(HNM) - Soi xét lại tính hiệu quả của các dự án đã đầu tư cho giao thông trên địa bàn Hà Nội, có thể thấy nhiều dự án trong lĩnh vực này đã được thực hiện một cách vội vàng, manh mún, chắp vá, thiếu quy hoạch và tầm nhìn chiến lược...
Có nhiều cầu vượt bộ hành nhưng không phải cây cầu nào cũng phát huy tác dụng.
Ảnh: Phan Anh
Xây hầm đường bộ chứa... nước mưa
Đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến có khoảng hơn 10 hầm cho người đi bộ được xây dựng từ năm 2002 với mục đích giảm tải áp lực giao thông, bảo đảm an toàn cho người đi bộ qua đường. Tại thời điểm đó, giá trị đầu tư để xây dựng 1 hầm đường bộ khoảng 2,5 tỷ đồng. Mặc dù số tiền đầu tư rất lớn nhưng sau khi đưa vào sử dụng, những cái hầm này hoàn toàn không phát huy tác dụng, thậm chí còn là "bến đỗ" cho các tệ nạn xã hội. Trong số hơn 10 hầm cho người đi bộ tại đây, duy nhất hầm trước cửa bến xe Mỹ Đình có người ra vào thường xuyên, số còn lại đều trong tình trạng "cửa đóng then cài". Lâu ngày không có người qua lại, các cửa kính bị đập vỡ, nhiều hạng mục xây dựng bị xuống cấp, cỏ dại mọc kín lối lên xuống.
Trung tá Nguyễn Ngọc Mẽ, Đội trưởng Đội CSGT số 6 (CAHN) cho biết: Tuyến đường Phạm Hùng thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, mà phần lớn lỗi do người đi bộ. Mặt cắt đường Phạm Hùng khá lớn, lưu lượng phương tiện qua lại rất đông, nhiều xe tải chạy với tốc độ cao, nên khi gặp người đi bộ băng qua đường, lái xe khó xử lý và tai nạn rất dễ xảy ra. Nếu người đi bộ tuân thủ quy định sang đường bằng hầm đường bộ thì TTATGT trên tuyến tốt hơn nhiều.
Ghi nhận ý kiến của Trung tá Nguyễn Ngọc Mẽ, chúng tôi đi tìm hiểu thực trạng vì sao người dân "quay lưng" với hầm đường bộ, bất chấp nguy hiểm để băng qua đường. Điều đầu tiên có thể thấy đó là sự bất cập trong việc thiết kế các hầm đường bộ, từ vị trí xây dựng cho tới các thiết bị bảo đảm an toàn trong đường hầm. Tại nhiều khu vực đông dân cư lại không có hầm đường bộ, trong khi đó một số nơi chưa có dân cư lại thiết kế 2 đường hầm gần nhau. Để sang đường mà phải đi bộ tới 500m, nên nhiều người dân "mắt trước, mắt sau" băng qua dải phân cách cho nhanh. Hơn thế nữa, nhiều đường hầm hiện nay bị chiếm dụng làm quán bán hàng, gây tâm lý ngại cho người dân. Phải thừa nhận, người dân sợ xuống hầm cũng có lý do bởi các thiết bị lắp đặt trong đường hầm thiếu đủ thứ: đèn không, quạt thông gió cũng không. Những hôm mưa to, nhiều đường hầm trở thành cái cống khổng lồ chứa nước, muỗi bay từng đàn.
Nguyễn Thị Quỳnh Anh, sinh viên Trường Đại học KHXH&NV thổn thức kể: Em đi qua hầm đường bộ trên đường Phạm Hùng một lần và cũng là lần duy nhất. Lần mò đi theo đường hầm vừa tối và bức bí, em chợt giật mình thấy hai thanh niên lom khom ngồi chích ma túy. Nhắm mắt, liều mình bước qua, hai người này kéo tay em định giở trò sàm sỡ, cũng may em thoát được. Đi dưới hầm bộ hành không sợ tai nạn giao thông nhưng lại lo sợ nhiều thứ khác. Theo em, muốn người dân sang đường bằng hầm, cơ quan chức năng phải lắp đặt các thiết bị như đèn, quạt, làm vệ sinh thường xuyên và đặc biệt là phải có nhân viên hướng dẫn và bảo đảm an toàn.
Lý giải về tình trạng các hầm đường bộ bị bỏ hoang, đại diện Ban Quản lý điều hành dự án đường Vành đai 3 cho biết là có sự khập khiễng giữa đơn vị thi công và đơn vị nhận bàn giao. Nhiều hạng mục xây dựng còn dang dở dẫn tới các hầm bộ hành không phát huy tác dụng.
