Theo dõi Báo Hànộimới trên

Câu chuyện và kinh nghiệm

ANHTHU| 21/08/2007 08:35

(HNM) - Bắt đầu bằng “Save the children”-Liên minh các tổ chức cứu trợ trẻ em Quốc tế tại Việt Nam gồm  Anh (SCUK); Thụy Điển (SCS), Ôxtrâylia (SCA), Mỹ (SCUS) và Nhật Bản (SCJ) đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm góp phần đảm bảo cho mọi trẻ em của chúng ta được hưởng tất cả những  quyền cơ bản. Câu chuyện trên con đường họ đi mang lại nhiều kinh nghiệm trong quá trình xây dựng, tổ chức các hoạt động dưới mô hình tổ chức phi chính phủ về trẻ em.

Dấu ấn tiên phong

Save the children (Tổ chức Cứu trợ trẻ em) thành lậpcách đây ngót một thế kỷ (19-5-1919) tại Anh, bao gồm 32 thành viên hoạt động tại 120 nước với tôn chỉ: tôn trọng và đánh giá cao mỗi trẻ em; lắng nghe tiếng nói của trẻ em; mọi trẻ em đều có hy vọng và cơ hội. Người có công sáng lập đầu tiên là một phụ nữ trẻ, nhà báo người Anh-Eglantyne Jebb. Bị ám ảnh bởi hậu quả của cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất với trẻ em, bà đã cùng chị gái Dorothy Buxton, cho ra đời “Save the children” . Sau đó, thành viên của tổ chức này dù khai sinh ở quốc gia nào cũng đều chung một sứ mệnh: đấu tranh để bảo vệ quyền trẻ em nhằm cải thiện cuộc sống trước mắt cũng như lâu dài của trẻ em trên toàn thế giới.

Khoảng đầu những năm 1990, thành viên của Liên minh các tổ chức cứu trợ trẻ em bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam. Từ buổi tập huấn đầu tiên với quan điểm “child to child” (trẻ với trẻ) đã tạo nên bao điều ngỡ ngàng đối với ngay những cán bộ hoạt động trong lĩnh vực này, cho đến nay họ đã đi một chặng đường khá dài với trẻ em Việt Nam.

Dấu ấn tiên phong của họ có ảnh hưởng đến việc thúc đẩy sự ra đời của không ít tổ chức phi chính phủ, các nhóm dân sự hoạt động vì quyền lợi mọi mặt của trẻ ở nước ta gần đây. Cũng bắt đầu từ một nỗi ám ảnh như Eglantyne Jebb, tất nhiên là của thời hiện đại như xem một bộ phim về cuộc sống và nỗi khát khao của trẻ có HIV, chứng kiến những sự bất lực của cha mẹ trong giáo dục đối với những đứa con bé bỏng..., những sinh viên trẻ bắt đầu tổ chức nhóm, những ông bố, bà mẹ trẻ lập diễn đàn, viết sách, quyên góp, xây dựng dự án. Nhiều tổ chức phi chính phủ chính thức ra đờiđóng góp trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Gần đây nhất, một Ban vận động bao gồm nhiều vị nguyên là lãnh đạo cấp cao của đất nước, của ngành đã được thành lập nhằm chuẩn bị cho sự ra đời Hội bảo vệ quyền trẻ em. Sau khi chính thức ra đời, đây sẽ là một tổ chức phi chính phủ quy mô nhất nhằm đảm bảo thực hiện các nhóm quyền cho trẻ em Việt Nam được khai sinh ở chính đất nước ta.

Dấu ấn tiên phong của Eglantyne Jebb dường như đã đang xuất hiện trong rất nhiều cá nhân, tổ chức một lòng tâm huyết với trẻ em không phân biệt tuổi tác, địa vị. Chỉ có điều chúng ta đi sau, chúng ta phải học hỏi.

Liên minh các tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam hoạt động trên nhiều lĩnh vực, cấp độ và trải rộng tại 20 tỉnh, thành. Đó là xóa đói giảm nghèo ở trẻ em (cả nông thôn và đô thị); Bảo vệ trẻ em (chống trừng phạt thân thể trẻ em; phòng chống buôn bán, bóc lột và nguy cơ đối với trẻ di cư); Quyền trẻ em và sự tham gia của trẻ; HIV/AIDS, sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản đối với thanh thiếu niên;và rất nhiều hoạt động hỗ trợ khẩn cấp trẻ em bị bão lụt, thiên tai...

Đi bằng đôi chân ta

Hầu như các hoạt động của các tổ chức vì trẻ em ở tahiện nay phụ thuộc vào nguồn tài trợ của nước ngoài. Không ít chương trình dự án đang độ vào guồng thì phải “tổng kết” vì hết tiền, hoặc “tạm sơ kết chờ xin mở rộng giai đoạn mới”. Thiếu quy hoạch và một nguồn tài chính ổn định, chúng ta thiếu đi sự chủ động và tính lâu dài của mỗi hoạt động. Điều này còn có ý nghĩa về việc xây dựng ý thức đóng góp của người dân với công tác xã hội.

Theo một chuyên gia của Liên minh các tổ chức cứu trợ trẻ em của Thụy Điển (SCS) thì cần phân biệt làm từ thiện là “con cá”, còn làm công tác xã hội là “cần câu”. SCS hoạt động được là nhờ phần lớn nguồn đóng góp của người dân chính quốc gia này. Họ có cơ chế khuyến khích như: được miễn giảm một phần thuế; được thông báo về chi tiêu tài chính của tổ chức mình đóng góp...

Bên cạnh đó, các tổ chức của chúng ta sẽ sống được nhờ việc biết khai sinh những ý tưởng và đưa những ý tưởng ấy vào cuộc sống. Những năm 1990 và cả gần đây việc xuất hiện các sản phẩm mang thông điệp như “chấm dứt bạo lực với trẻ em” trên chiếc vòng đeo tay, trên đôi dép đi ở nhà, trên bìa vở học sinh... của các tổ chức trong liên minh đã tạo nên những thay đổi không nhỏ trong suy nghĩ và hành động của cha mẹ, cộng đồng và chính trẻ em. Làm sao để như một thanh niên Thụy Điển đã nói: “ Những thông điệp được in trên vỏ hộp sữa và nhiều sản phẩm thông dụng khác. Chúng tôi đã lớn lên cùng với nó và nó ngấm vào chúng tôi lúc nào không hay”. Liệu những kiểu truyền thông cũ rích và sáo mòn có đủ sức tạo nên những tác động như vậy?

Lời kết

Các tổ chức phi chính phủ về trẻ em của ta đang ở đoạn xuất hiện và tìm kiếm hoạt động, trong khi Liên minh các tổ chức Cứu trợ trẻ em đang bước vào hồi nghiên cứu sáp nhập. Họ hy vọng sẽ tránh được sự chồng chéo trong hoạt động, tìm được sức mạnh chung nhằm thực hiện sứ mệnh đã cam kết với trẻ. Với tâm huyết sẵn có, cho dù đi sau ta cũng cốnắm bắt lấy những bài học quý giá ấy.

Mai Thi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Câu chuyện và kinh nghiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.