(HNM) - Hội nghị các Viện Hàn lâm trẻ thế giới lần thứ tư do Viện Hàn lâm trẻ Việt Nam (VYA) và Đại học Duy Tân đồng tổ chức vừa diễn ra tốt đẹp tại thành phố Đà Nẵng.
Hội nghị là sự kiện của Viện Hàn lâm trẻ toàn cầu (GYA) do các nước thành viên tranh cử giành quyền tổ chức theo chu kỳ hai năm với mục đích trao đổi các ý tưởng về khoa học, xây dựng mạng lưới và hợp tác giữa các Viện Hàn lâm trẻ của các nước. Năm nay, với nỗ lực của VYA và Đại học Duy Tân, Việt Nam vinh dự đăng cai Hội nghị các Viện Hàn lâm trẻ thế giới lần thứ tư với chủ đề “Viện Hàn lâm trẻ vì sự thúc đẩy hòa bình và hội nhập xã hội”. Việc được trao quyền tổ chức sự kiện đã thể hiện năng lực và uy tín của Viện Hàn lâm trẻ Việt Nam nói riêng cũng như vị thế của Việt Nam trên bản đồ khoa học thế giới nói chung.
Hội nghị lần này tập trung thảo luận về tác động của khoa học - kỹ thuật đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Gần 300 đại biểu là thành viên từ các Viện Hàn lâm trẻ đến từ hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới cùng các nhà khoa học trong và ngoài nước đều đánh giá cao nội dung chương trình cũng như công tác tổ chức của nước chủ nhà. Đặc biệt, hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung Đà Nẵng, trong đó các thành viên tham dự đồng thuận về hướng phát triển mở rộng mạng lưới của các Viện Hàn lâm trẻ khu vực và quốc gia trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó, dựa trên những khuyến nghị của Liên hiệp các Viện Hàn lâm thế giới (IAP) dành cho các Viện Hàn lâm trẻ quốc gia, Tuyên bố chung Đà Nẵng cũng định hướng chiến lược và xác định kế hoạch hoạt động cho các Viện Hàn lâm trẻ nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc. Bản tuyên bố cũng ghi nhận vai trò của hội nghị tại Đà Nẵng trong việc tạo điều kiện để các Viện Hàn lâm trẻ quốc gia thảo luận và đưa ra các ý kiến. Đồng thời, thông qua Tuyên bố, các đại biểu đánh giá cao những hoạt động STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) dành cho các em học sinh trung học cơ sở ở thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam do đại diện của Viện Hàn lâm trẻ các nước phối hợp tổ chức trong khuôn khổ chương trình.
Đánh giá về kết quả hội nghị, bà Beater Wagner, Giám đốc Điều hành GYA nhận định, hội nghị đã hoàn thành các mục tiêu đề ra. Việc thông qua Tuyên bố chung Đà Nẵng đã tạo được nền tảng vững chắc để GYA, các Viện Hàn lâm trẻ trên toàn thế giới và các tổ chức là thành viên dự khuyết xây dựng Tuyên bố chung cho các Viện Hàn lâm trẻ quốc gia, dự kiến sẽ được công bố tại Diễn đàn Khoa học thế giới (WSF) ở Budapest, Hungary vào tháng 11 tới.
Việc tổ chức thành công Hội nghị các Viện Hàn lâm trẻ thế giới lần thứ tư là đóng góp có ý nghĩa đối với sự phát triển khoa học và công nghệ của nước nhà. Sự kiện cũng góp phần quảng bá hình ảnh và môi trường học thuật của Việt Nam, làm cầu nối đưa nền khoa học của đất nước đến gần hơn với thế giới. Chia sẻ tại hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao Nguyễn Hoành Năm tin tưởng các hoạt động năng động như của VYA sẽ đóng vai trò tích cực trong việc kết nối các trí thức trong và ngoài nước, cùng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển của quê hương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.