(HNMO) - Với thủ tục đơn giản, nhanh gọn, dịch vụ cho vay tiêu dùng tại các công ty tài chính đã giúp không ít người thu nhập thấp được tiếp cận với những khoản vay một cách dễ dàng. Tuy nhiên, căn cứ vào chi phí vốn vay và mức độ rủi ro cao, lãi suất mà các CTTC đặt ra cũng được cơ cấu tương xứng.
Dịch vụ vay tiêu dùng giúp nhiều người dân tiếp cận được với nguồn vốn vay tín chấp |
Yêu cầu đặt ra là làm sao để lãi suất cho vay tiêu dùng (CVTD) “mềm mại” hơn? Khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh giữa các CTTC nhằm tạo nên một mặt bằng lãi suất linh hoạt chính là lời giải cho bài toán này.
Không khó chạm tay vào vốn vay
Hoạt động cho vay tiêu dùng hiện đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, thông qua việc cung cấp các khoản tín dụng để thúc đẩy tăng tiêu dùng cũng như làm giảm bớt sự biến động trong các chu kỳ tiêu dùng của người dân. Thông qua hoạt động cho vay tiêu dùng, các CTTC đã giúp mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người có mức thu nhập thấp, lịch sử tín dụng hạn chế, qua đó gia tăng công bằng xã hội.
Thay vì phải đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe khi vay vốn tại ngân hàng, việc thực hiện một khoản vay tiêu dùng tại CTTC khá đơn giản. Việc phê duyệt khoản vay tại các CTTC cũng chỉ tính theo giờ. Nếu khách hàng có thể chứng minh thu nhập và một số thông tin cần thiết theo yêu cầu, việc vay vốn để mua sắm tiêu dùng hoàn toàn có thể được thực hiện trong ngày nhờ thủ tục giải ngân nhanh, đơn giản của đại đa số các CTTC. Những khoản vay tại các CTTC đã cho phép các hộ gia đình vượt qua khó khăn về thanh khoản, giúp kế hoạch tiêu dùng diễn ra suôn sẻ ngay cả khi thu nhập của khách hàng có biến động trong thời gian ngắn. Điều này đã giúp nhiều gia đình cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống thông qua việc mua sắm những trang, thiết bị bằng hình thức vay trả góp.
Trên thực tế, việc phát triển hoạt động cho CVTD đã khiến thị trường tài chính phát triển toàn diện và sôi động hơn. Sự hỗ trợ của các CTTC đối với khách hàng trong quá trình cung cấp tín dụng cũng sẽ làm gia tăng hiểu biết về tài chính trong một tầng lớp dân cư vốn ít tiếp cận tới những dịch vụ này. Ngoài lợi ích về kinh tế, việc phát triển chương trình CVTD của các CTTC cũng gián tiếp làm tăng sản lượng sản xuất và tạo thêm các cơ hội việc làm, từ đó đóng góp giúp tăng trưởng kinh tế vĩ mô bền vững hơn.
Thống kê tại thị trường châu Âu cho thấy, CVTD trong năm 2012 chiếm tới 12,5% tổng chi phí tiêu dùng cuối cùng. Ngành này đã tạo ra việc làm cho hơn 1,2 triệu người với gần 1.500 nhà cung cấp dịch vụ…Tại Việt Nam, hoạt động CVTD mới hình thành từ năm 2009 nhưng cũng đã phát triển khá sôi động với sự góp mặt của nhiều CTTC, qua đó giúp không ít người dân có thu nhập thấp được tiếp cận với những khoản vay và dịch vụ tài chính đạt chuẩn và tránh được việc phải sử dụng dịch vụ vay nặng lãi của “tín dụng đen”.
Cạnh tranh giúp giảm lãi suất
Mặc dù lợi ích từ hoạt động CVTD đã rõ ràng, song việc phát triển thị trường tài chính tiêu dùng hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Thống kê cho thấy, dải lãi suất CVTD tín chấp (không cần tài sản thế chấp) tại Việt Nam hiện khoảng từ 25%-60% trong khi đó lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước khoảng 9%. Nếu so sánh tỷ lệ lãi suất CVTD/lãi suất cơ bản của Việt Nam với các nước khác trên thế giới như: Mỹ 8%-36%/0,25%; EU 15%-25%/0,25%; Trung Quốc 10%-40%/6%; Brazil 30%-70%/10,5%; Nhật 9%-17%/0,1%; Ấn Độ 12%-48%/8%... thì rõ ràng chúng ta sẽ có một tỷ lệ khá tương đương.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, vấn đề quan trọng đặt ra là phải để người tiêu dùng hiểu những đặc thù của CVTD. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, mặt bằng lãi suất CVTD cao hơn cho vay thông thường là do đặc điểm hoạt động của các CTTC tại Việt Nam không được phép huy động nguồn vốn ngắn hạn dưới 12 tháng từ tổ chức kinh tế và dân cư. Nguồn vốn huy động chủ yếu được vay lại từ ngân hàng hoặc tổ chức tài chính khác hay thông qua phát hành trái phiếu, cho nên giá vốn đầu vào khá cao. Khách hàng vay tiêu dùng lại hầu hết là những đối tượng không đủ điều kiện (dưới chuẩn) nên mức độ rủi ro sẽ cao hơn so với các tổ chức tín dụng (TCTD). Chính vì vậy, các CTTC cần dự phòng chi phí để bù đắp cho vấn đề này.
Bên cạnh đó, các khoản cho vay tiêu dùng tại các CTTC thường rất nhỏ, chỉ dao động từ vài triệu đến vài chục triệu trên một khoản vay. Trong khi, thủ tục thẩm định cho vay phải thật nhanh gọn, thông thoáng. Hệ thống dịch vụ của các CTTC cũng phải mở rộng đến từng điểm bán hàng, phải xây dựng đội ngũ quản lý, thu hồi nợ cồng kềnh hơn ngân hàng... nên phát sinh chi phí lớn, tốn kém hơn so với TCTD. Do đó, nếu so sánh chi phí cụ thể của từng loại sản phẩm cho vay tiêu dùng bao gồm: Chi phí phân phối, chi phí khoản vay và thu hồi nợ giữa ngân hàng thương mại (NHTM) và CTTC, có thể thấy, lãi suất cho vay tiêu dùng của CTTC mặc dù cao hơn lãi suất ngân hàng nhưng giá trị thực tế từ các khoản lãi phát sinh nhỏ và đều nằm trong khả năng kiểm soát của khách hàng.
Để khuyến khích hoạt động của các CTTC, qua đó kích cầu tiêu dùng thông qua việc đáp ứng các khoản vay dưới chuẩn, các chuyên gia tài chính cho rằng, cần có chính sách phù hợp để tạo nên một thị trường cho vay tiêu dùng hoàn chỉnh. Một trong những yếu tố quan trọng là sớm hoàn thiện và xây dựng khung pháp lý nhằm điều chỉnh việc thành lập và hoạt động của các CTTC. Trong đó, phải tách biệt với hệ thống quy định điều chỉnh đối với NHTM, tạo điều kiện để hình thành thị trường tài chính tiêu dùng. Khi hành lang pháp lý của các CTTC được hoàn thiện, sẽ có thêm nhiều đơn vị tham gia cung ứng dịch vụ này. Sự cạnh tranh lành mạnh giữa các CTTC thông qua việc gia tăng quyền lợi để thu hút khách hàng sẽ gián tiếp khiến lãi suất vay tiêu dùng trở nên “mềm mại” hơn hiện tại, qua đó giúp nhiều khách được tiếp cận với các dịch vụ tài chính chất lượng cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.