(HNM) - Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1-1-2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 đã đặt ra yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện đầu tư kinh doanh hiện hành.
Quyết liệt cắt giảm
Theo số liệu cập nhật của Văn phòng Chính phủ công bố đầu tháng 5-2018, tính từ đầu năm 2017 đến nay, các bộ, ngành đã cắt giảm 402/638 danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành, 1.141 điều kiện kinh doanh và có phương án cắt giảm, đơn giản hóa 2.118 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số điều kiện kinh doanh dự kiến cắt giảm lên 3.259/5.786 điều kiện kinh doanh (tổng số cắt giảm, đơn giản hóa dự kiến đạt 56%).
Với 405 thủ tục thuế và 223 thủ tục hải quan được cắt, giảm, một số cải cách bước đầu đã đi vào cuộc sống như: Thí điểm cơ chế đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan thay vì phân giao hạn ngạch thuế quan với mặt hàng đường; kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia để cấp phép nhập khẩu trực tuyến cấp độ 4 với xe máy phân khối lớn, các chất làm suy giảm tầng ozone.
Tương tự, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cắt giảm từ 1/2 đến 1/3 thủ tục để tạo môi trường tốt hơn trong lĩnh vực: Xăng dầu, thuốc lá, điện lực, nhượng quyền thương mại, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp...
Bộ Tư pháp qua rà soát dự kiến cắt giảm hoặc bãi bỏ 43 điều kiện kinh doanh thuộc các lĩnh vực: Hành nghề luật sư, công chứng, giám định tư pháp, quản tài viên; hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại... đạt tỷ lệ 44%. Bộ Tài chính đề xuất bãi bỏ 99 điều kiện và đơn giản hóa 94 điều kiện trong 7 lĩnh vực: Bảo hiểm, chứng khoán, giá, hải quan, kiểm toán, tài chính ngân hàng và thuế.
Vẫn phát hiện những quy định hình thức
Cho rằng những đổi mới nêu trên là rất tích cực, song đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hội Tư vấn thuế Việt Nam phản ánh, hệ thống quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh hay thay đổi và khó theo dõi, thống kê, cập nhật chính xác, kịp thời.
Đáng lưu ý hơn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dù đã có những nỗ lực cắt giảm nhưng còn lúng túng trong phân biệt điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề và quản lý chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa.
Đặc biệt, trong văn bản trả lời Công văn 134/GM-KSTT của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính về việc mời tham dự và có ý kiến với đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, VCCI cho rằng, một số cắt giảm không tạo ra thay đổi thực chất nào đáng kể. Ví dụ trong lĩnh vực giá, phần lớn các điều kiện kinh doanh đều được giữ lại, các phương án đề xuất chủ yếu là thiết kế lại hình thức quy định về điều kiện kinh doanh.
Với điều kiện số lượng thẩm định viên về giá, quy định hiện tại yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này phải có tối thiểu 3 thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp. Nhưng VCCI cho rằng, không rõ căn cứ để yêu cầu số lượng tối thiểu như trên. Câu hỏi cần Bộ Tài chính giải đáp là: Nếu doanh nghiệp chỉ có 1 hoặc 2 thẩm định viên về giá thì lợi ích công cộng nào sẽ bị ảnh hưởng?
Theo quan điểm của VCCI, với thị trường chuyển dịch lao động như hiện nay thì doanh nghiệp không nhất thiết phải có cố định số lượng thẩm định viên về giá mà có thể thuê các thẩm định viên về giá có thẻ hành nghề. Như vậy, Nhà nước chỉ cần kiểm soát hoạt động thẩm định giá do thẩm định viên có thẻ hành nghề thực hiện là đủ để hạn chế rủi ro trong hoạt động này...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, các đề xuất cải cách sẽ được xem xét thấu đáo. Với hệ thống tiếp nhận và trả lời kiến nghị của người dân, của doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, ông luôn sẵn sàng lắng nghe mọi ý kiến, bức xúc của người dân, doanh nghiệp và những kiến nghị này sẽ được công khai để các bộ, ngành theo dõi, giải đáp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.