(HNM) - Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý lịch sử ở miền Nam Sudan về một giải pháp độc lập đã đáp lại niềm mong mỏi của những dòng người xếp hàng dài tại gần 3.000 điểm bỏ phiếu để quyết định hành trình cuối cùng của con đường tự do.
Người dân Nam Sudan ủng hộ việc lập quốc gia độc lập. |
Mặc dù kết quả chính thức không thể có trước ngày 6-2, nhưng mọi dự đoán đều không nghi ngờ khả năng thế giới sẽ đón nhận một thành viên mới sau sự kiện bước ngoặt kéo dài suốt một tuần (từ 9-1) tại quốc gia lớn nhất châu Phi. Cuộc bỏ phiếu diễn ra trong sự yên bình hiếm hoi tại vùng đất đã hơn hai thập kỷ ngập chìm trong bạo lực, đã hoàn tất điều khoản quan trọng nhất trong thỏa ước hòa bình kết thúc 21 năm giao chiến giữa hai miền Nam, Bắc Sudan đạt được năm 2005. Cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn đã cướp đi hơn 2 triệu sinh mạng và khiến hơn 4 triệu người tại miền Nam Sudan phải chạy loạn. Cùng với cuộc xung đột Dafur đẫm máu ở miền Tây đẩy 2,5 triệu người vào cảnh tha hương và những vụ bạo lực triền miên tại nhiều vùng lãnh thổ của quốc gia đa sắc tộc, người dân Sudan gần như chưa được hưởng một ngày hòa bình trọn vẹn trên chính quê hương mình. Các cuộc khủng hoảng nhân đạo liên tiếp xảy ra do không tìm được tiếng nói chung giữa người miền Bắc có đa số dân theo Hồi giáo và miền Nam, chủ yếu theo Cơ đốc giáo và thuyết duy linh, biến Sudan thành điểm đen trên bản đồ phát triển thế giới. Do vậy, sự đồng lòng của 90% trong số 3,9 triệu cử tri đăng ký bỏ phiếu, vượt xa mức 60% số phiếu cần thiết để cuộc trưng cầu có hiệu lực, được hy vọng sẽ mở ra một trang mới trong lịch sử đất nước 42 triệu dân.
Giấc mơ tưởng chừng mãi xa khỏi tầm tay về một quốc gia riêng rẽ - Nam Sudan do Phong trào Giải phóng Nhân dân Sudan (SPLM) khởi xướng đang dần hiện thực hóa khi Tổng thống Omar al-Bashir cam kết sẽ tôn trọng ý nguyện của những người miền Nam sau nhiều lần muốn trì hoãn quá trình chia cắt. Sự ủng hộ của Liên hợp quốc, Mỹ, Liên minh châu Phi (AU)... về việc hình thành một nước Nam Sudan độc lập là hậu thuẫn quan trọng cho tương lai của vùng đất còn nghèo khó này. Trên thực tế, nếu như được nhìn nhận là hướng rẽ quyết định cho Nam Sudan, sự phân ly ấy không hoàn toàn được trông đợi tại Lục địa Đen. Mối lo lắng hiện nay là quyết định phân chia lãnh thổ ở quốc gia có diện tích lớn thứ 10 thế giới với hơn 2 triệu kilômét vuông sẽ gây trở ngại cho việc giữ nguyên hiện trạng các đường biên giới ở châu Phi. Mồi lửa này rất có thể thổi bùng những đám lửa nhỏ của phong trào đòi quyền tự trị đang âm ỉ cháy ở hầu hết các nước đang bị khốn cùng hóa bởi xung đột sắc tộc, tôn giáo. Không một nhà lãnh đạo nào ở lục địa còn nhiều bất ổn này muốn đối diện với những tác động dây chuyền của ly khai mà Nam Sudan ít nhiều là nguồn cảm hứng. Vì thế, cùng với niềm hân hoan về một quốc gia mới, Nam Sudan đang thực sự đối mặt với nhiều thử thách, đặc biệt là việc thiết lập quan hệ với các nước láng giềng trong mái nhà chung châu Phi.
Mặc dù vậy, những bước thăng trầm của đất nước được hình thành từ quá trình thực dân hóa đã khẳng định thực tế là không còn lựa chọn khác để chấm dứt mấy chục năm nồi da nấu thịt ở Sudan. Thế nhưng, đây mới chỉ là sự khởi đầu. Liệu Nam Sudan có thể biến điểm hẹn lịch sử thành cơ hội xây dựng một quốc gia thịnh vượng và phát triển hay không, điều đó còn phụ thuộc vào những thỏa thuận quyết định về chia sẻ nguồn thu nhập dầu lửa với trữ lượng 6,6 tỷ thùng, tập trung chủ yếu ở miền Nam. Giải quyết được khúc mắc chủ chốt giữa hai miền là bảo đảm tiên quyết cho tiến trình chuyển giao quyền lực êm đẹp và sự chung sống hòa bình ở quốc gia vốn có sự khác biệt sâu sắc về văn hóa, tôn giáo giữa các cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.