Thủ tướng Pháp thông báo, cảnh sát trưởng thành phố Paris đã bị sa thải vì để cuộc biểu tình phong trào “Áo vàng” bùng phát bạo động vào cuối tuần qua.
Hình ảnh trong cuộc biểu tình bạo lực ngày 16-3. Ảnh: REUTERS/Philippe Wojazer |
Hãng tin Reuters dẫn tuyên bố của Thủ tướng Pháp Edouard Philippe ngày 18-3 đưa tin, chiến lược duy trì trật tự của cảnh sát triển khai không đạt được kết quả như mong đợi, khiến người chịu trách nhiệm hàng đầu là Cảnh sát trưởng Michel Delpuech mất chức.
Thủ tướng Philippe cũng đe dọa sẽ dập tắt cuộc biểu tình “Áo vàng” nếu như cảnh sát xác định được có phần tử thuộc các tổ chức bạo động ở trong những người biểu tình.
Trong một tuyên bố phát sóng trên truyền hình, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cho biết: “Kể từ thứ bảy tới (23-3), chúng tôi sẽ cấm biểu tình ‘Áo vàng’ ngay khi chúng tôi nhận thấy dấu hiệu có sự xuất hiện của các tổ chức cực đoan mang âm mưu chống phá”. Lệnh cấm sẽ được áp dụng tại thủ đô Paris và nhiều thành phố khác của Pháp.
Ngày 16-3, thủ đô Paris chứng kiến căng thẳng leo thang trở lại dọc Đại lộ Champs Elysees sau nhiều tuần biểu tình “Áo vàng” thu hẹp quy mô.
Cảnh sát đã xịt hơi cay để giải tán đám đông biểu tình, lập các chướng ngại vật gần Đại lộ Champs Elysees. Những người biểu tình sau đó đã tấn công một xe cảnh sát. Tình trạng cướp bóc cũng xảy ra tại nhiều cửa hàng trên đại lộ trung tâm này. Ước tính có khoảng 10.000 người tham gia biểu tình lần này - một con số tăng vọt so với những tuần trước đó. Hơn 5.000 cảnh sát đã được triển khai để đề phòng các tình huống bạo lực.
Theo Phòng Thương mại Ile-de-France, ít nhất 91 cơ sở kinh doanh bị ảnh hưởng và gần như tất cả doanh nghiệp đều bị thiệt hại nặng nề. Bộ trưởng Tài chính Pháp Le Maire cho biết, tổng giá trị thiệt hại kể từ khi bùng nổ biểu tình “Áo vàng” ước tính rơi vào khoảng 170 triệu euro.
Hoạt động biểu tình của những người "Áo vàng" nổ ra tại Pháp từ trung tuần tháng 11-2018, xuất phát từ làn sóng phản đối chính sách tăng giá nhiên liệu và nhanh chóng lan rộng thành một chiến dịch biểu tình hằng tuần nhằm phản đối các chính sách của chính phủ.
Về phần mình, Chính phủ Pháp đã có những nỗ lực nhằm hạ nhiệt căng thẳng, trong đó có quyết định hoãn tăng giá xăng dầu. Tuy nhiên, sau vài tuần có dấu hiệu chùng xuống, làn sóng biểu tình đã bùng phát trở lại cuối tuần qua tại Paris.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.