(HNM) - Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006, rồi Nghị định 76/2007/NĐ-CP ngày 9-5-2007 về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không ra đời đã tác động tích cực đến thị trường hàng không nước nhà. Nhờ đó, một số hãng hàng không tư nhân đã cất cánh. Tuy nhiên, kinh doanh hàng không ở Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề…
Jetstar Pacific Airlines và nhiều hãng hàng không tư nhân khác đang gặp khó khăn trong kinh doanh. Ảnh: Bảo Lâm
Với hơn 80 triệu dân, Việt Nam được đánh giá là thị trường hàng không hết sức tiềm năng. Cả nước hiện có 5 hãng hàng không nội địa đã tham gia khai thác gồm: Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vasco, Indochina Airlines và Airmekong. Với việc hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp lý, trong đó đáng chú ý là Luật Hàng không dân dụng, Nghị định 76 và một số văn bản quy phạm khác, thị trường hàng không nội địa đã sôi động, có sự cạnh tranh tích cực. Đây là dấu hiệu khả quan.
Tuy nhiên, trừ "anh cả" Vietnam Airlines với tiềm lực và kinh nghiệm lâu năm, chiếm lĩnh phần lớn thị trường, phát triển ổn định, vững vàng, các hãng khác đều ít nhiều gặp vấn đề. Có hãng đã xin cấp phép vài ba năm nhưng chưa thể "cất cánh" và liên tục xin lùi ngày bay. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, kinh doanh hàng không mang nhiều tính đặc thù, đòi hỏi sự đầu tư lớn, lâu dài. Nếu không có tiềm lực tài chính tốt sẽ gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu, nhất là trong bối cảnh thiếu trầm trọng nguồn nhân lực lành nghề, phải phụ thuộc nhiều vào yếu tố nước ngoài như thuê máy bay, phi công…
Với những khó khăn kể trên, không ít hãng đang phải bay… nợ. Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Hàng không Việt Nam (Vinapco) Trần Hữu Phúc cho biết, công ty đang bị Indochina Airlines nợ 27 tỷ đồng nhiên liệu; Jetstar Pacific Airlines nợ đến 180 tỷ đồng. Vốn điều lệ của Vinapco là 400 tỷ đồng và 2 doanh nghiệp (DN) nêu trên đã nợ quá nửa số vốn đó, khiến đơn vị gặp nhiều khó khăn.
Việc tạo điều kiện cho các DN hàng không tư nhân ra đời và hoạt động là hết sức cần thiết để tạo sự cạnh tranh có lợi cho hành khách. Tuy nhiên, "sân chơi" hàng không dường như vẫn còn thiếu những "luật chơi" rõ ràng và thiếu cả những "trọng tài" công minh. Việc các hãng nợ Vinapco đã từng là chủ đề được báo chí đưa tin rầm rộ. Thậm chí, khi không đòi được nợ, Vinapco ngừng cung cấp nhiên liệu thì bị Hội đồng cạnh tranh quốc gia phạt hơn 3 tỷ đồng vì vi phạm Luật Cạnh tranh. Không đồng ý với phán quyết trên, Vinapco đã kiện Hội đồng cạnh tranh quốc gia nhưng đến nay vẫn chưa đến hồi kết.
Vấn đề của Vinapco là không thể ngừng bán chịu nhiên liệu cho đối tác bởi trong các văn bản của cơ quan chức năng đều "nhắc nhở" DN đàm phán, tìm giải pháp thích hợp, không để ảnh hưởng đến vận tải hàng không. Nhưng giải pháp thích hợp là gì thì không được nói rõ khiến các bên cứ luẩn quẩn và phía chịu thiệt là bên bán chịu.
Ông Đỗ Quốc Hùng, Phó Tổng giám đốc Vinapco cho biết, công ty đang rơi vào tình cảnh "độc quyền đáng thương". Bản thân Vinapco không muốn độc quyền, nhưng nhiều DN không muốn đầu tư vào lĩnh vực này. Theo Luật sư Nguyễn Huy Thắng, Trưởng văn phòng Luật sư Huy Thắng, việc áp dụng Luật Cạnh tranh đối với Vinapco là không phù hợp. Nếu các đối tác của Vinapco lạm dụng Luật Cạnh tranh thì Vinapco sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản. Điều đáng nói Vinapco là DN 100% vốn nhà nước và chịu sự ràng buộc của các luật khác. Nếu cứ tiếp tục phải bán chịu, không thu hồi được vốn tương lai sẽ ra sao?
Để tháo gỡ vướng mắc, Vinapco đã báo cáo Cục Hàng không Việt Nam, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), Bộ Tài chính về khoản nợ quá hạn của Jetstar Pacific Airlines. Các cơ quan chức năng đều có công văn trả lời nhưng chưa đưa ra phương án xử lý cụ thể. Vinapco cho biết sẽ không để xảy ra tình trạng ngừng cung cấp nhiên liệu làm ảnh hưởng đến hoạt động bay. Tuy nhiên, kể từ sau khi hợp đồng mua bán nhiên liệu trước đó kết thúc vào ngày 31-5-2011, hai bên chưa ký hợp đồng mới, Vinapco sẽ bán nhiên liệu cho Jetstar Pacific Airlines theo hình thức "tiền trao, cháo múc". Mua bán theo hình thức này, Vinapco cũng bị thiệt, bởi phải nhập đủ xăng bán cho các hãng trước một tháng và đầu tháng các hãng phải thanh toán trước 50% để chia sẻ khó khăn về lãi suất, vốn đầu tư. Còn với khoản nợ 180 tỷ đồng, Vinapco chấp thuận cho Jetstar Pacific Airlines trả dần theo lịch cam kết là đến tháng 8-2011, với điều kiện đơn vị này phải có thư bảo lãnh của ngân hàng, nhưng vẫn chưa được đáp ứng.
Chưa biết bao giờ các cơ quan chức năng mới hết lúng túng!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.