(HNMCT) - Tự chủ được coi là bài toán rất khó mà các đơn vị nghệ thuật công lập đang loay hoay tìm lời giải. Càng khó hơn trong bối cảnh hoạt động văn hóa nghệ thuật gần như đóng băng do dịch Covid-19 suốt 2 năm qua. Thế nhưng, vẫn có những đơn vị đang mạnh dạn giải từng câu hỏi khó để trụ vững, trở thành bài học kinh nghiệm quý cho nhiều nơi khác.
Bài học về nhân sự
Cuối tuần qua, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam tổ chức kỷ niệm 70 năm ra đời và phát triển. Trong rất nhiều thành tựu mà Nhà hát đạt được, câu chuyện về bài học tự chủ trong giai đoạn hiện nay thu hút sự quan tâm của những người làm nghề hơn cả.
Bắt đầu từ năm 2009, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam bước vào quá trình tự chủ từng phần và năm 2015 chính thức tự chủ 100%. Giống như các đơn vị khác, từ chỗ đang được bao cấp, nay phải “tự bơi”, Nhà hát không tránh khỏi khó khăn. Ban Giám đốc lúc đó, đứng đầu là Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Quang Vinh đã nghiêm túc nghiên cứu bài toán nhân lực để thúc đẩy sự nỗ lực của các nghệ sĩ, coi đó là điều kiện tiên quyết để tự chủ thành công.
Nhà hát đã thử nghiệm phân cấp nghệ sĩ, trong đó nghệ sĩ cấp một gồm những người có danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú hoặc người trẻ xuất sắc, có giải thưởng, có khả năng mang đến những màn trình diễn đạt hiệu quả cao; nghệ sĩ cấp hai là những người hoàn thành tốt các nhiệm vụ biểu diễn được giao; nghệ sĩ cấp ba là những người trẻ vừa tốt nghiệp mới về Nhà hát, được kiểm tra năng lực 6 tháng một lần để đảm bảo có đủ khả năng phát triển hay không. Cách phân chia này tỏ ra hữu hiệu khi các nghệ sĩ được cạnh tranh lành mạnh, không còn tình trạng cào bằng. Từ việc củng cố hệ thống nhân sự, Nhà hát đã có một bộ máy đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về trình độ; đội ngũ sáng tạo, thiết kế đến tập thể nghệ sĩ, diễn viên được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu thực hiện các chương trình với nhiều format khác nhau, từ truyền thống cho tới đương đại.
Ông Nguyễn Hải Linh - Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam nhận định: “Sự đoàn kết, đồng lòng của các nghệ sĩ, cán bộ, công nhân viên; đội ngũ diễn viên, nghệ sĩ tài năng và hoạt động theo tiêu chí “Lấy sản phẩm là thước đo công việc” chính là nguyên nhân dẫn đến sự thành công của Nhà hát”.
Linh hoạt thích ứng
Bài học kinh nghiệm quý thứ hai trong tự chủ, theo Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nghệ sĩ Ưu tú Xuân Bình, đó là phải xây dựng thành công thương hiệu của Nhà hát, chính là xây dựng được những format chương trình riêng, độc đáo. Có những thời điểm Nhà hát cùng lúc thực hiện từ 5 - 7 chương trình nhưng vẫn đảm bảo về chất lượng, tạo được dấu ấn riêng...
Ông Nguyễn Hải Linh chia sẻ thêm: “Những chương trình nghệ thuật nghiêm túc thường kén khán giả trong khi xã hội ngày càng phát triển với rất nhiều hình thức giải trí hấp dẫn. Chính vì vậy mà chúng tôi phải tìm hiểu, vượt qua chính mình, xây dựng các chương trình mang tính truyền thống, dân gian, dân tộc nhưng cũng phải gần gũi với giới trẻ, không giữ một format chương trình khô cứng mà luôn sáng tạo để mỗi chương trình đều mới mẻ, mang hơi thở của ngày hôm nay. Tuy nhiên, Nhà hát luôn vững vàng với tôn chỉ, mục đích đã đặt ra”.
Bài học về thích ứng linh hoạt của Nhà hát cũng được vận dụng thành công trong thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Khi hầu hết các chương trình nghệ thuật đều tạm dừng thì Nhà hát vẫn tiếp tục “đỏ đèn” nhưng chuyển sang hình thức trực tuyến. Đặc biệt, 2 chương trình “Cháy lên” và “Tổ quốc trong tim” nhằm tri ân, động viên các y, bác sĩ cùng cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, tình nguyện viên trên tuyến đầu chống dịch được khán giả đón nhận nhiệt tình.
Với bề dày 70 năm, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam được khán giả cả nước yêu quý, được đồng nghiệp trân trọng bởi những thành tích đã đạt được. Các chương trình của Nhà hát luôn được đánh giá cao qua các liên hoan, hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc; số lượng người xem, tần suất biểu diễn và doanh thu luôn dẫn đầu các nhà hát trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL). Điều đó khẳng định phương hướng và cách làm của Nhà hát là đúng, năng động, sáng tạo, phù hợp với quy luật phát triển của xã hội và xứng đáng với danh hiệu cánh chim đầu đàn của ngành nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp nước nhà. Năm 2020, Nhà hát vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”.
Theo số liệu thống kê, cả nước hiện có hơn 110 đơn vị nghệ thuật công lập, trong đó có 12 đơn vị trực thuộc Bộ VH-TT&DL. Từ năm 2015, một số đơn vị nghệ thuật như Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Liên đoàn Xiếc Việt Nam... được Bộ VHTTDL chọn làm đơn vị thí điểm chuyển đổi mô hình đơn vị sự nghiệp có thu sang tự hạch toán thu chi. Theo lộ trình, năm 2020, tất cả các nhà hát công lập đều phải tự chủ hoạt động 100%. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 kéo dài khiến hầu hết các nhà hát rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng, chưa thể đáp ứng được yêu cầu về tự chủ. Chính vì vậy, những bài học như của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam về sự thích ứng linh hoạt càng trở nên giá trị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.