Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảnh giác với nhu cầu hàng xuất khẩu “lạ”!

Đào Huyền - Diệu Anh| 31/10/2016 06:13

(HNM) - Đang vào vụ thu hoạch cau tại các tỉnh miền Trung, cũng như mọi năm, nông dân các tỉnh Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Quảng Nam… lại ồ ạt thu mua cau non tươi đem sấy khô bán cho thương lái nước ngoài.


Ồ ạt hái cau

Tại một số vùng trồng cau tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa,… nông dân đang ồ ạt thu hái cau để xuất khẩu. Hiện giá cau non dao động từ 10.000 đến 12.000 đồng/kg. Mỗi buồng cau trung bình từ 3 đến 5kg quả, nhưng có những buồng lớn từ 8 đến 10kg. Không chỉ nông dân tất bật thu hái cau mà thương lái và các lò sấy ở những khu vực này cũng đang hoạt động hết công suất.

Tại nhiều vùng quê miền Trung, thương lái nước ngoài lùng sục thu mua cau non, khiến giá cau tăng gấp nhiều lần.


Ông Đỗ Thanh Vượt, Chủ tịch UBND xã Sơn Long (huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết: Trung bình mỗi ngày một lò sấy thu mua được 2-3 tấn cau non, sau chế biến, mỗi tháng bán cho thương lái khoảng 10 tấn cau khô. Tại thời điểm này, hầu hết các lò sấy trong xã đều hoạt động hết công suất.

Ông Đinh Văn Công - người dân xã Sơn Long cho biết, thương lái nước ngoài mua cau khô sấy với số lượng lớn về chế biến thành kẹo cau. Hiện, gia đình ông trồng gần 300 cây cau khoảng 7 năm tuổi. Vụ mùa năm nay gia đình bán được hai đợt, thu về 15 triệu đồng. Nếu giá cau duy trì ở mức cao thế này thì đến hết tháng 10, gia đình tiếp tục thu thêm được khoảng 12 triệu đồng.

Không chỉ ở Quảng Ngãi, tình hình thu hái cau diễn ra khá rầm rộ tại Khánh Hòa. Theo phản ánh của người dân địa phương, trước kia nhà nào cũng có vườn rộng, trồng đến vài chục cây, cá biệt có nhà có đến vài trăm cây cau. Có thời điểm cau chính vụ, nhà nào cũng để chín vàng, khô rụng chứ chẳng mấy ai mua bán.

Tuy nhiên từ năm ngoái đến nay, lái buôn hỏi mua cau sấy khô ngày càng nhiều nên việc mua bán mới diễn ra. Nhìn mối lợi hiển hiện, nhiều hộ đã đầu tư mua máy sấy, gom hàng của người dân rồi bán cho thương lái nước ngoài.

Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) Phạm Hồng Đạo cho biết: Năm 2010 toàn huyện có 1.400ha cau thì đến năm nay ở địa phương loại cây trồng này chỉ còn 1.100ha. Trước kia cau mua bán không được giá, nhu cầu không lớn nên nhiều gia đình đã chặt đi để trồng keo và các loại cây khác. Gần đây, tình trạng thu mua cau bán ra nước ngoài rầm rộ khiến những hộ chặt cau lại thấy tiếc.

Theo ông Đạo, 1.100ha có thể đạt sản lượng hàng chục tấn cau trái. Nếu thu hoạch hợp lý, đúng độ tuổi, với giá như hiện nay thì người dân địa phương có thể thu về hàng chục tỷ đồng từ loại cây này. Thực tế, việc chế biến cau thành kẹo là có, một số mẫu kẹo cau bạc hà có xuất xứ từ nước ngoài được xuất bán về Việt Nam, người dân địa phương đã ăn.

Tuy nhiên, ông Đạo cho rằng, việc mua bán cau cần hết sức cẩn trọng vì mua bán không có hợp đồng, nếu phía đối tác ngừng thu mua thì thương lái cũng như người dân sẽ thua lỗ nặng. Đặc biệt, do tình trạng mua bán cau rầm rộ những năm gần đây nhiều hộ lại đua nhau chặt bỏ các loại cây trồng khác để trồng cau, nguy cơ gây mất cân đối trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Cẩn trọng trong việc thay thế cây trồng

Trả lời về tình hình mua bán cau trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam Lê Muộn cho rằng: Cau không phải cây trồng chính nên Sở không nắm được số liệu diện tích cụ thể. Việc thu mua cau non xuất hiện trên địa bàn, Sở cũng nắm được tình hình, nhưng do biến động về giá cả khó dự báo và cau cũng không phải cây trồng chi phối lớn trong thu nhập của nông dân.

