các hãng hàng không cho rằng, nếu chuyến bay chậm 2 tiếng, hành khách được phục vụ nước; chậm 3 tiếng hành khách được phục vụ ăn; chậm 4 tiếng trở lên hãng phải đền bù tiền; từ 6 tiếng trở lên ngoài việc chi trả đền bù hãng phải lo chỗ nghỉ cho khách, ngược lại về phía khách hoàn toàn có quyền hoàn trả vé cho hãng.

Cho rằng với hàng không, an toàn, an ninh luôn phải là số một đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ yêu cầu các cơ quan, đơn vị bằng mọi giải pháp, phải hạn chế tối đa chậm, hủy chuyến, nhất là trong dịp Lễ Tết. Một chuyến bay khi cất cánh liên quan đến rất nhiều đơn vị, do đó, quy chế phối hợp hiệu quả là rất quan trọng.

Chậm hủy chuyến do khách quan như thời tiết, thiên tai là bất khả kháng nhưng để người dân hiểu và chia sẻ, theo Thứ trưởng Thọ, các đơn vị phải thông tin cho hành khách kịp thời hơn, mong hành khách chia sẻ hơn.

“Còn chậm hủy chuyến do nguyên nhân chủ quan, phải nhìn nhận một cách thẳng thắn, điều này liên quan đến khâu tổ chức, điều hành bay, lỗi kỹ thuật không đáng có, bố trí nguồn nhân lực... tất cả những điều này phải kiên quyết khắc phục”, ông Thọ nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chậm hủy chuyến: Liệu hãng hàng không có dồn chuyến, ghép khách?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.