Khả quan hơn tuyến đường Phạm Hùng, hệ thống hầm bộ hành khu vực Ngã Tư Sở được đầu tư xây dựng công phu, bài bản hơn nhiều. Tuy nhiên, xây dựng và khánh thành từ năm 2007 nhưng các hầm bộ hành ở đây cũng không phát huy hiệu quả như người dân mong đợi. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng về cơ bản vẫn là tình trạng cửa hầm bị người dân lấn chiếm bán hàng, hệ thống biển báo rối rắm khiến người dân bị rơi vào "mê trận", vệ sinh môi trường dưới hầm không bảo đảm. Vì thế, thay vì phải mất 10 phút lòng vòng trong đường hầm, người dân chỉ mất 2 phút để băng qua đường, mặc dù người ta biết mối nguy hiểm luôn cận kề...
Xây cầu vượt bộ hành để... phơi nắng
UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản chấp thuận đề xuất của Sở GTVT về việc xây dựng 15 cây cầu vượt bộ hành nhằm giảm bớt ùn tắc và bảo đảm an toàn cho người đi bộ. Theo đó, từ nay đến năm 2012, Hà Nội sẽ có 33 cây cầu vượt dành cho người đi bộ. Về lợi ích của các cây cầu hẳn ai cũng biết, nhưng xây dựng tại vị trí nào, thiết kế ra sao lại là vấn đề đáng bàn. Hiện tại, Hà Nội đã xây dựng và đưa vào sử dụng 18 cầu vượt bộ hành nhưng không hẳn cây cầu nào cũng phát huy tác dụng. Ngoài 2 cầu vượt nằm trên đường Giải Phóng (đoạn trước cổng Bệnh viện Bạch Mai) và trên đường Cầu Giấy (đoạn trước cổng Trường ĐH Giao thông Vận tải) có người đi thường xuyên, một số cầu vượt rơi vào tình trạng vắng khách. Tại rất nhiều khu vực có cầu bộ hành, người dân vẫn băm bổ băng qua đường như trong ý thức của họ không hề có sự tồn tại của cây cầu. Không phủ nhận, trong xã hội có một bộ phận người dân thiếu ý thức khi tham gia giao thông. Nhưng dưới góc độ quản lý, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận một số cây cầu đã xây dựng chưa đem đến cho người dân sự tiện lợi. Việc xác định vị trí xây dựng cầu không hợp lý ngay từ chọn địa điểm cho đến việc khảo sát lưu lượng người tham gia giao thông. Theo TS Khuất Việt Hùng, Trưởng bộ môn Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải (Trường ĐH Giao thông Vận tải) thì việc xây dựng một cầu vượt bộ hành phải đáp ứng được 3 tiêu chí: Số lượng người đi bộ, bề rộng cũng như chiều dài của đoạn đường đi bộ, lưu lượng người và xe cơ giới.
Thực tế, các nhà đầu tư khi xây cầu cũng đã khảo sát hiện trạng nhưng rất khó tìm địa điểm, thường vấp phải sự phản đối của người dân, không ai muốn trước cửa nhà mình có một cây cầu án ngữ. Do đó, có một số cầu vượt đã được đặt ở những vị trí chưa hợp lý, có thể thuận tiện cho việc thi công, không vướng mắc trong khâu GPMB, song lại chưa hợp lý với nhu cầu sử dụng. Cầu nằm xa khu dân cư thì đương nhiên không phát huy tác dụng và đó là lý do vì sao người dân không mặn mà để leo lên cầu vượt.
Anh Nguyễn Trung Kiên trú tại xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm cho biết: Rất nhiều lần tôi quan sát các cây cầu vượt nằm trên đường Giảng Võ, Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt... có rất ít người sử dụng. Trong khi đó, tại khu vực bến xe buýt Nam Thăng Long có cả vạn lượt người đi bộ qua đường mỗi ngày thì lại chưa xây dựng được cầu vượt. Quy hoạch như vậy là chưa hợp lý. Mỗi chiếc cầu vượt hay hầm đường bộ tốn không ít tiền đầu tư, do đó cần phải tính toán, cân nhắc để phát huy tối đa hiệu quả sử dụng. Cùng với đó việc đầu tư xây dựng phải đồng bộ, mang lại sự tiện lợi cho người dân và phải đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân.
Mặt khác, đã đến lúc các nhà chuyên môn cần xem xét, đánh giá cẩn thận để có một phương án toàn diện về những giải pháp cho hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông ở Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.