Thị trường

Cảnh giác với máy đo nồng độ cồn... rởm

Kim Vũ 29/12/2023 - 06:30

Nắm bắt tâm lý người dân muốn kiểm tra trước khi tham gia giao thông, nhiều người đã rao bán máy đo nồng độ cồn trên các trang mạng, Facebook, Zalo... Tuy nhiên, nguồn gốc xuất xứ của mặt hàng này đều không rõ ràng.

do-con.jpg
Lực lượng chức năng kiểm tra máy đo nồng độ cồn không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán tại một cửa hàng ở phường Phương Mai (quận Đống Đa).

Tràn lan rao bán trên mạng xã hội

Là tín đồ của công nghệ, chị Lê Hoàng Lan, phường Bạch Đằng (quận Hoàn Kiếm) rất hào hứng khi đặt mua được một máy đo nồng độ cồn móc khóa tiện dụng giá rẻ 79.000 đồng trên sàn thương mại điện tử Shopee. Chị tò mò vì giá quá rẻ mà lại có gần 50 người mua hàng nên đã đặt thử. Tuy nhiên, khi nhận, máy không nhãn hiệu, chỉ có chữ Drive Safely nhưng tin tưởng vào lời giới thiệu nên chị đã đo thử cho chồng chị sau bữa nhậu tối. Kết quả lại là 0,0 dù chồng chị đã uống hơn 10 chén rượu. Chị định thử cho bạn của chồng thì chiếc máy đã tắt phụt do pin yếu.

Trường hợp anh Nguyễn Văn Long, phường Đại Kim (quận Hoàng Mai) lại nực cười hơn khi anh mua máy đo nồng độ cồn được giới thiệu là của Nhật Bản với giá 760.000 đồng. Mặc dù không uống rượu bia trong suốt 10 ngày, nhưng khi thử máy vẫn báo nồng độ cồn trong hơi thở là 0,76mg...

Tìm hiểu về thị trường máy đo nồng độ cồn cho thấy, có rất nhiều website, sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada... đăng bán máy đo nồng độ cồn, giá thấp nhất là 50-60.000 đồng/chiếc, giá cao khoảng 3-4 triệu đồng/chiếc. Hầu hết các loại máy đều không có nguồn gốc xuất xứ, có máy không có tên hãng. Hàng hóa chỉ giới thiệu chung chung là hàng của Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Trung Quốc. Chỉ cần gõ thông tin “máy đo nồng độ cồn”, có hàng trăm kết quả của các hãng khác nhau, đời máy khác nhau như Baseus, Duge, AT6000, Lydsto... hiện lên trên thanh công cụ tìm kiếm. Điều đáng nói, hàng nghìn người đã đặt lệnh mua hàng thành công, đồng nghĩa với rất nhiều người mất tiền vô nghĩa khi chọn hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng không bảo đảm. Vì giá rẻ nên nhiều người đã bỏ qua quy định tại Thông tư 07/2019/TT-BKHCN ngày 26-7-2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ là máy đo nồng độ cồn đạt tiêu chuẩn phải có tem kiểm định, đáp ứng tiêu chuẩn kiểm định theo văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam ĐLVN 107:2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ về phương tiện đo hàm lượng cồn trong hơi thở, được cấp chứng chỉ kiểm định như tem kiểm định, dấu kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định... Và chu kỳ kiểm định phương tiện đo nồng độ cồn có thời hạn là 12 tháng.

Ngăn chặn hàng giả, không rõ nguồn gốc

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Phạm Việt Công cho biết, các loại máy mà cơ quan chức năng đang sử dụng phải được kiểm định từ Bộ Khoa học và Công nghệ, là phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ chuyên dụng, được dán tem kiểm định có thời hạn. Còn các loại máy đo nồng độ cồn bán trên thị trường đều không có đơn vị nào chứng nhận nguồn gốc xuất xứ nên không có căn cứ để sử dụng kết quả đo của máy. Do đó, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia liên tục khuyến cáo người dân không nên tin tưởng vào máy đo tự mua vì sản phẩm không có xuất xứ sẽ cho ra kết quả không tin cậy, ảnh hưởng đến việc chấp hành khi tham gia giao thông.

Ông Phạm Việt Công khuyến cáo, người dân nên chấp hành nghiêm quy định đã uống rượu bia thì không lái xe, không nên tin vào các loại máy đo nồng độ cồn bán trôi nổi trên thị trường.

Về vấn đề này, theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an), máy đo nồng độ cồn mà lực lượng chức năng được giao phải thỏa mãn tiêu chuẩn đo lường chất lượng do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, được kiểm định theo quy định. Đây mới là kết quả đo có tính pháp lý để xác định người tham gia giao thông có vi phạm nồng độ cồn hay không.

Thời gian qua, mạng xã hội bán rất nhiều máy đo trôi nổi, giá rất rẻ, thậm chí chỉ 50.000 đồng/sản phẩm và cho kết quả đo không chính xác. Sản phẩm không an toàn, không đủ điều kiện nên nhiều khi sai số dẫn đến việc người dân nghĩ rằng họ không vi phạm nồng độ cồn. Do vậy, để tránh vi phạm, mỗi người dân cần tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật khi tham gia giao thông.

Việc kinh doanh, buôn bán máy đo nồng độ cồn khá phổ biến trên internet, mạng xã hội, các giao dịch cũng tương đối nhiều. Song, tính xác thực về nguồn gốc của máy hiện nay vẫn đang được thả nổi. Nhiều loại máy giá rẻ, không có chất lượng vẫn tiếp tục được sử dụng. Tuy nhiên, trong khi hàng không nguồn gốc xuất xứ xuất hiện công khai hiện nay nhưng số vụ kiểm tra, xử phạt của các cơ quan chức năng là quá ít.

Được biết, việc xác định đối tượng bán hàng trôi nổi trên mạng không dễ dàng, người bán và khách hàng giao dịch qua chuyển khoản, giao hàng qua đơn vị vận chuyển thứ ba và có rất nhiều người bán trên nhiều kênh phân phối, sàn giao dịch điện tử. Việc không tập trung về một mối cũng gây bất lợi cho cơ quan chức năng để phát hiện gian lận thương mại.

Do vậy, để ngăn chặn hành vi kinh doanh hàng giả, không nguồn gốc, chất lượng kém trên không gian mạng đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các lực lượng chức năng để xử lý tận gốc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác với máy đo nồng độ cồn... rởm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.