Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảnh sát Biển Việt Nam đang vững vàng bảo vệ vùng biển của Tổ quốc

Theo Báo Quân đội nhân dân| 10/05/2014 17:44

Sáng 10/5, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã có buổi làm việc với Cảnh sát Biển Việt Nam về các hoạt động chấp pháp trên biển từ đầu quý II đến nay.

Cảnh sát Biển Việt Nam phổ biến kế hoạch trước khi lên đường làm nhiệm vụ


Sáng 10/5, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã có buổi làm việc với Cảnh sát Biển Việt Nam về các hoạt động chấp pháp trên biển từ đầu quý II đến nay.

Cảnh sát Biển Việt Nam cho biết, liên tục từ đầu năm đến nay, đặc biệt là thời gian thuộc quý II này, có rất nhiều hoạt động vi phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam xảy ra tại khu vực Vịnh Bắc Bộ liên quan đến đánh bắt, khai thác thủy sản trên biển. Đặc biệt, những ngày qua, tại khu vực Tây Nam đảo Tri Tôn của quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, phía Trung Quốc đang cho giàn khoan thăm dò di động đến đặt tại vị trí thuộc thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Đến lúc này, giàn khoan thăm dò đã được định vị, các tàu hậu cần kỹ thuật đã tách khỏi giàn khoan. Phía Trung Quốc liên tục duy trì 51 tàu bảo vệ, tạo thành hàng rào trên phạm vi rộng 7 hải lý xung quanh giàn khoan và thường xuyên có các tàu luân chuyển, thay đổi. Trong số này có cả các tàu quân sự, tàu tác chiến nhanh.

Trên không còn có các máy bay trinh sát bay rất thấp và phía Bắc quần đảo Hoàng Sa hiện đang có 11 tàu quân sự khác thực hiện các hoạt động diễn tập phối hợp và hỗ trợ chi viện xuống khu vực giàn khoan di động.

Các tàu của Trung Quốc hiện đang tạo ra tình hình rất căng thẳng khi sử dụng vòi rồng áp lực mạnh phun nước vào các tàu Cảnh sát Biển, tàu Kiểm ngư của Việt Nam đang làm nhiệm vụ. Các tàu của Trung Quốc thường trực bố trí đội hình 5 tàu khác nhau để cản trở mỗi tàu Cảnh sát Biển Việt Nam, lực lượng Kiểm Ngư mỗi tàu cũng bị 2 tàu của Trung Quốc theo sát và sẵn sàng va chạm gây nguy hiểm hoặc các hình thức khác.

Theo Cảnh sát Biển Việt Nam, các lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam hiện vẫn tiếp tục nhiệm vụ, túc trực thường xuyên. Ngoài hoạt động xua đuổi được thực hiện, còn liên tục thông báo hành vi xâm phạm chủ quyền trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để các tàu của Trung Quốc ý thức rõ hành vi xâm phạm sai trái của mình.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, yêu cầu thời gian tới Đảng ủy, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm các chế độ trực chỉ huy, trực chiến; tổ chức huấn luyện đúng nội dung kế hoạch; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, chủ động đẩy mạnh có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại trên biển. Quá trình tổ chức tuần tra, kiểm soát và thực thi pháp luật trên biển kết hợp với tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật về Luật Biển Việt Nam và các quy định của quốc tế cho các ngư dân; sẵn sàng các phương án cứu, tìm kiếm cứu nạn các tàu, thuyền của ngư dân gặp nạn trên biển bảo đảm kịp thời, hiệu quả.

* Liên quan đến hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 và khiêu khích, gây căng thẳng ở Biển Đông của Trung Quốc, chiều 9/5, Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã trao đổi với một số cơ quan báo chí về tình hình và diễn biến của vụ việc.

- Thưa đồng chí Tư lệnh, đề nghị đồng chí cho biết tình hình và diễn biến của vụ việc trong ngày 9/5?

Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm:
Tình hình trên biển xung quanh khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngày 9/5, Trung Quốc vẫn sử dụng tới 79 tàu thuộc 6 lực lượng hoạt động tại khu vực. Đặc biệt đáng chú ý là Trung Quốc sử dụng 3 tàu quân sự, trong đó có tàu hộ vệ tên lửa 534, hai tàu tuần tiễu tấn công nhanh 752 và 753. Cùng với đó là 39 tàu chấp pháp, gồm 36 tàu hải cảnh và 3 tàu hải tuần, còn lại là tàu vận tải, tàu dịch vụ dầu khí và tàu cá.

