(HNMCT) - Bệnh viêm gan không rõ nguyên nhân ở trẻ em đang diễn ra tại một số quốc gia và hoàn toàn có thể xâm nhập Việt Nam. Theo chuyên gia y tế, người lớn cần chú ý tới các dấu hiệu lạ ở trẻ.
Thông tin hiếm hoi
Bệnh viêm gan bí ẩn được ghi nhận lần đầu ở Anh và Scotland vào đầu tháng 4 vừa qua, với khoảng 70 trẻ từ 1 tháng đến 16 tuổi, trong đó phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi. Sau đó, bệnh lan ra nhiều quốc gia và đã có các trường hợp tử vong. Trẻ mắc bệnh có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, men gan tăng cao rõ rệt. Bệnh nhi không bị sốt, không nhiễm các loại vi rút phổ biến gây viêm gan như vi rút viêm gan A, B, C, D, E. Đa số trẻ mắc bệnh sẽ hồi phục hoàn toàn, 10% trường hợp nặng phải ghép gan. Hiện chưa rõ nguyên nhân gây bệnh, chỉ biết thường ghi nhận ca bệnh ở nơi có mật độ vi rút Adeno cao.
Tại Việt Nam, theo PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, ngay sau khi có thông tin từ WHO về các ca viêm gan cấp được coi là viêm gan bí ẩn ở trẻ em được ghi nhận tại một số nước, lãnh đạo Bệnh viện đã yêu cầu các bác sĩ chú ý đến bệnh lý này, bao gồm các bệnh nhân khám hậu Covid-19. Bệnh viện hiện chưa ghi nhận ca bệnh gan không rõ nguyên nhân ở trẻ nhỏ.
Tuy vậy, theo PGS.TS Trần Minh Điển, chúng ta không được chủ quan. Nếu có bệnh nhân tổn thương gan tối cấp, các bác sĩ sẽ lưu ý thêm về nguyên nhân gây bệnh. Hằng năm Bệnh viện vẫn có một vài trường hợp viêm gan tối cấp có nguyên nhân liên quan như ngộ độc paracetamol do quá liều, do vi rút viêm gan A, B, C...
Nói thêm về bệnh viêm gan chưa rõ nguyên nhân, GS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh cho biết, điều bất thường và đáng lo ngại là cho đến nay, các ca bệnh được phát hiện đều không liên quan đến các loại vi rút thông thường gây bệnh viêm gan cấp tính (viêm gan A, B, C, D, E). Theo chuyên gia này, giới chuyên môn nghiêng về hướng Adeno vi rút có đột biến.
Liệu bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em có liên quan gì tới Covid-19 và vắc xin phòng Covid-19 hay không? Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hai bệnh lý này không có sự liên quan trực tiếp, nhưng có nhiều yếu tố mà người dân cần lưu ý.
Đó có thể là do trong lúc xuất hiện Covid-19 phải giãn cách xã hội, người dân quan tâm tới phòng ngừa nên ít người mắc bệnh. Nhưng khi đã nới lỏng biện pháp phòng dịch, các bệnh lây nhiễm sẽ tăng lên, những trẻ không có miễn dịch chống Adeno vi rút sẽ bị yếu đi, khi nhiễm vi rút có thể gây ra tình trạng bệnh nặng hơn.
Bên cạnh đó, sau dịch Covid-19, nhiều người lơ là phòng bệnh khác, chỉ quan tâm các triệu chứng mất mùi, đau họng, sốt, khó thở mà quên đi triệu chứng khác của cơ thể.
Không lơ là, chủ quan
Nhiều ý kiến cho rằng, khả năng vi rút vào Việt Nam là khó tránh khỏi. Do đó, các bác sĩ, nhân viên y tế cần giám sát Adeno vi rút để phát hiện ca mắc ban đầu và báo cáo số ca mắc; cố gắng phát hiện các dấu hiệu sớm, triệu chứng nghi ngờ trẻ mắc viêm gan bí ẩn; cập nhật thông tin trên thế giới để nhanh chóng nắm được xem viêm gan bí ẩn do căn nguyên vi rút gì, tác nhân gì, có xuất hiện tình trạng đột biến hay không..., từ đó mới có đoạn gen đặc hiệu để xét nghiệm truy tìm nguyên nhân chính xác của bệnh viêm gan bí ẩn.
Theo chuyên gia truyền nhiễm Trương Hữu Khanh, hiện ở Việt Nam chưa phát hiện ca bệnh, nhưng khả năng vào Việt Nam là hoàn toàn có thể, nhưng nếu có thì nó sẽ xuất hiện rải rác. Vi rút Adeno 41 không thể gây ra dịch, do đó không nên hoang mang. Phương pháp điều trị chủ yếu là uống thuốc, nghỉ ngơi, ăn uống theo chế độ bệnh suy gan, nặng hơn thì lọc gan, ghép gan.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, trẻ nhiễm Adeno vi rút thường không được chỉ định dùng kháng sinh, bởi thuốc chỉ có thể tiêu diệt vi khuẩn. Thông thường, bệnh sẽ tự hết trong vài ngày. Một số vấn đề như nhiễm trùng, đau mắt đỏ hoặc viêm phổi kéo dài một tuần hoặc hơn. Trẻ có hệ miễn dịch kém cần được điều trị tại bệnh viện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.