Những hàng cây cao ngang tòa nhà 15 tầng trên nhiều con phố tại thành phố Hồ Chí Minh tạo không gian thoáng, rộng cho đường phố. Tuy nhiên, việc quản lý, chăm sóc để chúng an toàn là điều không dễ.
Đẹp, nhưng chưa tiện dụng
Sáng 14-8, các công nhân công viên - cây xanh thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục ngày làm việc mới: Cắt tỉa bớt những cành cây sao, dầu trong Công viên Tao Đàn (phường Bến Thành, quận 1). Chứng kiến quá trình chặt hạ một cành cây từ độ cao gần 50m, phóng viên Báo Hànộimới cảm nhận phần nào sự vất vả của những người làm công việc khó khăn này.
Trước tiên, người điều khiển chiếc xe thang chuyên dụng phải khéo léo đưa chiếc xe lớn len lỏi vào khoảng trống giữa các gốc cây to để vươn chiếc cần dài có lồng sắt mang theo 2 công nhân lên gần ngọn cây. Một người với đồ bảo hộ đầy đủ trèo sang một nhánh cây lớn và buộc dây chằng néo cành cây dự kiến sẽ cắt. Đoạn dây thừng to gần bằng cổ tay, dài hàng trăm mét được buộc vào nhánh cây, rồi níu sang thân cây, vắt qua những cành cây khác và thả xuống đất.
Anh Hoàng Hữu Nam, một công nhân, chia sẻ: “Dây phải buộc sao cho khi cắt nhánh, cành cây lớn đó không rơi thẳng xuống đất mà được treo giữa không trung, sau đó được hạ dần xuống đất. Do cành lớn, các cây sát nhau, nên có thể phải cắt hạ vài lần mới hết 1 nhánh cây. Việc khó, nhưng tụi em vẫn nỗ lực làm thường xuyên trong nhiều năm qua”.
Cũng theo Nam, do các nhánh cây quá cao, việc quản lý, quan sát nhận biết cành mục, cành yếu… trở nên khó khăn hơn. Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã từng thử nghiệm dùng drone (máy bay điều khiển từ xa) để bay lên quan sát từ ngọn, nhưng có nhiều nhánh cây bên ngoài không có vẻ gì khô, mục, nhưng vẫn có thể bất ngờ rơi xuống khi mưa, gió.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, những hàng cây sao, dầu cao ngang tòa nhà 15 tầng hiện diện rất nhiều ở các con phố. Những hàng cây hơn trăm tuổi thân thẳng vươn cao vút, tạo không gian thoáng, rộng cho những con phố xưa vốn ít người qua lại. Nay, diện tích và dân số của siêu đô thị này đã tăng gấp hàng trăm lần so với trước, cần có cách quản lý cây cổ thụ phù hợp hơn.
Qua tìm hiểu, phóng viên được biết thành phố Hồ Chí Minh và nhiều đô thị khác đã ban hành danh mục các loại cây cấm trồng làm cây xanh đô thị (mảng xanh, bóng mát…). Đơn cử: Không trồng xà cừ vì rễ đâm ngang làm hỏng hè, đường; không trồng keo, cao su… vì cành dễ gãy. Những loại cây được khuyến khích trồng thường là cây rễ cọc, thân thẳng, tán không rộng, không dễ gãy đổ; ít rụng lá; không thu hút ruồi, muỗi…
Đáng chú ý, Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đã quy định: Các tuyến đường lớn có vỉa hè rộng trên 5m chỉ được trồng các loại cây khi trưởng thành có độ cao tối đa khoảng 15m. Các tuyến đường hẹp có vỉa hè rộng từ 3-5m, độ cao tối đa của cây khi trưởng thành khoảng 12m….
“Các tiêu chuẩn trên không phải do thành phố Hồ Chí Minh tự nghĩ ra. Chúng nằm trong bảng phân loại cây bóng mát trong đô thị ban hành kèm theo Thông tư số 20/2015/TT-BXD ngày 20-12-2005 của Bộ Xây dựng, áp dụng trên cả nước. Tuy nhiên, không thể cắt những cây cổ thụ cao 50m xuống còn 15m được”, ông Hoàng Trung Dũng, Giám đốc Công ty Tư vấn - Thiết kế A&D, cho biết.
Tìm hướng quản lý
Thành phố Hồ Chí Minh là siêu đô thị lớn nhất cả nước, định hướng phát triển thành đô thị xanh, sạch, đẹp, thông minh… Tuy nhiên, diện tích cây xanh tại thành phố trên đầu người chỉ khoảng 0,55m2/người, quá ít so với chỉ tiêu quy hoạch đô thị từ 6 - 15m2/người. Vì vậy, việc tăng cường mật độ cây xanh và giữ gìn mảng xanh hiện có là những việc cần làm cùng lúc.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, việc ứng xử với cây cổ thụ trong đô thị để bảo tồn vốn quý này cần cụ thể hơn. Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Chi (Khoa Truyền thông, Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh), cây cổ thụ là di sản đô thị, nhưng cũng dễ gãy đổ, vì đã già.
Để bảo vệ cây, Singapore khoanh vùng những đường cây cổ thụ và vùng cây di sản cần bảo tồn và tạo quỹ chăm sóc đặc biệt. Mỗi cây (nhất là những cây trăm tuổi) được khảo sát kỹ, lập hồ sơ quản lý và chăm sóc theo cách riêng để cây sống khỏe. Dù chúng ta chưa có điều kiện tương tự, nhưng cũng cần hướng tới việc này.
Chia sẻ với báo giới, kiến trúc sư Trình Phương Quân, người có nhiều kinh nghiệm làm việc tại các dự án kiến trúc, quy hoạch tại Việt Nam và Singapore thông tin, tại thành phố Hồ Chí Minh có hơn 3.000 cây cổ thụ hơn 50 năm tuổi. Về nguyên tắc, các cây trồng đô thị cần được chăm sóc, cắt tỉa, theo dõi và thay thế dần khi già cỗi.
Tuy nhiên, chúng ta chưa có nghiên cứu nào chi tiết và cụ thể việc cây bao nhiêu tuổi nên được thay thế. Theo kiến trúc sư Quân, cây xanh đô thị là tài sản quý giá, cần được bảo vệ, nhưng yếu tố an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, cần sớm có cơ chế quản lý, phát triển hài hòa các mục tiêu.
Sau vụ tai nạn nhánh cây rơi trong Công viên Tao Đàn làm 2 người tử vong hôm 9-8, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu cơ quan chức năng tăng cường rà soát, bảo đảm cây xanh đô thị không gây nguy hiểm cho người dân. Sở Xây dựng cũng đã có văn bản đề nghị UBND cấp huyện và Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật tiếp tục tổ chức kiểm tra, cập nhật thông tin về tình hình sinh trưởng, phát triển của toàn bộ hệ thống cây xanh đang được giao quản lý, nhằm phát hiện sớm và có biện pháp xử lý kịp thời các cây xanh không an toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.