(HNM) - Thống kê mới nhất của UBND TP Hà Nội cho thấy, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách những tháng đầu năm 2013 đạt khoảng 42% kế hoạch giao, tương đương tỷ lệ chung của toàn quốc.
Nhiều dự án giao thông nợ vốn xây dựng cơ bản. Ảnh: Huy Hùng |
Giải ngân thấp, nợ đọng kéo dài
Tại Hà Nội, 6 tháng đầu năm nay, đã có 49 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng/156 dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2013. Tình trạng đầu tư dàn trải dẫn đến nợ đọng vốn XDCB được cho là sẽ tiếp tục xảy ra nhiều tại khu vực xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.
Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP Hà Nội Đào Thái Phúc cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn XDCB từ nguồn vốn ngân sách thành phố quản lý luôn cao, đạt 62%. Song, tỷ lệ này ở nguồn vốn ngân sách quận, huyện thường rất thấp, khoảng 37%. Tính đến trung tuần tháng 7, có tới 118 dự án, với tổng mức đầu tư khoảng 450 tỷ đồng chưa giải ngân được đồng nào. Một số đơn vị có nguồn vốn kế hoạch lớn nhưng giải ngân chậm, gồm Sở Khoa học - Công nghệ: 5%, Ban quản lý Dự án đường sắt đô thị: 17%, Sở VH,TT&DL: 19%. Riêng tại quận Cầu Giấy chưa có con số giải ngân vốn do thành phố quản lý, vốn địa phương mới đạt 10%, trong khi kế hoạch vốn năm 2013 tới hơn 1.000 tỷ đồng…
Bên cạnh tình trạng giải ngân chậm, nhiều đơn vị cũng có tỷ lệ nợ đọng vốn XDCB lớn. Thống kê mới nhất của UBND thành phố cho thấy, 11 huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội nợ vốn XDCB gồm: Ba Vì, Mê Linh, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Thường Tín, Ứng Hòa, Thanh Oai và Sơn Tây. Tổng số nợ XDCB tại 1.100 dự án của 11 huyện, thị xã là 722,7 tỷ đồng. Huyện nợ nhiều nhất là Mê Linh (137,6 tỷ đồng), ít nhất là Thanh Oai (6,4 tỷ đồng)… Trước thực trạng này, UBND TP Hà Nội đã có Công văn 5214/UBND-KT yêu cầu các đơn vị rà soát, báo cáo công tác quản lý vốn tạm ứng và thu hồi tạm ứng vốn. Thành phố yêu cầu các đơn vị chức năng chỉ đạo xử lý dứt điểm các đơn vị có số dư tạm ứng và thu hồi số dư tạm ứng vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn ngân sách nhà nước (NSNN), nhất là các dự án có số dư tạm ứng từ năm 2011 trở về trước.
Kiểm soát chặt từ khâu lập dự án
Với mục đích chấm dứt tình trạng nợ đọng trong lĩnh vực XDCB, cuối tháng 7 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có chỉ thị về việc tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ XDCB từ nguồn vốn NSNN. Theo đó, thành phố yêu cầu các đơn vị chỉ phê duyệt quyết định đầu tư khi đã xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách. Tất cả các dự án đầu tư từ vốn NSNN, vốn trái phiếu chính phủ và những nguồn vốn có tính chất NSNN phê duyệt mới, phê duyệt điều chỉnh phải được thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo đúng quy định. UBND thành phố cũng yêu cầu các cấp, ngành tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra trong tất cả các khâu lập, thẩm định và thẩm tra dự án đầu tư.
Để thực hiện mục tiêu giảm tối đa và tiến tới chấm dứt tình trạng nợ đọng vốn XDCB, thành phố yêu cầu các đơn vị sử dụng vốn ngân sách thực hiện nghiêm công tác quản lý vốn và tự cân đối nguồn để xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng. Với các dự án đã được quyết định đầu tư, phải thực hiện theo đúng mức vốn kế hoạch đã giao và không được ứng vốn đầu tư khi chưa bố trí vốn kế hoạch năm, dẫn đến phát sinh nợ đọng XDCB. Thành phố cũng yêu cầu các đơn vị không tổ chức lựa chọn nhà thầu với những gói thầu chưa được bố trí vốn. Đối với các gói thầu đã hoàn thành, phải thanh quyết toán theo đúng hợp đồng đã ký, tránh tình trạng nợ đọng, chiếm dụng vốn của nhà thầu. Trong những tháng cuối năm, TP Hà Nội sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án, tích cực nghiệm thu, thanh quyết toán, bảo đảm giải ngân hết 100% vốn XDCB trong năm nay và không để chuyển tiếp sang năm sau. Với những động thái nêu trên, hy vọng việc chấm dứt nợ đọng trong XDCB sẽ không là nhiệm vụ "bất khả thi".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.