(HNMO) - Sự việc cây phượng tại một trường học ở thành phố Hồ Chí Minh bị bật gốc làm một học sinh tử vong mới đây khiến dư luận xã hội, đặc biệt là các bậc phụ huynh lo lắng về công tác quản lý cây xanh trong khu vực trường học. Đơn vị nào chịu trách nhiệm quản lý và cần triển khai những giải pháp gì để kiểm soát, bảo đảm an toàn cho học sinh khi hầu hết khuôn viên các nhà trường đều có cây lâu năm?
Nhiều cấp quản lý
Tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên), ông Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong khuôn viên trường hiện có 65 cây xanh các loại, nhiều cây đã hơn 40 năm tuổi. Trong số này, xà cừ chiếm số lượng lớn với 27 cây, còn lại là phượng, sấu... Vào khoảng tháng 3, tháng 4 hằng năm, nhà trường chủ động tổ chức rà soát hiện trạng toàn bộ hệ thống cây xanh. Trong đó, các cây xà cừ nhiều năm tuổi đều được cắt tỉa, vừa tạo cảnh quan, vừa ngăn chặn các nguy cơ mất an toàn cho học sinh.
Tương tự, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) Nguyễn Thị Bích Nga cũng thông tin, trong khuôn viên trường có hơn 20 cây xanh, nhiều cây đã hơn 20 năm tuổi.
"Chúng tôi xác định việc rà soát thường xuyên để kịp thời phát hiện những cây có dấu hiệu bất thường là trách nhiệm của nhà trường. Vì vậy, nhà trường đã thành lập Ban Cơ sở vật chất có nhiệm vụ rà soát, nắm bắt hằng ngày về mọi nguy cơ có thể gây mất an toàn cho học sinh, trong đó có hệ thống cây xanh", bà Nga nói.
Ở cấp quận, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai Nguyễn Quỳnh cũng cho hay, ngay từ đầu năm 2020, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận phối hợp các trường rà soát, lên kế hoạch cắt tỉa 783 cây nặng tán, nguy hiểm trong các trường học.
Theo ông Hoàng Hữu Trung, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, hằng năm, các trường học trên địa bàn thành phố đều chủ động liên hệ, phối hợp các cơ quan chuyên môn tiến hành rà soát toàn bộ cây xanh trong khuôn viên nhà trường; xử lý ngay những cây bị nghiêng, có hiện tượng mối, mọt...
“Mặc dù các nhà trường thường xuyên rà soát hệ thống cây xanh, nhằm phát hiện cây có biểu hiện nguy hiểm để cắt tỉa, thay thế, song về tổng thể, chưa có thống kê về hệ thống cây xanh trong hơn 2.700 trường học các cấp”, ông Hoàng Hữu Trung cho biết.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) cũng thông tin, chưa có thống kê về số lượng cây xanh trong các trường học. Ông Hùng lý giải, các trường học là đơn vị trực tiếp quản lý cây xanh trồng trong khuôn viên. Còn trên địa bàn, các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm quản lý theo phân cấp đối với cây xanh trên phố chưa đặt tên và trong khuôn viên trụ sở cơ quan, đơn vị, trường học.
Rõ ràng, việc các nhà trường quản lý cây xanh trong khuôn viên giúp cho việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên; qua đó kịp thời phát hiện, xử lý trường hợp có nguy cơ mất an toàn. Song, nếu không có sự quản lý tổng thể về cây xanh, sẽ khó bảo đảm sự đồng bộ về chất lượng chăm sóc, cũng như bảo đảm an toàn, nhất là với trường học có đông học sinh.
Có nên quy định niên hạn cây xanh?
Theo các chuyên gia, ngoài yếu tố dông, bão, hầu hết các cây xanh bị gãy, đổ bất ngờ đều có hiện tượng sâu, mục thân, hỏng rễ mà mắt thường khó nhận biết. Vì vậy, rất cần có quy trình kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan chuyên ngành.
Giải đáp vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, là cơ quan giúp UBND thành phố Hà Nội thống nhất quản lý nhà nước về cây xanh đô thị trên địa bàn, Sở Xây dựng Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố ban hành quy trình duy trì cây xanh đô thị, trong đó quy định rõ tần suất thực hiện cắt tỉa cây, độ cao tối đa của cây xanh đô thị; thực hiện hạ độ cao theo quy định hai năm một lần; cắt tỉa cây nặng tán mỗi năm hai lần... Trường hợp cây có biểu hiện nguy hiểm như nghiêng, nặng tán… sẽ được xử lý ngay.
“Nhằm bảo đảm an toàn, giảm nguy cơ gãy đổ cây xanh trong trường học, các nhà trường cần chủ động ký hợp đồng với đơn vị chuyên môn, thực hiện kiểm tra, rà soát, cắt tỉa cây nặng tán, hạ độ cao; chặt hạ cây nghiêng, sâu mục…”, ông Hùng nói.
Làm sao để đánh giá, nhận biết dấu hiệu nguy hiểm của cây đô thị? Giáo sư Lê Huy Cường (Hội Lâm nghiệp Việt Nam) cho rằng, nhiều cây nhìn bề ngoài thấy bình thường, lá vẫn xanh nhưng bên trong nhiều khi đã mục ruỗng. Do đó, nhiều trường hợp khó phát hiện bằng cảm quan.
Ngoài ra, còn có nguyên nhân cây bị xâm hại, chặt rễ, hay khi cải tạo hạ tầng khiến không gian dinh dưỡng của rễ cây bị hạn chế, rễ cây không phát triển được... Vì vậy, để đánh giá mức độ nguy hiểm của cây xanh, phải có sự tham gia của cơ quan chuyên môn.
Giáo sư Lê Huy Cường cũng đề xuất, đối với một số chủng loại cây trồng ở đô thị hay gãy, đổ khi mưa, bão nên có quy định về niên hạn. Khi hết niên hạn, cần đốn hạ, trồng cây khác thay thế, chẳng hạn cây phượng nên có niên hạn khoảng 25-30 năm.
Để bảo đảm an toàn hệ thống cây xanh nói chung, cây xanh trong các trường học nói riêng, công tác chủ động kiểm tra, rà soát, thực hiện cắt tỉa cây nặng tán, hạ độ cao cần được đặt lên hàng đầu. Thực tế, đây cũng là công việc được thành phố Hà Nội chú trọng đẩy mạnh trong 4 năm trở lại đây, nhờ đó, giảm thiểu tình trạng cây gãy đổ, nhất là trong mùa mưa bão.
Phát biểu kết luận tại buổi giao ban trực tuyến công tác tháng 5-2020 của UBND thành phố Hà Nội diễn ra ngày 29-5, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu các đơn vị cây xanh, môi trường và UBND quận, huyện, thị xã rà soát, cắt tỉa lại tất cả cây xanh ở trường học trên địa bàn thành phố, không để gây nguy hiểm cho học sinh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.