Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảnh giác với hình thái thời tiết biến đổi bất thường

Minh Huệ| 17/06/2014 16:50

(HNMO)- Chiều 17-6, ông Đỗ Đức Thịnh, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCLB thành phố Hà Nội lưu ý, thời gian vừa qua, trước những diễn biến bất thường của thời tiết cần nâng cao cảnh giác...


Theo nhận định về tình hình khí tượng, thủy văn năm 2014, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta có khả năng xấp xỉ trung bình nhiều năm (TBNN) và thấp hơn năm 2013 (với số cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam có khả năng 5-6 cơn). Trong đó, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp 2-3 cơn bão hoặc ATNĐ; thời gian ảnh hưởng chủ yếu tập trung vào các tháng: 7,8 và 9. Toàn mùa nóng (từ tháng 5 đến tháng 10-2014) có 7-9 đợt nắng nóng (kéo dài từ 2 ngày trở lên), với nhiệt độ cao nhất tuyệt đối lên tới 39-41 độ C. Lượng mưa toàn mùa 1.200-1.400mm (ở mức xấp xỉ TBNN); trong mùa có 6-8 trận mưa to đến rất to, với lượng mưa trên 50mm trong 24 giờ.

Đầu tháng 8 năm 2013, do ảnh hưởng của cơn bão số 6, với lượng mưa lớn đã khiến đê sông Nhuệ đoạn cầu Ngà bị rò rỉ


Về thủy văn, dự báo đỉnh lũ cao nhất năm 2014 phổ biến ở mức thấp hơn TBNN. Theo đó, tại sông Hồng đỉnh lũ thấp hơn đỉnh lũ TBNN và cao hơn đỉnh lũ năm 2013 (cụ thể: tại Sơn Tây ở mức 11,2-11,7m (TBNN là 13,85mm); tại Hà Nội trị số 8,5-9,0m (TBNN: 10,98m). Còn trên sông Đáy tại Ba Thá (loại trừ khả năng phân lũ sông Hồng vào sông Đáy) đỉnh lũ cao nhất năm 2014 có khả năng ở mức đỉnh lũ TBNN có trị số 4,8-5,3m (TBNN là 4,77m). Dự báo, thời gian xuất hiện đỉnh lũ tại hệ thống sông Hồng vào tháng 7 hoặc tháng 8; sông Đáy vào tháng 8 hoặc tháng 9.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Đức Thịnh, mặc dù dự báo như vậy, nhưng với sự biến đổi khí hậu toàn cầu những năm gần đây, những hình thái khí tượng thủy văn cực đoan có thể xảy ra rất phức tạp và khó lường, nhất là thời gian qua thời tiết có những diễn biến bất thường, như: nắng nóng, mưa cục bộ rất lớn (đạt mức 94mm trong 2 tiếng), do vậy cần hết sức chủ động phòng, chống bão mạnh, mưa lớn cục bộ, lũ cao và sạt lở đất có thể xảy ra trên địa bàn thành phố.

Nhiều địa phương ở ngoại thành (thuộc lưu vực sông Nhuệ) bị ngập úng sâu sau trận mưa đầu tháng 8 năm ngoái


Ông Đỗ Đức Thịnh cho biết, đến nay, 18 sở, ngành, công ty và 30 quận, huyện, thị xã đã gửi phương án PCLB năm 2014 về Văn phòng Ban chỉ huy PCLB thành phố. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và các công ty thủy lợi tiến hành kiểm tra, rà soát các hồ đập trên địa bàn thành phố; rà soát quy trình tích nước và vận hành; đề xuất đầu tư, tu sửa các hư hỏng nhằm bảo đảm an toàn cho các hồ chứa trong mùa lũ năm nay. Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội lập báo cáo hiện trạng công trình đê điều trước lũ năm 2014; tiến hành kiểm kê, đánh giá chất lượng, số lượng vật tư dự trữ PCLB. Sở NN&PTNT Hà Nội đã xây dựng và trình UBND thành phố phê duyệt phương án hộ đê bảo vệ trọng điểm; phương án phòng chống úng ngập ngoại thành, đảm bảo an toàn hồ, đập. Sở Xây dựng Hà Nội đã xây dựng phương án tiêu thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành. Trong tháng 6 này, Ban chỉ huy PCLB thành phố triển khai 13 đoàn kiểm tra công tác PCLB tại địa bàn các quận, huyện, thị xã.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác với hình thái thời tiết biến đổi bất thường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.