(HNM) - Trên địa bàn Hà Nội đang tồn tại tình trạng nhiều căn hộ của những dự án có vi phạm về quy hoạch, thiết kế… chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở (giấy chứng nhận), gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Việc tháo gỡ những vướng mắc để cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tại dự án có vi phạm đã và đang được thành phố phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung rà soát, kiến nghị những giải pháp cụ thể để tháo gỡ, phấn đấu cơ bản xong trong năm 2020.
Hệ lụy từ mua nhà không phép, sai phép
Mới đây, khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở (sổ đỏ), ông Lê Phong Hoan ở chung cư CT6C, phường Kiến Hưng (quận Hà Đông) mới biết toàn bộ chung cư CT6C là tòa nhà “mọc thêm” trong Tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes. Ông Hoan chia sẻ: "Tôi mua một căn hộ từ năm 2013 và được chủ đầu tư cung cấp hợp đồng chuyển nhượng, hóa đơn... Nhưng khi gia đình nộp hồ sơ đến cơ quan chức năng, thì được trả lời căn hộ gia đình tôi mua không có hồ sơ về tòa nhà nên không được cấp giấy chứng nhận”.
Theo kết luận của Thanh tra thành phố Hà Nội, Tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes nói trên được phê duyệt xây dựng 2 tòa nhà cao tầng. Chủ đầu tư đã cố tình xây thêm 1 tòa nhà 30 tầng và nâng tầng 2 tòa nhà CT6A, CT6B, dẫn đến nhiều hộ dân mua phải căn hộ xây không phép, sai phép chưa được cấp giấy chứng nhận.
Tương tự, tại phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) tổ hợp 12 tòa chung cư HH Linh Đàm được phê duyệt xây dựng 27 tầng, nhưng chủ đầu tư tự ý xây lên 36 hoặc 40 tầng; hay như dự án nhà ở Đại Thanh ở xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) có 6 khối nhà cao tầng được phê duyệt xây dựng 29 tầng, thực tế chủ đầu tư xây lên 32 tầng…
Ngoài ra, một số chủ đầu tư còn thế chấp "sổ đỏ" khu đất của dự án vào ngân hàng cũng khiến cho nhiều hộ dân không thể hoàn thiện thủ tục để được cấp giấy chứng nhận. Là một trong số những khách hàng của dự án như thế này, ông Vũ Thái Ất, ở nhà B3, tầng 11, dự án Westa, tổ dân phố 7, phường Mộ Lao (quận Hà Đông) bức xúc: “Trong hợp đồng mua bán, chủ đầu tư ghi rõ 50 ngày sau khi bàn giao nhà sẽ hoàn thiện thủ tục để được cấp giấy chứng nhận, nhưng từ tháng 3-2016 đến nay gia đình chưa được hoàn thiện thủ tục”.
Do không có giấy chứng nhận, nên nhiều hộ dân không thể thế chấp nhà để vay vốn. Nhiều hộ gia đình muốn làm thủ tục nhập hộ khẩu để con được đi học đúng tuyến; hay như bố mẹ muốn làm thủ tục cho con thừa kế căn hộ... đều không thể thực hiện được. Thậm chí, có những hộ muốn chuyển nhượng, nhưng bị ép giá bán thấp hơn so với giá mua từ 300 đến 500 triệu đồng...
Chờ giải pháp gỡ vướng
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã thành lập 2 tổ công tác liên ngành kiểm tra, rà soát đối với các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở.
Theo báo cáo tổng hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, đến hết tháng 11-2019, có 135 dự án còn tồn tại như: Xây dựng sai so với thiết kế, quy hoạch được duyệt (xây tăng số tầng; tự ý chia nhỏ căn hộ; chuyển đổi công năng từ mục đích sử dụng khác sang chức năng căn hộ để ở; tự ý điều chỉnh lại quy mô, diện tích nhà vườn, biệt thự hoặc xây sai quy hoạch); chưa hoàn thành 100% nghĩa vụ tài chính hoặc chưa bàn giao quỹ nhà tầng 1, quỹ nhà 20%, quỹ nhà 30%; tự ý chuyển nhượng dự án cho các nhà đầu tư thứ cấp (hoặc chuyển giao giữa công ty mẹ, công ty con). Các dự án này có tổng số hơn 62.200 căn hộ, trong đó, số căn hộ đã được cấp giấy chứng nhận là 33.204 căn hộ; còn 29.071 căn hộ đang dừng, phải thực hiện xin ý kiến trước khi cấp giấy chứng nhận.
Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội Trần Anh Dũng cho biết, nhiều dự án vi phạm tồn tại nhiều năm; người mua nhà đã về ở ổn định, nhiều lần đề nghị được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thành ủy, UBND thành phố cũng đã có những chỉ đạo cụ thể. Tuy nhiên, hiện hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai còn nhiều điểm chưa đồng bộ trong việc xử lý, cơ quan chức năng không thể làm trái quy định pháp luật, dẫn đến việc cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà gặp khó khăn.
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, UBND thành phố đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường để tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc. Lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thống nhất sẽ ủng hộ, tạo điều kiện, hướng dẫn, giúp đỡ thành phố và các sở, ngành chức năng tháo gỡ; đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo những nội dung vượt thẩm quyền.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã có đề xuất cụ thể, đơn cử như với dự án còn một phần nghĩa vụ tài chính chưa hoàn thành hoặc chưa thực hiện đầy đủ thủ tục về quỹ nhà bàn giao thì cho phép Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà đã hoàn thành các nghĩa vụ với chủ đầu tư; đồng thời yêu cầu chủ đầu tư hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Với những dự án có các vi phạm về sai quy hoạch, thiết kế được phê duyệt thì cho phép xem xét cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà đã hoàn thành các nghĩa vụ với chủ đầu tư đối với phần diện tích, công trình, căn hộ đúng quy hoạch; đối với phần diện tích sai phạm, các sở, ngành chức năng hướng dẫn chủ đầu tư hoàn chỉnh các thủ tục và chỉ được thực hiện cấp giấy chứng nhận sau khi được các cơ quan chức năng và cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định...
UBND thành phố Hà Nội cùng Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất sẽ tập trung, phối hợp giải quyết các tồn tại, vướng mắc về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở tại các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố cơ bản xong trong năm 2020.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.