(HNM) - Nguyên nhân nào khiến các xe
Thực tế, dịp nghỉ lễ, Tết Nguyên đán khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao thì tình trạng xe "dù", bến "cóc" cũng tăng theo. Nhưng như thế không có nghĩa là ngày thường vấn đề không nhức nhối. Vấn nạn xe "dù", bến "cóc” không phải chuyện mới nhưng luôn “nóng” và diễn biến phức tạp. Điểm danh xe "dù", bến "cóc" không khó. Chỉ cần vào Google và gõ tên các tuyến xe khách từ Hà Nội đi các tỉnh, sẽ dễ dàng tìm thấy hàng chục thông tin “xe khách giá rẻ, chất lượng cao” mời chào đặt vé. Nhiều nhà xe còn mang vé hoặc đưa xe đến đón tận nhà nếu khách ở các quận nội thành có nhu cầu.
Nạn xe "dù", bến "cóc” hoạt động kéo dài gây thất thu ngân sách nhà nước, tạo cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực vận tải; gây mất trật tự an ninh, ách tắc giao thông trong nội đô, làm xấu bộ mặt phố phường. Đặc biệt là do hoạt động chui, không chịu sự quản lý của các bến xe nên các nhà xe tùy tiện sử dụng phương tiện và tài xế không đạt chuẩn, đua nhau phóng nhanh, vượt ẩu để tranh giành khách… tạo ra nguy cơ cao về tai nạn giao thông.
Nếu không có sự bao che, làm ngơ của lực lượng chức năng thì xe “dù”, bến "cóc" khó có thể tồn tại. Bên cạnh đó, một lý do quan trọng khiến xe “dù”, bến “cóc” vẫn ngang nhiên hoạt động là do chế tài xử phạt còn quá nhẹ, còn kẽ hở phát sinh tiêu cực. Chẳng hạn, quy định vi phạm nặng thì thu hồi phù hiệu 1-3 tháng, với khung thời gian dao động lớn này rất dễ sinh ra tiêu cực. Vì thế, việc quy định cụ thể mức độ vi phạm tương ứng với mức phạt là cần thiết. Trường hợp đã bị thu hồi phù hiệu mà xe vẫn hoạt động thì không cấp phù hiệu vĩnh viễn; nhà xe đang có xe bị thu hồi phù hiệu sẽ không được cấp cho xe mua thêm…
Để bảo đảm giao thông dịp cao điểm cuối năm, là thời điểm dễ bùng phát tình trạng xe "dù", bến "cóc” và vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, Ban An toàn giao thông TP Hà Nội vừa có văn bản triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác quý IV năm 2017. Trong đó đề nghị Công an thành phố tiếp tục chỉ đạo các lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Mậu Tuất; kiên quyết xử lý tình trạng xe "dù", bến "cóc”, xe chở hàng cồng kềnh…
Tuy vậy, suy cho cùng thì có dẹp được xe "dù", bến "cóc" hay không phần lớn vẫn phụ thuộc vào sự quyết liệt và biện pháp của các cơ quan chức năng. Do đó, bên cạnh việc xử lý nghiêm bằng các biện pháp mạnh, như đình chỉ tài xế vi phạm, rút giấy phép kinh doanh với đơn vị vi phạm, cũng cần xem xét, nghiên cứu việc tổ chức các bến xe, luồng tuyến và xe trung chuyển sao cho thuận tiện, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Nếu cần, có thể bố trí các quỹ đất làm điểm đón, trả khách tạm thời tại các khu vực có nhu cầu cao. Đặc biệt là cần thiết quy trách nhiệm cụ thể và xử lý nghiêm cán bộ phụ trách lĩnh vực nếu để xảy ra vi phạm kéo dài trên địa bàn. Tránh để như hiện nay, xóa được điểm "dù" này, nhà xe lại lập ra điểm "dù" khác...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.