Tuy nhiên, Sở NN&PTNT cũng đưa ra những cảnh báo cho người dân cần hết sức cẩn trọng. Nếu địa phương nào có hiện tượng chặt cây trồng khác để trồng cau một cách ồ ạt trên diện rộng thì cần kiểm soát chặt chẽ… Thực tế, nông dân các vùng này vốn nghèo khó, cau lại là cây trồng không cho hiệu quả, số lượng cau mỗi nhà cũng lớn nên việc cấm mua bán là khó, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn chỉ nắm tình hình và đưa ra những khuyến cáo, cảnh báo cho người dân.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Nông dân không nên vì lợi ích nhỏ trước mắt mà chặt các cây trồng khác chuyển sang trồng cau. Cau không phải là cây có giá trị kinh tế cao, thời gian từ lúc trồng đến khi khai thác rất dài, đầu ra không ổn định, nên người dân cũng như chính quyền cần hết sức thận trọng.

Đặc biệt, việc mua bán những nông sản “lạ”, bất thường của thương lái nước ngoài ẩn chứa nhiều rủi ro. Đơn cử như một năm trước đây, tại một số huyện của tỉnh Đắc Lắc, thương lái nước ngoài đến từng xã mua tiêu lép với giá 190.000 đồng/kg, cao gần bằng tiêu loại 1; tiêu bụi, núm tiêu cũng được thu mua với giá 15.000 đồng/kg, cao hơn giá thị trường từ 3.000 đến 10.000 đồng/kg. Thấy có lợi, nhiều đại lý nông sản tại một số huyện đã thu mua hàng chục tấn tiêu lép, núm tiêu chờ thương lái đến nhập. Việc mua bán này đã khiến thị trường tiêu xáo động, khiến giá tiêu được đẩy lên rất cao; tiêu non, tiêu lép cũng được thu mua hết.

Vậy nhưng, sau khi các đại lý thu gom thì thương lái không quay trở lại, gây nhiễu loạn thị trường. Trước tình hình đó, đại diện Sở Công Thương tỉnh Đắc Lắc đã tổ chức nhiều đoàn tuyên truyền và cảnh báo đến bà con để tránh thiệt hại, đặc biệt với những đại lý người Việt đứng ra “ôm hàng”. Đồng thời, các lực lượng chức năng ở địa phương cũng đã tăng cường kiểm soát thị trường, theo dõi các đối tượng mua tiêu để có biện pháp xử lý kịp thời.

Thực tế, việc mua bán nông sản “lạ” diễn ra từ nhiều năm nay. Lạ là mỗi năm phía thương lái nước ngoài lại thu mua một loại sản phẩm khác nhau như, lúc thì đỉa, khi thì thu mua lá vải thiều, lá sắn… với mục đích sử dụng mơ hồ, khó hiểu. Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng: Hoạt động mua bán bất thường này mang lại lợi ích trước mắt cho một bộ phận người dân nhưng việc thương lái nước ngoài mua nông sản “lạ” gây nhiễu loạn thị trường, có thể dẫn tới phá vỡ quy hoạch trồng trọt.

Trước tình hình trên Bộ Công Thương đã yêu cầu các địa phương nên tổng hợp danh sách thương lái nước ngoài thường xuyên thu mua nông, lâm, thủy sản để nắm được thông tin cũng như kiểm soát được tình hình, tránh thiệt hại cho nông dân và sản xuất trong nước. Đặc biệt, các địa phương phải ngăn chặn được tình trạng người dân ồ ạt chặt cây trồng hiện tại để thay thế bằng loại cây thị trường nước ngoài đang có nhu cầu trong ngắn hạn để tránh gây mất cân đối trong sản xuất nông nghiệp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác với nhu cầu hàng xuất khẩu “lạ”!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.