Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chậm bàn giao đất nông lâm trường tại Ba Vì: Nhiều hệ lụy phát sinh

Bạch Thanh - Ánh Dương| 28/03/2023 21:56

(HNMO) - Trên địa huyện Ba Vì có 12 nông, lâm trường với hơn 10.000ha đất, chiếm khoảng 80-90% diện tích đất nông trường toàn thành phố. Phần lớn các đơn vị này đều hình thành trước năm 1980.

Câu chuyện quản lý đất nông, lâm trường tại Ba Vì đang khiến cả người dân và chính quyền địa phương vào thế bí, tạo ra nhiều bức xúc trong đời sống, xã hội. Người dân và các cấp chính quyền kỳ vọng việc sửa đổi Luật Đất đai tới đây sẽ tạo hành lang pháp lý đủ rộng, theo hướng trao quyền cho địa phương giải quyết dứt điểm những tồn tại, khó khăn trong việc giao nhận đất nông, lâm trường.

Việc quản lý đất nông, lâm trường trên địa bàn xã Tản Lĩnh gặp nhiều khó khăn do các đơn vị chưa bàn giao đất về cho địa phương quản lý.

Bài 1: Chậm bàn giao đất nông, lâm trường: Dân về mà đất chưa "về"

Việc quản lý đất đai của nông, lâm trường qua các thời kỳ là một câu chuyện dài, mang tính lịch sử. Để phù hợp với giai đoạn phát triển mới, hơn 10 năm qua, các đơn vị này đã tiến hành cổ phần hóa, chuyển đổi mô hình hoạt động. Qua đó, đã tiến hành bàn giao nhân khẩu về địa phương quản lý theo quy định. Tuy nhiên, vấn đề về đất đai vẫn chưa được bàn giao, dẫn tới tình trạng dân về, nhưng đất chưa "về". Chính quyền huyện Ba Vì đau đầu trong quản lý, còn người dân thiệt trăm đường: Nhà cửa dột nát, sửa chữa cải tạo thì không được phép, hàng ngàn héc ta đất rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”, khó quản lý trật tự xây dựng, an ninh xã hội...

Bàn giao nửa vời, vi phạm tràn lan

Theo báo cáo của UBND huyện Ba Vì, đến nay, chỉ có 1 đơn vị đã hoàn tất bàn giao cả đất và nhân khẩu về chính quyền địa phương, với 1,4ha và 73 hộ dân. Còn lại các đơn vị đều bàn giao nửa vời. Sự chuyển giao không đồng bộ dẫn đến những bất cập kéo dài nhiều năm chưa thể giải quyết.

Việc xây dựng nhà trên đất nông, lâm trường diễn ra từ nhiều năm nay trên địa bàn huyện Ba Vì.

Đơn cử như, Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì quản lý thực tế hơn 640ha đất, việc sử dụng đất chủ yếu thông qua giao khoán đất cho các hộ và một số tổ chức. Có 891 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức được giao khoán với diện tích khoảng 279ha. Hiện tại, tổng số nhân khẩu, hộ khẩu là những cán bộ, nhân viên thuộc trung tâm này được bàn giao về xã Tản Lĩnh và xã Vân Hòa quản lý là 801 hộ và gần 2.700 nhân khẩu. 

Hay Trung tâm Thực nghiệm và Chuyển giao giống cây rừng Ba Vì được giao quản lý hơn 220ha đất rừng và rừng cây lâm nghiệp, Trung tâm không giao khoán, chỉ giao cho công nhân và hộ dân quanh vùng làm nhiệm vụ trông nom, bảo vệ. Từ năm 2004 đến nay, đơn vị đã bàn giao 183 hộ với 671 nhân khẩu về cho hai xã Minh Quang và Ba Trại quản lý…

Điểm nóng tồn tại trong việc bàn giao các hộ nhận giao khoán đất của nông, lâm trường về địa phương quản lý phải kể tới Nông trường Việt Mông. Năm 2006, đơn vị này cổ phần hóa chuyển thành Công ty cổ phần Việt Mông, số nhân khẩu thuộc nông trường giao về xã Vân Hòa và xã Yên Bài quản lý là hơn 800 hộ dân. Năm 2010, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định thành lập 3 thôn mới thuộc xã Yên Bài, là: Việt Yên, Phù Yên và Quảng Phúc.

Trong khi việc quản lý nhân khẩu đã được bàn giao về địa phương quản lý, toàn bộ các công trình phúc lợi công cộng cũng như đất đai phục vụ đời sống của hàng ngàn hộ dân vẫn do các nông, lâm trường quản lý, dẫn tới nhiều vi phạm.

