(HNM) - Chuyện Trường THPT Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) khuyến cáo học sinh đội mũ bảo hiểm trong lớp vì lo sập trần tưởng như đùa nhưng lại là mối nguy hiểm có thật. Tương tự, không ít trường học trên địa bàn thành phố cũng đang đối mặt trước nguy cơ mất an toàn bởi cơ sở vật chất xuống cấp.
Ưu tiên đầu tư 9 dự án trường học
Ngày 20-10-2017, học sinh lớp 10A3 Trường THPT Trần Nhân Tông may mắn thoát khỏi tai nạn do vữa trần rơi đúng giờ học thể dục, học sinh không ngồi trong lớp. Sau sự cố này, nhà trường đã trát lại những vết nứt, gia cố một số hạng mục có nguy cơ mất an toàn... Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế bởi tình trạng xuống cấp của trường học kéo dài từ năm 2010 và sự cố đã xảy ra nhiều lần khiến thầy, trò lo lắng.
Nhiều hạng mục tại Trường THPT Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Huy Thanh |
Ông Trần Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông cho biết, thầy và trò nhà trường vừa nhận tin vui khi được biết TP Hà Nội đã quyết định đẩy sớm tiến độ cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất của trường. Dự kiến, chậm nhất vào tháng 12-2017, nhà trường sẽ được cấp kinh phí để nâng cấp khu hiệu bộ và xây lại số phòng học đã xuống cấp nghiêm trọng. Từ nay tới thời điểm đó, nhà trường vẫn tiếp tục triển khai các giải pháp phòng ngừa tai nạn, đồng thời chuyển học sinh một số lớp về học tại phòng hội đồng.
Theo kế hoạch trước đó, dự án cải tạo, nâng cấp Trường THPT Trần Nhân Tông với kinh phí 54 tỷ đồng sẽ được triển khai vào quý I-2018, tuy nhiên, trước nguy cơ mất an toàn đối với học sinh, dự án đã được đẩy nhanh tiến độ. Ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cho biết, giai đoạn 2017-2020 có 49 dự án trường học thuộc khối trực thuộc Sở được đầu tư kinh phí cải tạo, nâng cấp. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình hiện nay, Sở đã báo cáo và được chấp thuận ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư cho 9 dự án trường học xuống cấp trầm trọng, cần nguồn vốn đầu tư trên 3 tỷ đồng/dự án, trong đó có 2 dự án triển khai ngay trong năm 2017 là Trường THPT Trần Nhân Tông và THPT Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm). Hiện tại, dự án Trường THPT Xuân Đỉnh đã được bố trí vốn để cải tạo, nâng cấp với tổng kinh phí 50 tỷ đồng; 7 dự án trường học còn lại đang được rà soát lại về quy mô đầu tư để bảo đảm hiệu quả lâu dài và đạt đủ tiêu chí trường chuẩn quốc gia.
Cũng theo ông Nguyễn Viết Cẩn, căn cứ vào thực trạng của các nhà trường, UBND thành phố đã phê duyệt chủ trương thực hiện dự án sửa chữa, chống xuống cấp cho 40 trường học trong năm 2018 với tổng vốn đầu tư 104 tỷ đồng. Lộ trình triển khai, mức đầu tư cụ thể cho từng đơn vị sẽ được căn cứ theo mức độ xuống cấp và yêu cầu thực tế về nhiệm vụ dạy - học.
Chủ động bảo dưỡng thường xuyên
Trường THCS Sơn Công là một trong những ngôi trường của huyện Ứng Hòa đã xuống cấp khá nghiêm trọng, trong khi quy mô học sinh những năm gần đây có chiều hướng tăng. Năm học 2017-2018, nhà trường phải xoay xở đủ bề mới bố trí đủ 9 phòng học cho 9 lớp với 300 học sinh. Phòng làm việc của hiệu trưởng chung với hiệu phó và giáo viên. Các phòng chức năng, thư viện, thiết bị… đều ở trong tình trạng có cũng như không, trong đó bi đát nhất là phòng y tế bởi mưa thì dột, nắng thì nóng, cán bộ y tế phải di tản đủ mọi chỗ. Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Công Nguyễn Văn Võ cho biết, trường được xây dựng từ cách đây hơn 60 năm. Năm học trước, nhà trường đã đề xuất được đầu tư xây dựng 12 phòng học mới, 6 phòng học bộ môn, cải tạo khu hiệu bộ và các hạng mục phụ trợ. Tuy nhiên, dự kiến, phải tới năm 2019 trường mới được đầu tư theo lộ trình xây dựng nông thôn mới.
Nhiều trường học khác trên địa bàn thành phố cũng đang xuống cấp ở mức báo động như Trường THPT Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) bị thấm dột ở hầu hết các phòng học, vữa tường bong tróc, lòi cả sắt ra ngoài. Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai) luôn trong tình trạng ẩm mốc, sân trường úng ngập. Trường THPT Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) không chỉ có nhiều phòng học xuống cấp, mà còn chưa giải tỏa được một số hộ dân trong khuôn viên…
Trong bối cảnh ngân sách hạn chế, giải pháp hiệu quả để cải thiện cơ sở vật chất là tăng cường công tác xã hội hóa, song không phải nơi nào cũng có thể làm được. Đơn cử như Trường THCS Sơn Công, hầu hết gia đình học sinh đều làm nông nghiệp, cuộc sống rất khó khăn, tỷ lệ học sinh trong diện được miễn, giảm học phí hằng năm chiếm từ 10% đến 15%, việc huy động đóng góp bằng tiền mặt là khó khả thi, dù phụ huynh học sinh đã chung tay với nhà trường trong việc huy động sức người, vật tư để chống xuống cấp.
“Hiện tại, Hà Nội đang rà soát 118 đơn vị có trong danh mục được UBND thành phố cho phép quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp, đơn vị nào đủ điều kiện sẽ có cơ hội để đầu tư cải thiện điều kiện dạy - học. Ngoài ra, các trường cần dành kinh phí trong định mức để phục vụ cho những hạng mục cần sửa chữa nhỏ. Trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp, nhà trường cần chủ động bảo dưỡng thường xuyên cơ sở vật chất, không nên chỉ trông chờ vào nguồn vốn ngân sách” - ông Nguyễn Viết Cẩn lưu ý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.