Tour đêm là phần quan trọng giúp tăng trải nghiệm và nguồn thu từ du lịch. Thông thường tour du lịch sẽ không gồm các hoạt động về đêm và đóng gói trong lịch trình cùng chi phí ấn định. Khách du lịch buổi đêm sẽ chi tiêu theo nhu cầu từ nhiều hoạt động kinh tế đêm như du thuyền trên sông, tham quan mua sắm chợ đêm, xem show biểu diễn nghệ thuật, thưởng thức ẩm thực đường phố, tham gia các quán pub, bar…
Nắm bắt các xu hướng du lịch mới, Du lịch Hà Nội đã và đang ra mắt loạt tour đêm để “đánh thức” các di tích. Mới đây, Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã triển khai tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám “Tinh hoa đạo học”.
Theo đánh giá của CEO Wondertour Lê Công Năng, việc Hà Nội ra mắt loạt tour đêm để “đánh thức” các di tích là sự đầu tư đúng đắn để đa dạng dịch vụ du lịch cho du khách, đồng thời đã hài hòa được giữa “làm kinh tế” và “làm văn hóa”. Tour “Tinh hoa đạo học” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám dù mới ra mắt nhưng nhận được nhiều phản hồi tích cực và quan tâm của cộng đồng, đặc biệt thu hút được giới trẻ với màn trình diễn ánh sáng và công nghệ 3D Mapping.
Để tăng hiệu quả cho các tour du lịch về đêm, ông Năng cho rằng: “Chúng ta cần bộ giải pháp tổng thể từ việc xây dựng sản phẩm hay, truyền thông tích cực đến việc tạo trải nghiệm mua dịch vụ tốt trên cơ sở phân tích khách hàng mục tiêu”.
Liên quan đến các hoạt động của tour đêm, cách thức, giải pháp để tạo thêm hiệu quả cho các tour du lịch về đêm, đặc biệt là thu hút giới trẻ hay còn gọi là Gen Z đến với các khu du lịch di tích, CEO Lê Công Năng cũng khẳng định: Giới trẻ, đặc biệt là Gen Z thích sự ồn ào, hơi hướng công nghệ, các góc check-in và các trải nghiệm thử thách, tiên phong.
Qua tour “Tinh hoa đạo học” hay các show “Tinh hoa Bắc bộ”, “Ký ức Hội An”, “Đêm thiêng liêng” (tại Nhà tủ Hỏa Lò) có thể thấy giới trẻ không hề quay lưng với các giá trị truyền thống mà do chúng ta chưa đọc được “ngôn ngữ” giới trẻ. Thay vì tập trung các sự kiện văn hóa vào những ngày lễ truyền thống, chúng ta có thể khai thác những ngày lễ quốc tế để thu hút giới trẻ nhiều hơn.
Đồng thời, ông Lê Công Năng đưa ra ý kiến, tổ chức “Lễ hội hoa” vào ngày tình nhân (14-2) tại Hoàng Thành Thăng Long, “Lễ hội hóa trang” vào ngày lễ Halloween (31-10) tại khu vực nhà tù Hỏa Lò, chương trình nhạc hội “Thanh âm bên thông” nhân ngày Giáng sinh tại Nhà thờ Lớn sẽ là những hoạt động mang lại hiệu quả. Hiện nay, nhiều di tích đã sáng tạo và “trải nghiệm hóa” nhiều hoạt động thay vì giới thiệu giản đơn qua thuyết minh viên khiến khách giới trẻ vô cùng hào hứng. Thay vì phải nghe, đọc, quan sát... hãy để giới trẻ được hóa thân, được nhập vai, được tương tác thì những di tích với những giá trị lịch sử, văn hóa sẽ được tiếp thu và lan tỏa mạnh mẽ hơn bởi chính giới trẻ.
Giới trẻ dù đông đảo, dễ tạo ra trend (xu hướng) nhưng mức chi trả cũng khá hạn chế vì phần nhiều kinh tế phụ thuộc, nên những dịch vụ muốn hướng tới giới trẻ cũng cần nghiên cứu và tính toán để có giá bán hợp lý. Giới trẻ cũng dễ ảnh hưởng bởi thần tượng nên tìm thần tượng có lối sống đẹp để mời làm đại sứ cho các chương trình sự kiện văn hóa cũng cần được cân nhắc.
Về hoạt động truyền thông, nhiều khu du lịch di tích cũng đã có nhiều thay đổi tích cực khi triển khai tiếp thị trên các nền tảng online, bao gồm mạng xã hội. Tuy nhiên, cần tích cực “xây tour” và kết hợp với các công ty du lịch có năng lực truyền thông để tạo hiệu ứng mạnh mẽ, hút khách du lịch.
Dưới góc độ người làm du lịch lâu năm, CEO Wondertour Lê Công Năng cho rằng, để Việt Nam phát triển hiệu quả hơn kinh tế ban đêm, chúng ta phải xem đây là dòng sản phẩm chủ lực trong du lịch để tập trung phát triển và khai thác bền vững. Trước rào cản về duy trì nếp sống người dân bản địa hay hài hòa với không gian văn hóa, không gian di sản thì chúng ta cần quy hoạch tách biệt khu trải nghiệm văn hóa và khu giải trí với nhiều yếu tố ngoại lai.
Nếu dòng tour đêm là sản phẩm chiến lược, thì các thành phố du lịch có “mong muốn” triển khai cũng cần xét lợi thế, điểm mạnh của địa phương để tạo sản phẩm du lịch phù hợp. Chắc chắn du lịch đêm tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh sẽ khác du lịch đêm tại Sapa, Đà Lạt và càng khác với Nha Trang, Đà Nẵng.
Ngoài yếu tố văn hóa, bài toán “con gà - quả trứng” cũng cần xem xét kỹ lưỡng. Chúng ta thường đóng dịch vụ trước 12h đêm vì cho rằng không có khách, ngược lại khách lại không háo hức tham gia du lịch đêm vì trải nghiệm “lửng lơ” khi không còn gì chơi sau 12h đêm.
Bên cạnh đó, cần có chiến lược tổng thể từ các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương để tổ chức, phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành làm tốt nhiệm vụ tìm kiếm và tổ chức dịch vụ du lịch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.