Cụ thể, năm 2003, Trung tâm Nghiên cứu và Đồng cỏ Ba Vì đã giao 1.340m2 đất thuộc địa bàn thôn Việt Long, xã Tản Lĩnh cho gia đình ông D.Q.B quản lý với thời hạn 50 năm. Song, do khu đất này nằm ven trục đường 87 nên đã bị ông B cắt thành nhiều lô để chuyển nhượng cho nhiều người và hiện chủ các lô đất này đã xây nhà để ở. Tương tự, tại khu đồi M3, thôn Hoàng Long, xã Tản Lĩnh, tình trạng mua bán đất có nguồn gốc đất nông, lâm trường cũng diễn ra phức tạp từ khoảng năm 2000 đến nay.

Qua khảo sát, hiện tại, hầu hết các nông, lâm trường trên địa bàn huyện Ba Vì đều giao khoán đất nông nghiệp không đúng đối tượng quy định. Sau khi giao khoán, đơn vị không thường xuyên kiểm tra, giám sát, đối chiếu với hợp đồng giao khoán... Nhiều đơn vị đang được giao quản lý, sử dụng đất đã tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cho mượn đất làm nhà ở và làm vườn, khiến việc cưỡng chế, xử lý vi phạm mất rất nhiều thời gian dài, mà vẫn chưa có kết quả.

Hầu hết các hộ dân ở thôn Phù Yên, xã Yên Bài chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và đất sản xuất do đất được giao có nguồn gốc là đất nông, lâm trường.

"Trăm dâu đổ đầu"... dân chịu

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Văn Ngân, ở thôn Phù Yên, xã Yên Bài cho biết, năm 1991, theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, gia đình ông chuyển từ huyện Phúc Thọ về xã Yên Bài sinh sống và được Nông trường Việt Mông giao hơn 4.000m2 đất ở và sản xuất. Đến nay, hơn 30 năm trôi qua, nhà cửa xuống cấp nghiêm trọng, nhưng gia đình ông không được sửa chữa, xây mới, các chính sách đất đai vẫn chưa rõ ràng, kể cả với đất giao khoán sản xuất và đất ở.

"Các thế hệ đến đây khai hoang, lập nghiệp đều đã già, quá tuổi lao động. Hiện, Công ty cổ phần Việt Mông cũng chỉ là một thành viên độc lập như các hộ dân, tự lo cuộc sống của mình. Do đó, nguyện vọng lớn nhất của các gia đình ở đây là sớm được nông trường bàn giao dứt điểm đất đai về địa phương quản lý và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định để ổn định cuộc sống", ông Ngân nói.

Ông Nguyễn Văn Lê, thôn Phù Yên, xã Yên Bài, cũng là một trong những hộ dân được Nông trường Việt Mông trước đây giao khoán đất chia sẻ: "Hiện trạng đất của Nông trường Việt Mông đã khác rất nhiều so với những năm 1980, 1990, số nhân khẩu cũng tăng lên gấp nhiều lần. Các cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần thanh tra, kiểm tra, đo đạc lại; mỗi lần như thế, người dân lại thắp lên hy vọng, song đến nay vẫn chưa có thông tin gì cụ thể. Theo quy định, chúng tôi phải giữ nguyên hiện trạng nhà cửa, công trình phụ trợ khác, nhưng con đông, nhà dột nát, cuộc sống không bảo đảm, khiến người dân phải lén lút xây dựng. Xã cũng đến lập biên bản, yêu cầu dừng thi công...".

Nông trường Việt Mông đã bàn giao về địa phương quản lý nhân hộ khẩu của các hộ dân ở thôn Phù Yên, xã Yên Bài từ hơn 10 năm nay, nhưng các chính sách về đất đai vẫn chưa được giải quyết.

Liên quan đến vấn đề này, Trưởng thôn Phù Yên, xã Yên Bài Nguyễn Tuyển Nam cho biết, việc bàn giao nhân hộ khẩu về địa phương từ hơn 10 năm nay mới chỉ là bàn giao về quản lý hành chính; còn vấn đề cốt lõi là các điều kiện về sản xuất, đất đai, cơ sở vật chất khác lại chưa được giải quyết. Quá trình bàn giao đất trên thực địa cho địa phương rất chậm, dẫn đến tình trạng dân đã về, nhưng đất chưa "về". Thôn Phù Yên là một trong những thôn hiếm hoi của Thủ đô, hầu hết các hộ dân chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi đó, nhiều người đã bán trao tay cho người khác hoặc đã chết mà quyền lợi về đất đai chưa được giải quyết.

Tình cảnh của các hộ dân tại thôn Phù Yên, xã Yên Bài cũng là tình trạng chung của hàng ngàn hộ dân khác khi được các đơn vị nông, lâm trường bàn giao về địa phương từ nhiều năm qua.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chậm bàn giao đất nông lâm trường tại Ba Vì: Nhiều hệ lụy phát sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.