Như vậy, lực lượng của Trung Quốc rất đông. Hành động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đã được Trung Quốc lên kế hoạch kỹ, sử dụng số lượng lớn tàu các loại, thường 70 đến 80 tàu mỗi ngày. Hành động khiêu khích của họ rất ngang ngược, thô bạo, tàu Trung Quốc chủ động đâm va, gây thiệt hại cho tàu kiểm ngư và tàu Cảnh sát biển Việt Nam làm nhiệm vụ thực thi luật pháp trên vùng biển Việt Nam. Nghiêm trọng hơn là Trung Quốc sử dụng tàu quân sự vào hành động khiêu khích này. Khi tàu thực thi pháp luật của ta tiến vào ngăn chặn thì họ hung hãn đâm va gây thiệt hại cho tàu của ta, đồng thời phát các nội dung tuyên truyền có tính hăm dọa. Chúng tôi có hình ảnh rõ ràng, chân thực để chứng minh các hành động của họ.

- Những hành động của Trung Quốc gây ảnh hưởng thế nào đến chủ quyền của Việt Nam và an ninh hàng hải trong khu vực, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm: Việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 cũng như các hành động khiêu khích, gây căng thẳng của Trung Quốc là nghiêm trọng nhất trong những năm gần đây. Trước đó, Trung Quốc cũng đã có nhiều hành động vi phạm luật pháp Việt Nam và Luật quốc tế trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, nhưng đây là vi phạm nghiêm trọng nhất. Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương - 981 và số lượng lớn tàu hộ tống, trong đó có tàu quân sự vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam không những vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực, vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), Tuyên bố về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC) và tuyên bố 6 điểm của ASEAN.

Điều đáng nói là hành động của Trung Quốc đã ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh hàng hải. Nếu như xem clip do chúng tôi quay được, các bạn sẽ thấy cả tàu container, tàu hàng hải đi qua khu vực tàu Trung Quốc đang đâm va vào tàu Việt Nam. Chúng tôi rất lo ngại về tình hình này. Đây là điều mà Việt Nam và cộng đồng quốc tế không mong muốn. Thử đặt câu hỏi, nếu điều này vẫn tiếp diễn thì tình hình sẽ ra sao, chắc chắn an ninh cho tàu thuyền qua lại khu vực này sẽ bị ảnh hưởng lớn.

- Trước các hành động của Trung Quốc, lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam đã làm gì và sẽ làm gì để thực thi chức năng, nhiệm vụ?

Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm: Các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam gồm Cảnh sát biển và Kiểm ngư đã triển khai các biện pháp thực thi pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Chúng tôi thực hiện với tinh thần vững vàng nhất, quyết tâm cao nhất để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ. Chúng tôi thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ, thể hiện mình là lực lượng thực thi pháp luật để Trung Quốc phải tôn trọng pháp luật Việt Nam, tôn trọng những điều ước quốc tế mà Việt Nam và Trung Quốc đã công nhận và tham gia. Phương châm của chúng tôi là kiên quyết nhưng kiềm chế. Chúng tôi không hề chủ động đâm vào tàu hải quân, hải cảnh, vào các tàu khác của Trung Quốc. Chỉ có phía Trung Quốc đâm vào tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Chúng tôi có phương tiện đáp trả nhưng đã kìm chế, chủ yếu là tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam.

- Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 8/5, phía Trung Quốc đã phủ nhận việc họ sử dụng tàu quân sự, đồng thời còn nói rằng, Việt Nam đã điều tàu có vũ trang đâm tàu thuyền Trung Quốc, sử dụng cả lực lượng người nhái và tung lưới cá, vật cản gây nguy hiểm cho tàu của họ. Đồng chí nói gì về điều này?


Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm: Những điều phía Trung Quốc nói tại họp báo là không đúng. Về tàu quân sự của Trung Quốc, như tôi đã nói, ngày 9/5, Trung Quốc đã sử dụng 3 tàu quân sự tại đây, chúng tôi đã quay clip, chụp ảnh 3 tàu quân sự này. Đây là bằng chứng không thể chối cãi. Hình ảnh tàu Trung Quốc chủ động đâm va tàu Việt Nam cũng đã được công bố. Làm sao có thể nói khác được? Lực lượng tàu của họ bảo vệ giàn khoan rất đông, luôn được chuẩn bị sẵn sàng thay thế nhau hoạt động. Chúng tôi còn phát hiện nhiều tốp máy bay Trung Quốc bay ở độ cao thấp đe dọa tàu Việt Nam, khoảng cách chỉ 200-300m. Tôi cũng xin khẳng định, đến giờ này, tại khu vực chỉ có lực lượng thực thi pháp luật quản lý và bảo vệ vùng biển Việt Nam. Cảnh sát biển và lực lượng Kiểm ngư chủ yếu đấu tranh bằng tuyên truyền pháp lý, bằng các biện pháp nghiệp vụ và cả biện pháp nhân đạo. Nội dung tuyên truyền là khẳng định với các tàu Trung Quốc trên thực địa đây là vùng biển Việt Nam, thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng, rút khỏi vùng này không điều kiện, bỏ ngay hành động hung hăng, ngang ngược, ảnh hưởng đến tài sản và lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh sát Biển Việt Nam đang vững vàng bảo vệ vùng biển của Tổ quốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.