Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảnh giác với lừa đảo tuyển dụng XKLĐ sang Angola

Kim Vũ| 25/04/2013 06:35

(HNM) - Những ngày gần đây, thông tin một số lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động

Bộ LĐ-TB&XH mới có công văn cảnh báo người lao động (NLĐ) có ý định đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Angola phải tỉnh táo, vì hiện nay, Bộ chưa cho phép doanh nghiệp được đưa NLĐ sang làm việc tại thị trường này. Theo các chương trình thỏa thuận hợp tác lao động giữa Chính phủ Việt Nam và Angola từ nhiều năm trước thì chỉ đưa các chuyên gia y tế, nông nghiệp và giáo dục của Việt Nam sang làm việc và không có việc đưa lao động Việt Nam sang làm việc theo con đường XKLĐ.

Một lao động Việt Nam (bên phải) đang giã ngô để ăn thay cơm.



Thực tế, có nhiều người đã bị lừa bởi các thông tin tuyển dụng XKLĐ sang Angola vẫn tràn lan trên các trang mạng như vatgia.com, webraovat.vn, raovat ngay.com… Với nội dung tuyển không hạn chế số lượng lao động làm xây dựng, thợ cốt pha, thợ sắt, không cần sức khỏe, ngoại ngữ, viêm gan B vẫn đi được… Mức lương mà các trang web đưa ra cho NLĐ là 800 - 1.200 USD/ tháng; hợp đồng 3 năm, có thể gia hạn tiếp. Tiền đặt cọc của mỗi người là 1.500 USD. Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết đã nhận được thông tin nhiều NLĐ vẫn đi theo đường "chui". Hậu quả là nhiều người không được bố trí làm, nếu có thì thu nhập thấp hoặc bị nhiễm dịch bệnh hay vi phạm pháp luật. Ghi nhận của Đại sứ quán Việt Nam tại Angola cho thấy, năm 2012, tai nạn lao động và dịch bệnh đã làm 18 NLĐ Việt Nam chết. Gần đây nhất, chỉ trong vòng một tháng đã có 4 lao động quê Nghệ An bị chết vì sốt rét. Một số người bị cảnh sát Angola bắt và trục xuất về nước.

Cục Quản lý lao động ngoài nước; Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam đã có cuộc họp với các doanh nghiệp muốn đưa lao động sang làm việc tại Angola. Hiện có hai doanh nghiệp gửi hợp đồng chờ Cục Quản lý lao động ngoài nước thẩm định. Cục khẳng định, do chưa đủ các điều kiện bảo đảm quyền lợi cho NLĐ như công việc lâu dài, ổn định nên Cục chưa cấp phép cho doanh nghiệp nào được đưa lao động sang Angola. Hơn nữa, điều kiện tham gia BHYT cho lao động tại Angola còn khó khăn, chi phí sinh hoạt và y tế rất cao dễ dẫn đến rủi ro, thiệt thòi cho NLĐ nên chưa thể cấp phép.

Ông Đào Công Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cảnh báo NLĐ cần phải tìm hiểu kỹ thông tin về doanh nghiệp đưa đi và nước họ định đến làm việc. NLĐ nên tìm hiểu thông tin liên quan đến làm việc tại Angola hay các nước khác, trên trang web: http://dolabgov.vn và trang web của Trung tâm Hỗ trợ lao động ngoài nước là http://hotrolaodongngoainuoc.org hoặc http://laodongdicu.gov.vn, bởi có thông tin liên quan đến thị trường, hợp đồng xuất khẩu lao động được thẩm định, những điều kiện cần thiết như sức khỏe, ngoại ngữ, bổ túc kỹ năng nghề, giáo dục đào tạo, chi phí, danh sách các công ty xuất khẩu lao động, các hợp đồng đăng ký tại Cục. Các trang web khác thông tin về vấn đề này đều không chính thống, không hợp pháp. Hiện tại 172 doanh nghiệp có giấy phép đưa lao động đi Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Trung Đông và một số quốc gia khác. Còn hai nước ở Châu Phi là Angola, Angeria vẫn chưa có doanh nghiệp nào được cấp phép đưa lao động đi làm việc.

Được biết, có hàng chục lao động sang làm việc tại Angola theo con đường "chui". Hầu hết phải sống tập trung trong các lán trại, đối mặt với tình trạng mất vệ sinh trầm trọng bởi môi trường ô nhiễm. Nhiều người bỏ mạng nơi xứ người, để lại vợ con nheo nhóc quê nhà, cõng món nợ cả đời không thể trả… và cũng không ít người không có tiền mua vé máy bay (1.300-1.700 USD) để hồi hương nên buộc phải chấp nhận làm việc tạm bợ qua ngày tháng.

Trong khi đó, rất nhiều doanh nghiệp XKLĐ của Việt Nam được cấp phép hợp pháp lại phải đến từng vùng, miền, tỉnh, thành phố để vận động, thuyết phục bà con đi XKLĐ theo con đường chính thống. Vì vậy NLĐ cần tìm hiểu kỹ thông tin, tìm đến các doanh nghiệp có chức năng đưa người đi XKLĐ để tránh bị lừa đảo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác với lừa đảo tuyển dụng XKLĐ sang Angola

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.