(HNM) - Khi thời tiết chuyển sang mùa hè cũng là thời điểm tội phạm trộm, cướp tài sản có biểu hiện gia tăng. Vì vậy, bên cạnh công tác tăng cường đấu tranh với tội phạm của cơ quan công an, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, ý thức phòng ngừa nhằm bảo vệ tài sản và giữ gìn an ninh.
Công an TP Hà Nội cho biết, tội phạm cướp, cướp giật tài sản những năm qua tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Năm 2016, tội phạm cướp tài sản giảm hơn 10% so với năm 2015 nhưng vẫn xảy ra 182 vụ, trong đó có 15 vụ mang tính chất trọng án. Trong các vụ cướp, tội phạm chủ yếu nhằm vào người đi xe máy ban đêm, lái “xe ôm”, taxi…, thậm chí có vụ, các đối tượng vào tận nhà dân để trộm, cướp. Còn về tội phạm cướp giật, năm 2016, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 339 vụ và là một trong những loại tội phạm chiếm tỷ lệ cao trong tổng số các vụ phạm pháp hình sự.
Từ đầu năm 2017, số vụ phạm pháp hình sự nói chung, tội phạm cướp, cướp giật nói riêng tiếp tục được kiềm chế nhưng vẫn xảy ra một số vụ việc rất manh động. Tháng 2-2017, cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Hai Bà Trưng đã bắt ba đối tượng gây ra vụ cướp tại ngõ 651 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng. Rạng sáng 6-2, nhóm đối tượng này đi xe máy, ép chặn anh Nguyễn Văn D. (trú tại phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), dùng thanh sắt có đầu nhọn vụt vào đầu, tay nạn nhân rồi giật chìa khóa, cướp xe. Gần đây nhất, sáng 18-4, Trần Quang Tùng (SN 1991, trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên) dùng dao đe dọa, cướp xe máy của một phụ nữ trên đường Nguyễn Văn Cừ… Ngay trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, trên địa bàn thành phố xảy ra 4 vụ cướp, 1 vụ cướp giật tài sản.
Từ thủ đoạn manh động như trên của tội phạm, cơ quan công an dự báo, sang mùa hè, tội phạm cướp, cướp giật có thể diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do mùa này người dân thường ra đường sớm và về nhà muộn nên dễ trở thành mục tiêu của tội phạm cướp vào lúc đêm tối, khi vắng người. Ở khu dân cư, thời tiết nóng, bức nên người dân thường mở cửa sổ, cửa ban công... cũng tạo cơ hội cho kẻ gian đột nhập trộm, cướp tài sản. Đồ trang sức, điện thoại, túi xách của người dân cũng thường để lộ ra ngoài, dễ lọt vào “tầm ngắm” của kẻ xấu… Điều đáng lo ngại là các loại tội phạm này ngày càng manh động, sẵn sàng sử dụng hung khí gây thương tích cho nạn nhân để cướp. Khi bị truy đuổi, kẻ gian còn chống trả, gây nguy hiểm cho lực lượng công an và người đi đường.
Để phòng chống loại tội phạm này, Công an thành phố đã chỉ đạo lực lượng công an cơ sở, các đơn vị nghiệp vụ, nhất là lực lượng cảnh sát hình sự nắm chắc và giải quyết tốt tình hình phức tạp nảy sinh từ cơ sở, tập trung triệt xóa các băng, nhóm tội phạm, đặc biệt là nhóm tội phạm nguy hiểm, trong đó có tội phạm cướp, cướp giật… Hiện nay, các phương án tuần tra trên tuyến, chốt chặn, kết hợp phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm khác đã, đang được triển khai. Các tổ công tác 141 cũng đã tăng cường hoạt động để ngăn chặn cướp, cướp giật trên các tuyến phố và khu dân cư.
Song, để phòng ngừa tội phạm đạt hiệu quả cao, phải tuyên truyền, hướng dẫn rất cụ thể cho từng cấp, từng ngành, từng công dân để nâng cao tinh thần cảnh giác. Đây là mặt công tác có phần còn hạn chế thời gian qua. Vì vậy, công an cơ sở cần phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ có hình thức tuyên truyền phù hợp, sát thực tế đến các tầng lớp nhân dân, tránh vô tình đưa mình vào tình huống nguy hiểm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.