Người cầm đầu nhóm cầu thủ Đồng Nai bán độ trong trận gặp Than Quảng Ninh, Thanh Hóa phạm hai tội danh có mức án cao nhất 10 năm tù.
TAND tỉnh Đồng Nai cho biết đã nhận được toàn bộ hồ sơ vụ án liên quan đến hành vi bán độ của các cầu thủ đội Đồng Nai, bị phát hiện hồi tháng 7/2014. Đơn vị này đang xem xét, lên kế hoạch đưa vụ án ra xét xử.
Trong đó, cựu đội trưởng Phạm Hữu Phát (27 tuổi, ngụ huyện Trảng Bom) bị truy tố về tội Tổ chức đánh bạc (mức án cao nhất 10 năm tù) và Đánh bạc (hình phạt lên đến 7 năm tù). 4 cầu thủ còn lại của Đồng Nai chỉ bị buộc tội Đánh bạc với khung hình phạt tương đương.
Bị can Trần Văn Ba (30 tuổi, ngụ TP Biên Hòa) và 3 người dàn xếp bán độ còn lại bị truy tố tội Tổ chức đánh bạc, như Phát.
Các cầu thủ Đồng Nai bị bắt sau trận đấu với Than Quảng Ninh. Ảnh: Việt Dũng |
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, ngày 10/7/2014, trước trận lượt về vòng 21 với Than Quảng Ninh tại Giải vô địch quốc gia (V-League), đội Đồng Nai được 22 điểm, xếp thứ 6/12. Biết câu lạc bộ chắc chắn trụ hạng, Phát tìm gặp Trần Văn Ba gạ bán kết quả tỷ số trận đấu (sẽ diễn ra 10 ngày sau) với giá 400 triệu đồng. Nếu thành công Phát sẽ cho Ba 50 triệu.
Ba sau đó móc nối với Đồng Văn Vĩnh cùng tham gia. Vĩnh bán tỷ số trận đấu này cho Nguyễn Phúc Thuận được 200 triệu đồng. Khi đưa tiền cho Ba, Vĩnh yêu cầu viết giấy vay nợ "nếu lật kèo phải trả lại 800 triệu đồng".
Ba tiếp tục liên hệ bán kèo được 150 triệu đồng cho người khác. Sau đó đưa cho đội trưởng Phát 325 triệu, giữ lại 25 triệu tiêu xài.
Tối 19/7/2014, khi cả đội có mặt tại Quảng Ninh chuẩn bị cho trận đấu, Phát nói với cầu thủ Đinh Kiên Trung về việc sẽ cá độ trận đấu này. Sau khi bàn bạc thêm với Nguyễn Đức Thiện, Hà Niệm Tiến, Nguyễn Thành Long Giang, cả nhóm thống nhất đặt 200 triệu đồng đánh "tài" hiệp 1 (CLB Than Quảng Ninh sẽ thắng cách biệt 2 bàn trở lên). Quyết định này được giao cho Trung gọi điện cho Nguyễn Văn Tương (28 tuổi, ngụ TP HCM) đặt cược.
Ngày 20/7, Tương liên tục lên mạng xem nhà cái ra kèo và cá độ giúp nhóm Trung với tổng số tiền 210 triệu đồng, tỷ lệ 1 ăn 0,7. Ngoài ra, do biết tỷ số trận đấu nên Tương đã gạ khách bắt độ thu lợi 12 triệu đồng. Thuận cũng nhờ người tham gia cá cược trên mạng gần 140 triệu đồng, Ba tham gia gần 170 triệu đồng.
Chiều hôm đó trận đấu đội Đồng Nai gặp Than Quảng Ninh diễn ra. Khi ra sân khởi động, Giang nói với Lưu Phan Thế Sơn (đá trung vệ): "Bọn anh đánh 'tài' hiệp một Than Quảng Ninh thắng, em giúp anh, về anh cho em sau". Sơn bảo: "Vâng, anh cứ đá đi". Ngay sau trận đấu, các cầu thủ bán độ đã bị Cục cảnh sát Hình sự (C45B) bắt giữ.
Nhà chức trách xác định, diễn biến trận đấu cho thấy các cầu thủ tham gia dàn xếp tỷ số đá không đúng năng lực, đấu pháp ban huấn luyện đưa ra, giúp kết quả đúng như họ đã bàn bạc với tỷ số 3-1 nghiêng về phía CLB Than Quảng Ninh. Kết thúc trận đấu, CLB Than Quảng Ninh thắng với tỷ số 5-2.
Theo cơ quan điều tra, Thế Sơn đã đồng ý tham gia dàn xếp tỷ số nhưng khi thi đấu hiệp một trung vệ này gặp chấn thương nên bị thay, không tiếp tục tham gia dàn xếp tỷ số. Do vậy, Sơn chỉ bị xử phạt hành chính.
Ngoài trận này, các cầu thủ Phát, Trung, Giang và Thiện còn thừa nhận trước đó từng bán độ ở trận Đồng Nai gặp Thanh Hóa, trên sân Thanh Hóa ngày 3/5/2014 với số tiền 50 triệu đồng (1 ăn 0.6). Sau trận đấu Thanh Hóa thắng Đồng Nai 3-0, cả nhóm thắng 30 triệu đồng nhưng Phát không lấy tiền mà chia lại cho Giang, Trung và Thiện, mỗi người 10 triệu.
Hồi tháng 4, Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã cấm vĩnh viễn 6 cầu thủ này tham gia các hoạt động bóng đá do VFF quản lý. Mỗi cầu thủ phải nộp phạt 20 triệu đồng, riêng Phát là 30 triệu.
Tội Đánh bạc: 1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ hai triệu đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới hai triệu nhưng đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ hai năm đến 7 năm: có tính chất chuyên nghiệp; tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; tái phạm nguy hiểm. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến 30 triệu đồng. Tội Tổ chức đánh bạc: 1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép với quy mô lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại điều này và điều 248 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10 đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến 5 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến 10 năm: có tính chất chuyên nghiệp; thu lợi bất chính lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn; tái phạm nguy hiểm. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.