Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảnh giác với các bệnh truyền nhiễm gây dịch

Thu Trang| 17/05/2022 06:14

(HNM) - Vào mùa hè, thời tiết nóng ẩm tại khu vực miền Bắc, bắt đầu mùa mưa tại khu vực miền Trung, miền Nam cùng sự giao lưu đi lại và ý thức vệ sinh phòng bệnh của người dân chưa tốt... là những điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh, phát triển.

Những bệnh truyền nhiễm thường có số mắc cao và nguy cơ bùng phát thành dịch lớn trong mùa hè, như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não, tiêu chảy do vi rút rota, sởi, cúm… Chính vì vậy, mỗi người dân cần cảnh giác, chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.

Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh truyền nhiễm hiệu quả. Ảnh: Phong Lan

Mùa của nhiều bệnh truyền nhiễm

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 4 tháng đầu năm 2022, cả nước có 14.704 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 6 trường hợp tử vong. Ngoài ra, có thêm 1.066 trường hợp mắc tay chân miệng; 42 trường hợp mắc viêm não vi rút; 2 trường hợp mắc viêm màng não do não mô cầu. Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh thời điểm này, số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng đang gia tăng.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh, trong tuần từ ngày 29-4 đến 5-5, thành phố ghi nhận 420 ca tay chân miệng, tăng gần gấp 4 lần so với trung bình 4 tuần trước đó. Kể từ đầu năm đến nay, thành phố Hồ Chí Minh cũng ghi nhận hơn 7.000 ca sốt xuất huyết, trong đó số ca nặng tăng gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Còn tại Hà Nội, báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho thấy, số ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoài. Cụ thể, từ đầu năm đến ngày 7-5, thành phố ghi nhận 25 ca sốt xuất huyết và 40 ca tay chân miệng. Trong những tuần đầu tháng 5, trung bình trên địa bàn thành phố chỉ ghi nhận 2-5 ca sốt xuất huyết/ tuần. Còn với tay chân miệng, trong tuần từ ngày 2 đến 7-5 ghi nhận 18 ca mắc (tăng 12 ca so với tuần trước đó).

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, thời điểm này, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng không vì thế mà được phép chủ quan. Đặc biệt, đặc điểm thời tiết của Hà Nội luôn tạo ra nguy cơ xuất hiện các bệnh truyền nhiễm. Trong đó, riêng với bệnh sốt xuất huyết, thời tiết nắng nóng và mưa nhiều trong mùa hè là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Để chủ động phòng, chống sốt xuất huyết, từ cuối tháng 4 đến nay, các quận, huyện: Hoàng Mai, Mê Linh, Đông Anh… đã tổ chức phát động chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, diệt muỗi.

“Hiện, trẻ mầm non, học sinh, sinh viên đã quay trở lại trường học sau thời gian nghỉ ở nhà học trực tuyến do dịch Covid-19, nên nguy cơ các bệnh truyền nhiễm trong mùa hè bùng phát thành dịch và lây lan trong trường học là rất lớn. Vì vậy, cần triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống ngay từ bây giờ”, ông Khổng Minh Tuấn lưu ý.

Cán bộ Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng tìm diệt ổ lăng quăng, bọ gậy để phòng, chống sốt xuất huyết tại một hộ dân trên địa bàn. Ảnh: Phương Thu

Phòng tránh biến chứng nguy hiểm

Dù mới ghi nhận rải rác một vài bệnh nhi mắc tay chân miệng đến điều trị, nhưng bác sĩ Đào Hữu Nam, Trưởng khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) cho rằng, trẻ em mắc tay chân miệng có thể hồi phục hoàn toàn sau 3-5 ngày, sau giai đoạn toàn phát. Tuy nhiên, nếu gặp biến chứng sẽ khiến trẻ có nguy cơ tử vong. Hai biến chứng nguy hiểm hay gặp của bệnh tay chân miệng là viêm não và viêm cơ tim.

Để phòng bệnh tay chân miệng, bác sĩ Đào Hữu Nam khuyến cáo, vệ sinh thường xuyên (vệ sinh tay, rửa tay bằng xà phòng cho trẻ) là điều quan trọng để giảm khả năng lây nhiễm. Khi trẻ em mắc bệnh, phụ huynh cho ăn uống bình thường, đầy đủ dinh dưỡng, chú ý vệ sinh cơ thể, ăn chín uống sôi. Đặc biệt, phụ huynh cần chú ý các dấu hiệu trẻ sốt cao liên tục, lờ đờ, giật mình, run tay chân… Khi đó, cần cho trẻ đến cơ sở y tế để được xử lý kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.

Viêm não cũng là bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Bác sĩ Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cho hay, trong khoảng 1 tháng qua, bệnh viện đã tiếp nhận 4 trẻ mắc viêm não nhập viện. Các trẻ được đưa đến bệnh viện đều trong tình trạng sốt cao, nôn ói, đau đầu, mệt mỏi. Đặc biệt, có 2/4 trẻ ở mức độ nặng, thay đổi ý thức, lú lẫn và co giật.

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, đã yêu cầu các đơn vị y tế tăng cường tuyên truyền các dấu hiệu khi mắc bệnh và thông tin cơ sở khám, chữa bệnh gần nhất để người dân đến khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Đối với những bệnh truyền nhiễm đã có vắc xin, các địa phương phải vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi tiêm. Bên cạnh đó, các cơ sở khám, chữa bệnh phải tăng cường rà soát, điều chỉnh các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, phân loại ca bệnh để tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh đến khám và điều trị. Đồng thời, rà soát, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, giường điều trị, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, các lưu đồ xử trí để khám, cấp cứu, điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nói riêng và các bệnh truyền nhiễm trong mùa hè nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác với các bệnh truyền nhiễm gây dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.