(HNM) - Các nền tảng xuyên biên giới không chỉ gây sức ép cạnh tranh thông tin, mà đã và đang chiếm một nguồn thu lớn quảng cáo trên internet, đẩy các cơ quan báo chí vào thế ngày càng khó khăn. Để tháo gỡ điều này, một trong những giải pháp đưa ra là phải dùng công nghệ để cạnh tranh, phát triển, cùng với đó là thiết lập lại việc quản lý nhằm tạo sự công bằng, bình đẳng...
Facebook và Google (gồm YouTube) đang chiếm gần 70% thị phần quảng cáo trên internet (còn gọi là quảng cáo trực tuyến, quảng cáo số) tại Việt Nam. Công ty Nghiên cứu thị trường ANTS dự báo, năm 2019 và năm 2020, doanh thu quảng cáo của hai nền tảng trên sẽ là 450 triệu USD và 512 triệu USD (trong tổng số 648 triệu USD và 760 triệu USD của toàn thị trường). Số còn lại thuộc về các tờ báo điện tử trong nước và các doanh nghiệp nội dung số.
Tại hội nghị sơ kết ngành Thông tin và Truyền thông ngày 5-7 vừa qua, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đánh giá, việc doanh nghiệp và cá nhân “đổ” quảng cáo lên các nền tảng Google, Facebook là một xu hướng không thể tránh khỏi và khó có thể đảo ngược.
Do áp lực về bài toán kinh tế, nhiều cơ quan báo chí khai thác mạng xã hội để thu hút, gia tăng lượng người truy cập nhằm đem lại doanh thu quảng cáo. Thế nhưng, để cạnh tranh, các mạng xã hội kể trên cũng đã dùng tính năng hạn chế chia sẻ đường link báo chí trên nền tảng của họ, dẫn đến báo chí bị giảm lượng người đọc và giảm khả năng tương tác... Vậy, giải pháp nào cho các cơ quan báo chí trong việc cạnh tranh “miếng bánh” quảng cáo số tại thị trường trong nước?
Theo ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, để cạnh tranh với các mạng xã hội, bên cạnh việc các cơ quan báo chí phải nâng cao chất lượng tác phẩm, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị tăng chi ngân sách cho báo chí, trong đó có việc xây dựng tiêu chí để xác định các hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu. Nhà nước hỗ trợ bảo đảm kinh phí thông qua cơ chế đặt hàng, hoặc mua dịch vụ. Bộ đã làm việc với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng yêu cầu miễn phí đường truyền cho báo chí; thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong báo chí.
Đề xuất giải pháp cụ thể hơn, ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông Việt Nam (VCCorp) cho rằng, đã đến lúc phải cùng chung tay xây dựng nội dung “sạch”. Theo đó, các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện quảng cáo hình thành thói quen sẵn sàng trả tiền quảng cáo dựa trên căn cứ lượng người truy cập. Có nghĩa, giá quảng cáo từ những tờ báo có uy tín trong nước phải có giá cao hơn... Điều này không chỉ giúp bảo đảm an toàn thương hiệu, mà còn tạo thiết lập môi trường nội dung "sạch".
Đưa ra giải pháp công nghệ, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch Công ty Yeah1 (mạng truyền thông lớn nhất Đông Nam Á) cho biết, Yeah1 đã hoàn thành dự án tạo ra nền tảng công nghệ chung thống nhất, để nội dung của các báo đều được truyền tải, giúp người đọc chỉ cần tải bất kỳ ứng dụng nào trong hệ thống đều có thể đọc được tất cả tin tức trong hệ thống. Các báo tận dụng được nguyên hệ sinh thái chung của tất cả người đọc của mọi tờ báo, giúp giảm chi phí kỹ thuật, vận hành, giảm bộ phận kinh doanh. Điều này được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Bộ ra chính sách kết nối nhà mạng và báo điện tử, xây dựng nền tảng cung cấp nội dung trên không gian mạng cho các báo, nhằm hỗ trợ báo chí dùng công nghệ để phát triển.
Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp ngăn chặn dòng tiền quảng cáo vi phạm, nhằm thiết lập lại trật tự, tạo sự công bằng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.