Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Cầu nối” giữa Đảng với dân

Bình Yên| 19/06/2014 04:03

(HNM) - 53.662 cuộc giám sát của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng kiến nghị thu hồi hơn 64 tỷ đồng và 1.003.883m2 đất, đủ nói lên sự vào cuộc tích cực của cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp ở TP Hà Nội trong nhiệm kỳ 2009-2014; thể hiện được vai trò là



Tuy vậy, thẳng thắn đánh giá, hoạt động giám sát vẫn chưa mang lại hiệu quả cao và chưa đồng đều do nhiều yếu tố: Cơ chế để thực thi chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao; năng lực và tâm lý của lực lượng giám sát và cả những "trở lực" từ bên ngoài.

Khi "tai mắt" được phát huy

Trong các mặt công tác của MTTQ, hoạt động giám sát đã và đang huy động sự tham gia trực tiếp của nhân dân. Cụ thể, Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ do nhân dân trực tiếp bầu ra để thực thi nhiệm vụ giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật; đầu tư các dự án, công trình trên địa bàn; giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn. Thông qua "tai mắt" của mình, MTTQ có thêm điều kiện thực hiện chức năng giám sát, phát hiện kịp thời những việc làm vi phạm pháp luật, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, vận động nhân dân thi hành đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Từ ý nghĩa như vậy, mạng lưới TTND, GSĐTCCĐ được phủ kín các xã, phường, thị trấn và thường xuyên được kiện toàn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Huyện Thanh Trì là địa phương được MTTQ TP Hà Nội đánh giá cao về hiệu quả hoạt động giám sát. Một trong những kinh nghiệm của địa phương này là coi trọng bố trí nhân sự thực thi nhiệm vụ. Toàn huyện có 16 Ban TTND với 150 thành viên thì 70 người là đảng viên; 16 Ban GSĐTCCĐ 143 thành viên, 73 người là đảng viên. Thành viên Ban TTND, GSĐTCCĐ là những người hiểu biết pháp luật, có tinh thần trách nhiệm và uy tín cao. Không phụ lòng tin của nhân dân, các Ban TTND ở Thanh Trì đã phát hiện 215 trường hợp san lấp, xây dựng trên đất công, đất nông nghiệp với hàng nghìn mét vuông đất; 327 trường hợp xây dựng không phép, sai phép. Các Ban GSĐTCCĐ đã giám sát được 424 công trình, dự án, phát hiện nhiều sai phạm như: 29.000 viên gạch kém chất lượng và thi công sắt không đúng thiết kế tại công trình xây dựng Trường Mầm non thôn Triều Khúc (xã Tân Triều); sử dụng gạch không đúng chủng loại tại công trình xây dựng Trung tâm văn hóa xã Đông Mỹ và Trường Mầm non thôn Yên Ngưu (thị trấn Văn Điển)... Qua giám sát, những sai phạm bị phát hiện đã được chủ đầu tư khắc phục, sửa chữa kịp thời, tránh lãng phí, thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước, của nhân dân, bảo đảm chất lượng công trình.

Thông qua hoạt động của Ban TTND và Ban GSĐTCCĐ trên địa bàn huyện Thanh Trì có thể khẳng định, đây là một chủ trương đúng, phát huy được quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền cơ sở. Kết quả giám sát góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; ngăn chặn, xử lý kịp thời những sai phạm, mâu thuẫn phát sinh, thu hồi cho Nhà nước hàng nghìn mét vuông đất trị giá hàng trăm tỷ đồng, tạo lòng tin trong nhân dân.

Nhiều khúc mắc cần tháo gỡ

Những địa phương làm được như huyện Thanh Trì không nhiều, bởi trên thực tế, hoạt động TTND, GSĐTCCĐ vẫn gặp nhiều thách thức. Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội thừa nhận, hoạt động giám sát hiệu quả chưa cao, chưa đồng đều. Ở một số nơi, Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên chưa làm tốt vai trò "cầu nối" giữa dân với Đảng và Nhà nước; chưa thật sự gần dân, sát dân.

Hiệu quả giám sát chưa cao là do những quy định về giám sát của MTTQ trong Hiến pháp (trước đây), pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật thiếu cụ thể, chưa có cơ chế cũng như điều kiện bảo đảm cho hoạt động của TTND và Ban GSĐTCCĐ. Thiếu quy định chi tiết, thiếu chế tài đủ mạnh khiến việc thanh tra, giám sát chủ yếu trông chờ vào sự nhiệt tình của các thành viên. Nhưng, trên thực tế, lực lượng TTND, GSĐTCCĐ hiện có ở 584 xã, phường, thị trấn của Hà Nội phần nhiều đều có tuổi; không phải ai cũng am tường chuyên môn, nhất là những lĩnh vực khó; trong khi đó chế độ cho lực lượng này còn khiêm tốn.

Hiệu quả chưa đồng đều là ở chỗ, bên cạnh những nơi coi trọng vẫn còn nhiều địa phương chưa sát sao với công tác này. Nguyên nhân sâu xa là do cơ chế, chế tài để thực thi hoạt động thanh tra, giám sát chưa đủ mạnh để buộc các đối tượng bị giám sát phải chấp hành. Có ý kiến người trong cuộc phản ánh, phụ cấp ít ỏi, "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng" cũng vượt qua được nhưng điều e ngại nhất trong quá trình tác nghiệp là họ luôn gặp phải "trở lực". Lực lượng thực thi nhiệm vụ luôn phải đối mặt với sự bất hợp tác của đối tượng bị giám sát (chủ đầu tư, các trường hợp vi phạm quy định của Nhà nước) như: Cố tình không công khai tên đơn vị thi công, danh mục dự án, dự toán vật tư, hồ sơ thiết kế kỹ thuật… Việc giám sát các công trình do chính quyền địa phương làm chủ đầu tư cũng gặp khó khăn không kém. Hơn nữa, do năng lực, trình độ cán bộ không đồng đều, công tác giám sát mới chỉ thực hiện được ở những công trình do cộng đồng đóng góp, quy mô nhỏ, đơn giản ở khu vực nội thành. Còn ở ngoại thành, nhiều cán bộ giám sát chưa đáp ứng yêu cầu công việc, chưa kể còn tâm lý nể nang, ngại va chạm.

Thành phố Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, việc thu hồi đất, đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ được đẩy mạnh. Để các công trình này bảo đảm chất lượng, thiết thực phục vụ nhân dân rất cần sự sát sao của MTTQ các cấp. Điều đáng mừng, sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi năm 2013, Bộ Chính trị ban hành "Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội" cùng "Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền" thì MTTQ các cấp đã có đầy đủ chức năng, nhiệm vụ giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền... "Gậy" pháp lý đã có, vấn đề cần làm là phải nâng cao trình độ, trách nhiệm của lực lượng TTND, GSĐTCCĐ. Hy vọng, nhiệm kỳ 2014-2019, nhiệm kỳ đầu tiên triển khai Hiến pháp năm 2013, MTTQ các cấp của TP Hà Nội sẽ tháo gỡ được những khúc mắc, hạn chế, nâng cao hiệu quả TTND, GSĐTCCĐ, góp phần hỗ trợ tích cực cho công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và Nhà nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Cầu nối” giữa Đảng với dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.