Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cao quý sứ mệnh ''trồng người''

Bắc Vũ| 20/11/2022 06:17

(HNM) - Hôm nay (20-11) là Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày mà cả nước hướng về các thầy giáo, cô giáo với niềm tôn kính, biết ơn sâu sắc.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chăm lo của các đoàn thể, tổ chức xã hội, chính quyền địa phương, sự phối hợp của cha mẹ học sinh và những nỗ lực, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, những năm qua, sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Hiện cả nước có hơn 1,6 triệu nhà giáo, trong đó có gần 80.000 giảng viên đại học, cao đẳng; còn lại là giáo viên mầm non và phổ thông. Các nhà giáo đều có lòng yêu nghề, có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ "trồng người", phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, với tinh thần trách nhiệm, bằng ngọn lửa đam mê với sự nghiệp “trồng người”, đội ngũ nhà giáo đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, thi đua dạy tốt; là tấm gương sáng về đạo đức, sự tận tụy, tâm huyết với nghề... Sự hy sinh thầm lặng, những tấm lòng cao cả, đầy tình thương của các thầy, cô giáo với các thế hệ học trò thật đáng trân trọng!

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, hình ảnh người thầy vẫn hiện lên sáng ngời, kiên trì thắp lửa, truyền đạt tri thức, sưởi ấm tâm hồn thế hệ tương lai với nghĩa cử cao đẹp “tất cả vì học sinh thân yêu”.

Dân tộc ta là một dân tộc hiếu học, trọng việc học, vì thế danh hiệu “người thầy” đã trở nên tôn quý từ hàng ngàn năm nay. Sinh thời, Bác Hồ kính yêu luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của người thầy - những người mở trí, khai tâm cho con người bằng câu nói: “Nhiệm vụ của giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hóa”.

Trong xã hội ta, nghề nào cũng cao quý và mang lại những giá trị tốt đẹp cho đời sống xã hội. Nhưng nghề giáo là nghề đặc biệt, ở chỗ không chỉ mang lại cho chúng ta tri thức mà cả vốn sống, nhân cách để làm người. Giáo dục một con người không chỉ là trang bị cho họ một kiến thức tốt, vững vàng mà phải làm cho con người đó có một nền tảng về cách đối nhân xử thế, trang bị cho họ những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.

Những người thầy, với trách nhiệm cao cả, vẻ vang của mình, đều phải xác định nghề của mình là một nghề cao quý, thiêng liêng và luôn coi thành quả lao động chính là tạo nên một nhân cách, một tâm hồn, một thể chất con người nói riêng và một thế hệ nói chung.

Giai đoạn hiện nay, áp lực và trách nhiệm với mỗi người thầy không kém phần lớn lao, nặng nề, chúng ta đều thấu hiểu điều đó. Nhưng trên hết, ở mọi thời đại, hình ảnh người thầy vẫn mãi mãi là khuôn mẫu, chuẩn mực của xã hội. Lời nói và hành động của người thầy vẫn phải là “khuôn vàng thước ngọc”, là tấm gương sáng để mọi thế hệ học trò học tập và noi theo, đồng thời xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội.

Với trách nhiệm cao cả đó, người thầy ở xã hội nào thì vẫn phải hội đủ cả tâm lẫn tầm.

Với mỗi người chúng ta, tôn sư trọng đạo là truyền thống ngàn đời, là nét đẹp không bao giờ phai nhạt. Người thầy giúp chúng ta thắp lên ngọn lửa niềm tin, ngọn lửa tri thức để làm người và vươn ra biển lớn. Tinh thần ấy mãi mãi trường tồn.

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, chúng ta cùng tri ân những người đã, đang gắn bó với nghề dạy học - một nghề cao quý, vẻ vang. Hơn thế, ngày ý nghĩa này cũng là dịp để đội ngũ nhà giáo và tất cả chúng ta thấy được một điều, cho dù xã hội có nhiều biến đổi nhưng nghề giáo mãi mãi là nghề cao quý, thanh bạch. Đội ngũ nhà giáo với tài năng, trách nhiệm của mình sẽ cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp “trồng người” cao cả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cao quý sứ mệnh ''trồng người''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.